Chỉ số phát triển chính phủ điện tử Việt Nam tăng 13 bậc

Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo Nghị định về chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 10/4/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 64/2007/NĐ-CP về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Nghị định là hành lang pháp lý quan trọng, cơ bản, tạo điều kiện triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính phủ điện tử Việt Nam. 

Với sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, việc triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước thời gian qua đã đạt được những kết quả nổi bật.

Cụ thể, thông tin và dịch vụ công trực tuyến được các cơ quan nhà nước đẩy mạnh cung cấp, góp phần giảm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính. Hiện nay, 100% các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có Cổng/Trang thông tin điện tử, Cổng dịch vụ công để cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến. Tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trung bình trên cả nước đến tháng 8/2021 đạt trên 43%.

Việc trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước đã trở thành nền nếp, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Tỉ lệ văn bản điện tử được trao đổi giữa các cơ quan nhà nước tăng đều hàng năm; đến nay đạt trên 91%.

Nhiều biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng đã được triển khai, góp phần làm giảm đáng kể các sự cố mất an toàn, an ninh mạng, tấn công mạng trong cơ quan nhà nước. Tính đến tháng 12/2020, tổng số bộ, ngành, địa phương đã triển khai bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp là 83/83 đơn vị, đạt tỉ lệ 100%. 

Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, triển khai công tác giám sát, chủ động rà quét trên không gian mạng Việt Nam để cảnh  báo, khắc phục các sự cố an toàn, an ninh mạng kịp thời. Theo Báo cáo chỉ số an toàn thông tin toàn cầu năm 2020 của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), Việt Nam xếp thứ 25/194 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát đánh giá, tăng 25 bậc so với chỉ số năm 2018.

Việc ứng dụng CNTT, phát triển chính phủ điện tử của Việt Nam đã được thế giới ghi nhận; theo đó, chỉ số phát triển chính phủ điện tử của Việt Nam theo đánh giá của Liên Hợp Quốc trong 193 quốc gia, từ năm 2014 đến năm 2020 tăng 13 bậc (từ xếp hạng thứ 99, lên xếp hạng thứ 86).

Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Nhiều hệ thống, ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước được triển khai, nhưng rời rạc, thiếu kết nối; sử dụng tài nguyên chưa hiệu quả, còn trùng lặp.

Việc kết nối, chia sẻ, mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước còn rất hạn chế; các cơ sở dữ liệu quốc gia chậm được triển khai; sự tương tác của cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp qua môi trường mạng còn mang tính hình thức; các dịch vụ công trực tuyến do cơ quan nhà nước cung cấp là chủ yếu, doanh nghiệp chỉ mới tham gia một phần trong quy trình (tiêu biểu như: nhận hồ sơ, trả kết quả, thanh toán điện tử).

leftcenterrightdel
 Cán bộ công chức UBND thị trấn Hạ Hoà (Phú Thọ) hướng dẫn người dân gửi hồ sơ trực tuyến. (Ảnh minh hoạ)

Các quyết định của cơ quan nhà nước vẫn chủ yếu dựa trên giấy tờ, hoặc dựa trên dữ liệu thu thập thủ công; mô hình triển khai ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước chưa được quy định thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.

Nhiều hoạt động của cơ quan nhà nước vẫn chưa được đưa lên môi trường số; các hệ thống thông tin và ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước còn tồn tại nhiều lỗ hổng, mất an toàn, an ninh mạng…

Ngoài ra, Nghị định số 64/2007/NĐ-CP điều chỉnh toàn diện hoạt động ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, tuy nhiên Nghị định đã được ban hành hơn 14 năm, nhiều quy định đã không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của công nghệ cũng như hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan mới được ban hành, do đó cần ban hành Nghị định mới thay thế nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn cho phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số trong giai đoạn mới.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về chuyển đổi số 

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, việc ban hành Nghị định mới nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai ứng dụng CNTT thời gian qua; hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước hướng tới phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Đồng thời, đảm bảo các điều kiện thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước, đưa toàn bộ hoạt động của cơ quan nhà nước lên môi trường số an toàn.

Về nội dung, ngoài quy định về nguyên tắc triển khai chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước, dự thảo Nghị định còn quy định, cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp công khai, minh bạch, kịp thời, đầy đủ và chính xác trên môi trường số những thông tin theo quy định của Luật tiếp cận thông tin; pháp luật về phòng chống tham nhũng và thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí và các quy định khác của pháp luật về công khai, minh bạch thông tin.

Việc cung cấp, trao đổi, chia sẻ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh và bí mật cá nhân phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.

Cùng với đó, phải bảo vệ dữ liệu cá nhân do cơ quan nhà nước nắm giữ trên môi trường số; bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; đồng thời bảo đảm an toàn, tiết kiệm.

Về giá trị pháp lý của văn bản điện tử, dự thảo Nghị định nêu rõ, văn bản điện tử được ký số bởi người có thẩm quyền và ký số của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật có giá trị pháp lý như bản gốc văn bản giấy.

Văn bản điện tử phù hợp với pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị pháp lý tương đương với văn bản giấy trong giao dịch giữa các cơ quan nhà nước.

Đối với hoạt động gửi, nhận văn bản điện tử, theo dự thảo Nghị định, một văn bản điện tử được gửi thành công khi thuộc một trong hai trường hợp sau: Bên gửi và bên nhận không cùng một hệ thống thông tin: Văn bản điện tử gửi đi đã được nhập vào hệ thống của bên nhận nằm ngoài sự kiểm soát của người gửi. Bên gửi và bên nhận thuộc cùng một hệ thống thông tin: Bên nhận có thể thực hiện các thao tác lấy, xử lý văn bản.

Dự thảo (lần 2) Nghị định thay thế Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước gồm 5 Chương và 85 Điều, cụ thể: Chương I: Quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 8); Chương II: Nội dung, điều kiện bảo đảm phát triển chính phủ số (từ Điều 9 đến Điều 52); Chương III: Hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường số (từ Điều 53 đến Điều 69); Chương IV: Tổ chức thực hiện (từ Điều 70 đến Điều 81); Chương V: Điều khoản thi hành (từ Điều 82 đến Điều 85).

 

P.V