Hiện nay, cả nước có 78 trại tạm giam, 720 nhà tạm giữ

Theo Bộ Công an cho biết, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 theo Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội. Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam ban hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thống nhất tổ chức, triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác tạm giữ, tạm giam.

Luật đã quy định nhiều nội dung mới quan trọng nhằm thể chế hoá các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp; đồng thời, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự; đánh dấu bước tiến mới trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật về an ninh, trật tự nói riêng; đáp ứng yêu cầu quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. 

Quá trình triển khai thực hiện Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hiện nay, cả nước có 78 trại tạm giam, 720 nhà tạm giữ, 247 buồng tạm giữ (Bộ Công an đang quản lý 69 trại tạm giam, 703 nhà tạm giữ, Bộ Quốc phòng quản lý 9 trại tạm giam, 17 nhà tạm giữ và 247 buồng tạm giữ của đồn biên phòng).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sau hơn 6 năm triển khai thi hành Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam đã bộc lộ một số khó khăn, bất cập trong công tác chỉ đạo điều hành, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức thực hiện và các điều kiện bảo đảm triển khai thi hành Luật và phát sinh từ các quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật chưa thực sự đồng bộ, chưa đáp ứng tốt nhất yêu cầu công tác tạm giữ, tạm giam đã ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả công tác này.

Cụ thể như: Các quy định về chế độ quản lý giam giữ và chế độ giam giữ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam chưa thực sự hoàn thiện, còn nhiều vướng mắc (chưa có quy định về: Chuyển giao người bị bắt theo quyết định truy nã cho cơ quan đã ra quyết định truy nã; về chế độ gửi, nhận thư, sách, báo và tài liệu của người chờ chấp hành án phạt tù…);

Luật chưa có các quy định mang tính nguyên tắc về điều kiện đảm bảo đối với công tác thi hành tạm giữ, tạm giam như: Về bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị trong công tác thi hành tạm giữ, tạm giam; về thiết kế, thi công xây dựng các công trình giam giữ theo các quy chuẩn kỹ thuật riêng, bảo đảm tính đặc thù và an toàn tuyệt đối của các cơ sở giam giữ; về bố trí cán bộ, nhân lực và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ chiến sĩ làm công tác tạm giữ, tạm giam đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác; Chưa có quy định về thẩm quyền của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh trong điều chuyển người bị tạm giữ, người bị tạm giam từ các buồng tạm giữ của đồn Biên phòng đến các cơ sở giam giữ trong Công an nhân dân…

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án. Bị can, bị cáo bị cấm đi khỏi nơi cư trú phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 123 Bộ luật Tố tụng hình sư năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), trong đó, có nghĩa vụ chịu sự quản lý, theo dõi của chính quyền cấp xã hoặc đơn vị quân đội.

leftcenterrightdel
 Viện kiểm sát cấp huyện trực tiếp kiểm sát tại Nhà tạm giữ Công an cùng cấp. (Ảnh minh hoạ)

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành quy định biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú còn phát sinh một số bất cập như: Chưa có trình tự, thủ tục thi hành biện pháp này kể từ khi các cơ quan có thẩm quyền ban hành Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú; do chưa áp dụng các ứng dụng khoa học, công nghệ nên các cơ quan cũng không biết đối tượng được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đi đâu, làm gì để áp dụng các biện pháp theo dõi, quản lý; thực tiễn đã xảy ra các đối tượng được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú bỏ trốn dẫn đến các cơ quan có thẩm quyền phải ban hành quyết định truy nã.

Sửa đổi Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam là yêu cầu cấp thiết, khách quan

Theo Bộ Công an, cần thiết phải nghiên cứu để bổ sung các quy định về thiết bị giám sát điện tử (vòng đeo tay hoặc đeo chân) để quản lý, theo dõi đối tượng bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, quản lý chặt chẽ đối tượng bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, phòng ngừa đối tượng bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội, tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Đồng thời, sẽ mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, bổ sung quy định về thi hành biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú (trong đó bổ sung các quy định về cơ quan có trách nhiệm thi hành, cơ chế giám sát, quản lý và các điều kiện bảo đảm để thi hành biện pháp ngăn chặn); theo đó, dự kiến sẽ đổi tên Luật thành Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú.

Với những lý do nêu trên thì việc nghiên cứu để sửa đổi Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam là yêu cầu cấp thiết, khách quan và bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác tạm giữ, tạm giam trong thời gian tới. Đồng thời đề xuất sửa đổi tên Luật thành Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú.

Về phạm vi điều chỉnh, theo cơ quan chủ trì, dự án Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú điều chỉnh về hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú; chế độ quản lý giam giữ; chế độ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người bị kết án tử hình đang bị tạm giam; người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; thi hành quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú; khiếu nại tố cáo trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; trách nhiệm quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú. 

Tuy nhiên, sẽ sửa đổi cơ bản các quy định trong Luật thi hành tạm giữ, tạm giam hiện hành nhằm giải quyết những tồn tại, khó khăn trong quá trình thực hiện Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong công tác thi hành tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Đề nghị xây dựng Luật nêu lên 3 chính sách gồm: Chính sách 1: Mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật, bổ sung quy định về thi hành biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; Chính sách 2: Nâng cao hiệu quả sử dụng và vận hành mô hình cơ sở giam giữ; Chính sách 3: Sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam còn vướng mắc, bất cập để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Mục đích xây dựng Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú nhằm tiếp tục nâng cao, bảo đảm hiệu quả công tác thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú; tiếp tục cụ thể hóa quy định về quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng trong việc áp dụng khoa học – kỹ thuật, công nghệ - thông tin trong quốc phòng, an ninh; đổi mới phương thức quản lý, giám sát đối với người bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đề cao hiệu quả phòng ngừa trong việc xử lý người phạm tội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của tổ chức, cá nhân.
P.V