Bộ Quốc phòng đang dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật BPVN để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Luật BPVN được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10 ngày 11/11/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Trong đó, có 3 điều khoản Luật BPVN giao Chính phủ quy định chi tiết gồm: Khoản 4 Điều 10 về phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương trong thực thi nhiệm vụ biên phòng; khoản 2 Điều 21 quy định về Hệ thống tổ chức của BĐBP; khoản 2 Điều 27 quy định về chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù đối với BĐBP.

Theo Bộ Quốc phòng, từ những cơ sở pháp lý, thực tiễn, để bảo đảm hành lang pháp lý đầy đủ, thống nhất cho BĐBP và các lực lượng phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng theo chức năng, nhiệm vụ được giao; đồng thời cụ thể hóa về tổ chức của BĐBP và chính sách ưu đãi, chế độ đặc thù đối với BĐBP việc Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật BPVN là cần thiết.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ.

Việc xây dựng dự thảo Nghị định nhằm quy định chi tiết các điều khoản Luật BPVN về phối hợp giữa Bộ Quốc phòng với bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương trong thực thi nhiệm vụ biên phòng; quy định về hệ thống tổ chức của BĐBP, chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù đối với BĐBP.

Tạo cơ sở pháp lý để Bộ Quốc phòng, các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng thuộc quyền trong thực thi nhiệm vụ biên phòng; xác định rõ hệ thống tổ chức của BĐBP và chính sách ưu đãi, chế độ đặc thù đối với BĐBP đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Việc xây dựng dự thảo Nghị định phải bảo đảm các quy định tại Nghị định phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.

Bám sát những nội dung Luật giao Chính phủ quy định chi tiết thi hành, đáp ứng yêu cầu xây dựng BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại.

Hoàn thiện hành lang pháp lý, bảo đảm biện pháp thi hành đầy đủ để BĐBP và các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; bảo đảm pháp luật về biên phòng đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Kế thừa có chọn lọc những quy định còn phù hợp, được thực tiễn chứng minh là đúng đắn trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về quản lý, bảo vệ BGQG và xây dựng BĐBP.

Đồng thời, bảo đảm đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, góp phần triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ Luật BPVN trong thực tiễn thi hành.

Về chế độ đặc thù đối với cán bộ, chiến sĩ BĐBP, dự thảo quy định, ngoài được hưởng chế độ như các lực lượng khác trong Quân đội còn được hưởng các chế độ đặc thù khác phù hợp với địa bàn hoạt động và tính chất, nhiệm vụ của lực lượng BĐBP như: Phụ cấp trách nhiệm bảo vệ biên giới, hải đảo trong thời gian trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, hải đảo; phụ cấp công tác lâu năm khi đang công tác ở khu vực biên giới thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ.

Bên cạnh đó, chế độ đặc thù còn gồm phụ cấp kiêm nhiệm khi làm nhiệm vụ tăng cường xã biên giới có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn; riêng cán bộ, chiến sĩ BĐBP thuộc lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy và tội phạm được hưởng phụ cấp đặc thù như lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy thuộc Bộ Công an.

Dự thảo Nghị định gồm 5 chương 31 điều được bố cục gồm: Chương I. Những quy định chung, gồm: 2 điều (từ Điều 1 đến Điều 2); Chương II. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương trong phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng gồm: 22 điều (từ Điều 3 đến Điều 24); Chương III. Hệ thống tổ chức của BĐBP, gồm: 2 điều (từ Điều 25 đến Điều 26); Chương IV. Chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù đối với BĐBP, gồm: 3 điều (từ Điều 27 đến Điều 29); Chương V. Điều khoản thi hành, gồm: 2 điều (Điều 30 và Điều 31).
P.V