Theo đó, 9 trường hợp sẽ áp dụng xóa hộ khẩu theo Điều 24 Luật Cư trú 2020 có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 cụ thể như sau:

Thứ nhất, chết; có quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết;

Thứ hai, ra nước ngoài để định cư;

Thứ ba, đã có quyết định hủy bỏ đăng ký thường trú quy định tại Điều 35 của Luật này;

Thứ tư, vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;

Thứ năm, đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;

Thứ sáu, người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà sau 12 tháng kể từ ngày chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp quy định tại điểm h khoản này;

Thứ bảy, người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác mà sau 12 tháng kể từ ngày chuyển quyền sở hữu vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ và cho đăng ký thường trú tại chỗ ở đó hoặc trường hợp quy định tại điểm h khoản này;

Thứ tám, người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ và không được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó; người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở thuộc quyền sở hữu của mình nhưng đã chuyển quyền sở hữu chỗ ở cho người khác và không được chủ sở hữu mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó;

Thứ chín, người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tại phương tiện đã bị xóa đăng ký phương tiện theo quy định của pháp luật.

leftcenterrightdel
 Khi người dân vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng, trên cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú sẽ ghi họ bị xóa thường trú tại địa chỉ này. Ảnh minh họa

Hồ sơ, thủ tục xóa đăng ký thường trú dự kiến

Bộ Công an Dự thảo quy định về hồ sơ, thủ tục xóa đăng ký thường trú như sau:

- Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày có người thuộc diện xoá đăng ký thường trú thuộc trường hợp (1), (2), (5) thì đại diện hộ gia đình có trách nhiệm đến làm thủ tục xoá đăng ký thường trú.

Hồ sơ bao gồm: Tờ khai thay đổi thông tin về cư trú; giấy tờ chứng minh thuộc một trong các trường hợp xoá đăng ký thường trú.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ thì cơ quan đăng ký thường trú phải xóa tên công dân trong Cơ sở dữ liệu về cư trú và sổ đăng ký thường trú.

- Trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc, kể từ ngày xác định được người thuộc diện xóa đăng ký thường trú thuộc trường hợp (3), (4), (6), (7), (8), (9):

Cơ quan quản lý cư trú phải lập biên bản về việc xóa đăng ký thường trú, có xác nhận của đại diện chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp cho thuê, mượn, ở nhờ hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã và thực hiện xóa đăng ký thường trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sổ đăng ký thường trú.

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày xoá đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú thông báo cho Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; thị xã, thành phố thuộc tỉnh điều chỉnh hồ sơ đăng ký thường trú trong tàng thư hồ sơ cư trú.

- Quá thời hạn 60 ngày, kể từ ngày có người thuộc diện xoá đăng ký thường trú mà cá nhân, đại diện hộ gia đình không làm thủ tục xoá đăng ký thường trú theo quy định thì cơ quan đăng ký cư trú nơi có người thuộc diện xoá đăng ký thường trú lập biên bản, yêu cầu hộ gia đình làm thủ tục xoá đăng ký thường trú.

Sau thời hạn 15 ngày, kể từ ngày lập biên bản, nếu đại diện hộ gia đình không làm thủ tục xoá đăng ký thường trú thì cơ quan đăng ký cư trú tiến hành xoá đăng ký thường trú.

Có thể đăng ký thường trú lại sau khi bị xóa đối với một số trường hợp, thủ tục đơn giản.

Đối với quy định Thứ tư của Điều 24 Luật Cư trú 2020, như trên được nhiều người quan tâm là công dân vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng nhưng không đăng ký ở chỗ mới, không khai báo tạm trú tạm vắng (trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài) thì sẽ bị xóa ĐKTT trong cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú.

Về điều này, lãnh đạo Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (V03), Bộ Công an cho biết quy định về xóa ĐKTT không phải là xóa hộ khẩu hay toàn bộ thông tin về cư trú của người dân như nhiều người đang hiểu. Khi người dân vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng, trên cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú sẽ ghi họ bị xóa thường trú tại địa chỉ này chứ không phải xóa hết thông tin của họ.

"Đây là quy định để người dân phải có trách nhiệm về việc tạm trú tạm vắng theo đúng quy định Luật cư trú. Nếu người dân không thực hiện dẫn đến bị xóa ĐKTT thì chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng khi đi làm thủ tục, giao dịch cần có thông tin về thường trú. Ai đi khỏi địa phương phải có trách nhiệm khai báo tạm vắng, khi đến sinh sống tại nơi khác trên 30 ngày phải đăng ký tạm trú, dưới 30 ngày phải thông báo về lưu trú. Những thông tin thay đổi tạm trú cũng sẽ thể hiện trên phần thông tin của họ tại cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú thì cơ quan quản lý sẽ biết được họ đang cư trú tại đâu", đại diện V03 phân tích.

Người dân sau khi bị xóa ĐKTT vẫn được đăng ký lại khi đủ điều kiện theo quy định. "Việc đăng ký lại rất đơn giản, người dân quay trở về địa phương, đến cơ quan chính quyền khai báo lại và chỉ cần chứng minh về nhân thân, có chỗ ở hợp pháp. Ví dụ người đang ở nhà này và đi, khi quay về, nếu nhà cũ vẫn thuộc sở hữu của họ sẽ đăng ký bình thường, không còn quyền sở hữu nhà nữa thì phải có những điều kiện khác sẽ có quy định", lãnh đạo V03 thông tin.


Ngọc Anh