Những hành vi bị cấm trên không gian mạng

Có hiệu lực từ 1/1/2019, Luật An ninh mạng gồm 7 Chương, 43 Điều, quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo đó, 6 nhóm hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trên không gian mạng gồm:

leftcenterrightdel
Từ ngày 1/1/2019, nhiều hành vi bị cấm trên không gian mạng 
1. Sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử vi phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; các hoạt động chống Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; Thông tin sai sự thật, làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người và xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.

2. Thực hiện chiến tranh mạng, tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

3. Sản xuất, sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác.

4. Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng của biện pháp bảo vệ an ninh mạng.

5. Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.

6. Hành vi khác sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc vi phạm quy định của luật này.

Bên cạnh đó, Điều 9 của Luật này quy định xử lý vi phạm về an ninh mạng. Cụ thể, người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Không xử lý đơn tố cáo nặc danh và rút ngắn thời gian xử lý đơn tố cáo

Cũng có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, Luật Tố cáo 2018, được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2018 (thay thế Luật Tố cáo 2011), gồm 9 Chương, 67 Điều, Theo đó. Luật này có một số điểm mới đáng chú ý như:

Khoản 1 Điều 25 quy định khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc không xác định được người tố cáo hoặc dùng họ tên của người khác để tố cáo thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý.

leftcenterrightdel

Nhưng nếu thông tin có nội dung tố cáo rõ ràng, có tài liệu, chứng cứ cụ thể thì nơi tiếp nhận thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến nơi có thẩm quyền để thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.

Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo (Luật cũ là 60 ngày). Vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày. Vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.

Tăng lương tối thiểu vùng

Có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, Nghị định số 157/2018/NĐ-CP, ngày 16/11/2018, của Chính phủ Quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo Nghị định này, tùy thuộc vào từng vùng cụ thể để áp dụng mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, như sau: Vùng I: 4.180.000 đồng/tháng; vùng II: 3.710.000 đồng/tháng; vùng III: 3.250.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.920.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương năm 2018 khoảng 160.000 - 200.000 đồng/tháng.

leftcenterrightdel
Năm 2019, mức lương tối thiểu theo vùng tăng từ 160 nghìn đến 200 nghìn đồng
Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh. Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó.

Doanh nghiệp phải công khai với người lao động nhiều nội dung

Cũng có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, Nghị định 149/2018/NĐ-CP, ngày 7/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 Bộ Luật lao động, về việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Nghị định này quy định nguyên tắc, nội dung, hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động (người sử dụng lao động).

leftcenterrightdel
BHXH là một trong nhiều nội dung doanh nghiệp phải công khai với người lao động 
Trong đó, nội dung người sử dụng lao động phải công khai gồm: Tình hình thực hiện nhiệm vụ, sản xuất, kinh doanh; nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của doanh nghiệp liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành, thỏa ước lao động tập thể khác mà doanh nghiệp tham gia; nghị quyết Hội nghị người lao động; việc trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ do người lao động đóng góp (nếu có); việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tình hình thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm

Có hiệu lực từ ngày 10/1/2019, Quyết định 47/2018/QĐ-TTg ngày 26/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và xã, phường, thị trấn thuộc huyện, quận, thị xã, thành phố của 9 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, 9 địa phương, gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai sẽ có thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm.

Quy định mới về tuyển dụng công chức, viên chức

Có hiệu lực từ 15/1/2019, Nghị định 161/2018/NĐ-CP, ngày 29/11/2018, của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Cụ thể, Nghị định 161/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

Theo đó, sửa đổi, bổ sung Điều 8 (các môn thi và hình thức thi), Điều 9 (điều kiện miễn thi một số môn) và Điều 10 (cách tính điểm) thành Điều 8 (nội dung, hình thức và thời gian thi tuyển công chức). Cụ thể, thi tuyển công chức được thực hiện theo 2 vòng thi: Thi trắc nghiệm; thi môn nghiệp vụ chuyên ngành.

Đe dọa, lăng mạ nhân viên hàng không sẽ bị phạt 3 – 5 triệu

Cũng có hiệu lực từ ngày 15/1/2019, Theo Nghị định 162/2018/NĐ-CP, ngày 30/11/2018, của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Theo đó, hành vi đe dọa, lăng mạ nhân viên hàng không, hành khách trên tàu bay sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng.

leftcenterrightdel
 Đe dọa, lăng mạ nhân viên hàng không sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng
Ngoài ra, nhiều Luật, Nghị định cũng có hiệu lực từ tháng 1/2019 như: Luật Quốc phòng, Luật Thể dục, thể thao, Luật sửa đổi một số luật liên quan quy hoạch, Nghị định quy định như: Điều kiện thành lập tổ chức hành chính; Phân cấp trách nhiệm ứng phó rủi ro thiên tai; Hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa; Giảm một số mức thu phí an toàn vệ sinh thực phẩm…
H.Nguyên