Bộ Công an vừa hoàn thiện dự thảo Luật Cảnh sát cơ động (lần 2) để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo Bộ Công an, ngày 23/12/2013, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã thông qua Pháp lệnh Cảnh sát cơ động số 08/2013/UBTVQH13, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014. Pháp lệnh Cảnh sát cơ động được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để lực lượng CAND nói chung, lực lượng Cảnh sát cơ động nói riêng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. 

Sau 7 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh, bên cạnh những kết quả đạt được thì đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc.

Văn bản quy phạm pháp luật cao nhất trong lĩnh vực Cảnh sát cơ động mới là Pháp lệnh, chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động trong tình hình hiện nay. Mặt khác, trước sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới đòi hỏi việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Cảnh sát cơ động là rất cần thiết.

Cũng theo Bộ Công an, việc xây dựng Luật nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới. 

leftcenterrightdel
 Khối cán bộ chiến sĩ thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động tại một buổi diễn tập diễu binh. (Ảnh minh hoạ)

Đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật về Cảnh sát cơ động, luật hóa những quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân, thiết lập cơ sở pháp lý đầy đủ, vững chắc cho tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật Việt Nam, đáp ứng vai trò là lực lượng chuyên trách, nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Việc xây dựng Luật phải quán triệt và cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng lực lượng CAND nói chung, Cảnh sát cơ động nói riêng đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.

Việc xây dựng Luật được tiến hành trên cơ sở tổng kết đầy đủ và toàn diện về thực tiễn tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động trong thời gian qua; kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh, khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế, đáp ứng yêu cầu xây dựng Cảnh sát cơ động chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.

Tuân thủ Hiến pháp, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng với tổ chức, hoạt động của Cảnh sát cơ động; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của Luật Cảnh sát cơ động khi được ban hành.

Tham khảo có chọn lọc pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn về tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động một số quốc gia phù hợp với điều kiện, thực tiễn Việt Nam, pháp luật, thông lệ và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Về nội dung, dự thảo Luật Cảnh sát cơ động có một số quy định mới so với Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, trong đó đã quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động để bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhiều hoạt động của Cảnh sát cơ động ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân. Vì vậy, để đảm bảo phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013, dự thảo Luật xây dựng theo hướng tách nhiệm vụ và quyền hạn của Cảnh sát cơ động thành 2 điều, bổ sung thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động để đảm bảo đầy đủ hơn nữa những nhiệm vụ, quyền hạn mà Cảnh sát cơ động đang thực hiện.

Cụ thể, dự thảo Luật bổ sung thêm nhiệm vụ tham gia phối hợp với các lực lượng trong CAND đấu tranh triệt phá các chuyên án có tính chất phức tạp về hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường, các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia; hỗ trợ các cơ quan, đơn vị thuộc các bộ, ngành, địa phương trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào công tác của Cảnh sát cơ động.

Bổ sung thêm quyền hạn được mang vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay, tàu thủy trong trường hợp tác chiến theo chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động; ngăn chặn, vô hiệu hóa các phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người thi hành công vụ hoặc người khác và các mục tiêu bảo vệ; các quyền hạn khác theo quy định của Luật An ninh quốc gia và luật khác có liên quan. 

Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động; quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định cụ thể về các biện pháp công tác và việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của Cảnh sát cơ động; quy định cụ thể về các biện pháp công tác và việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của Cảnh sát cơ động.

Đồng thời, quy định về việc phối hợp của Cảnh sát cơ động với cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng có liên quan và chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ; bổ sung quy định về bố trí sử dụng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động phù hợp với tính chất, yêu cầu nhiệm vụ, hoạt động của từng lực lượng của Cảnh sát cơ động; bổ sung trách nhiệm của một số cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với Cảnh sát cơ động.

Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động gồm 5 chương, 30 điều, trong đó: Chương I. Quy định chung; Chương II. Nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động; Chương III. Bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động; Chương IV. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với Cảnh sát cơ động; Chương V. Điều khoản thi hành.

 


P.V