leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Bộ Tài chính cho biết, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (viết tắt là Hiệp định CPTPP) ký ngày 08/3/2018 tại Santiago (Chile) và được Quốc hội phê chuẩn tại Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12/11/2018 tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV.

Về cam kết thuế xuất khẩu trong CPTPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu đối với phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng thuế xuất khẩu, cơ bản theo lộ trình từ 5-15 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực. Một số nhóm mặt hàng quan trọng như than đá, dầu mỏ và một số loại quặng, khoáng sản (70 mặt hàng) được tiếp tục duy trì thuế xuất khẩu.

Về cam kết thuế nhập khẩu trong CPTPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế, theo đó: (i) 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; (ii) 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; (iii) 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; (iv) Các mặt hàng còn lại cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình xóa bỏ thuế tối đa vào năm thứ 16 hoặc theo hạn ngạch thuế quan.

Để triển khai thực hiện cam kết về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của Việt Nam theo Hiệp định CPTPP, thực hiện theo quy định của Điều 11 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 về thẩm quyền ban hành biểu thuế, thuế suất, Bộ Tài chính cần xây dựng và ban hành Nghị định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam theo từng giai đoạn, trước mắt là cho giai đoạn từ ngày 14/01/2019 đến hết ngày 31/12/2022.

Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi thực hiện Hiệp định CPTPP

Dự thảo quy định về: Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định; các mặt hàng không thuộc Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định áp dụng thuế xuất khẩu ưu đãi 0% trong CPTPP;

Thuế suất áp dụng cho giai đoạn 2019-2022: Áp dụng quy định của Hiệp định vào thực tế, Mê-hi-cô thông báo sẽ áp dụng thời điểm cắt giảm thuế lần đầu tiên vào ngày Hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam (14/1/2019); các nước Ô-xtơ-rây-lia, Ca-na-đa, Nhật Bản, Niu Di-lân, Xinh-ga-po thông báo áp dụng thời điểm cắt giảm thuế lần đầu tiên vào ngày Hiệp định có hiệu lực đối với các nước này (30/12/2018). Trên cơ sở đó, lộ trình cắt giảm thuế của Việt Nam sẽ áp dụng cho 02 nhóm nước: (i) Mê-hi-cô áp dụng thuế suất theo lộ trình cắt giảm bắt đầu năm thứ nhất; (ii) Các nước Ô-xtơ-rây-lia, Ca-na-đa, Nhật Bản, Niu Di-lân, Xinh-ga-po áp dụng thuế suất theo lộ trình cắt giảm bắt đầu năm thứ hai.

Điều kiện áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi theo Hiệp định CPTPP là có chứng từ vận tải và tờ khai nhập khẩu thể hiện đích đến thuộc lãnh thổ các nước trên. Yêu cầu cung cấp chứng từ vận tải và tờ khai nhập khẩu nhằm mục đích đảm bảo kiểm soát được hàng hóa thực tế được nhập khẩu vào lãnh thổ các nước theo quy định do quy trình xuất khẩu không áp dụng được chứng nhận xuất xứ (C/O) như trường hợp nhập khẩu. Tại thời điểm làm thủ tục hải quan, trên thực tế hàng hóa xuất khẩu chưa có các chứng từ vận tải và tờ khai nhập khẩu thể hiện đích đến như quy định, do đó Nghị định quy định tại thời điểm này hàng hóa áp dụng mức thuế suất quy định tại Biểu thuế xuất khẩu hiện hành (không phải thuế suất ưu đãi), sau khi nộp chứng từ vận tải quy định thì được cơ quan quản lý thuế xử lý tiền thuế nộp thừa theo quy định của Luật Quản lý thuế (Điều 47) và các điều khoản hướng dẫn thi hành.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Theo VGP