Thông tư này quy định chi tiết và biện pháp thi hành về hình thức thể hiện căn cước điện tử; nội dung thể hiện trên thẻ căn cước đối với thông tin về nơi cư trú; nội dung thể hiện trên thẻ căn cước đối với trường hợp không có hoặc không thu nhận được đầy đủ thông tin về nơi sinh, nơi đăng ký khai sinh, quê quán, dân tộc, tôn giáo; tổ chức thu nhận hồ sơ cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước lưu động trong trường hợp cần thiết; thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia; biểu mẫu sử dụng trong cấp, quản lý căn cước; biểu mẫu sử dụng trong thu thập, cập nhật, điều chỉnh, tích hợp, xác nhận, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương trong công tác cấp, quản lý căn cước.
Thông tư áp dụng đối với: Công an các đơn vị, địa phương; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND; cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến công tác cấp, quản lý căn cước.
Về hình thức thể hiện căn cước điện tử, Thông tư nêu rõ: Căn cước điện tử được thể hiện dưới dạng hình ảnh thẻ căn cước hoặc thẻ căn cước công dân còn hiệu lực và thông tin khác được lưu trữ, tích hợp vào căn cước điện tử được thể hiện dưới dạng ký tự. Căn cước điện tử được cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an tạo lập ký hiệu riêng để xác thực bảo đảm tính chính xác, toàn vẹn theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Căn cước điện tử được truy cập, sử dụng thông qua tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng định danh quốc gia; được cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin có liên quan đến việc cấp, quản lý, tích hợp thông tin trên thẻ căn cước.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định nội dung thể hiện trên thẻ căn cước đối với thông tin về nơi cư trú. Cụ thể: Thông tin nơi cư trú thể hiện trên thẻ căn cước là thông tin nơi thường trú của người được cấp thẻ căn cước.
|
|
Lực lượng Công an thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân cho người dân. (Ảnh minh hoạ) |
Trường hợp người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước không có nơi thường trú nhưng có nơi tạm trú thì thông tin nơi cư trú thể hiện trên thẻ căn cước là thông tin nơi tạm trú của người được cấp thẻ.
Trường hợp người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước không có nơi thường trú, nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú thì thông tin nơi cư trú thể hiện trên thẻ căn cước là thông tin nơi ở hiện tại của người được cấp thẻ.
Trường hợp người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước không có thông tin về nơi cư trú trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm hướng dẫn công dân thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc khai báo thông tin về cư trú. Đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, không có nơi cư trú tại Việt Nam thì thông tin về nơi cư trú trên thẻ căn cước thể hiện là địa chỉ cư trú ở nước ngoài (ghi rõ phiên âm bằng tiếng Việt).
Mặt khác, Thông tư cũng quy định về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước đối với trường hợp không có hoặc không thu nhận được đầy đủ thông tin về nơi sinh, nơi đăng ký khai sinh, quê quán, dân tộc, tôn giáo. Theo đó, trường hợp thông tin về nơi sinh, nơi đăng ký khai sinh, quê quán trên thẻ căn cước chưa có hoặc chưa đầy đủ địa danh hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh thì cơ quan quản lý căn cước yêu cầu công dân cung cấp giấy tờ, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền cấp thể hiện đầy đủ các thông tin đó để thực hiện thu thập, cập nhật, điều chỉnh vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.
Trường hợp giấy tờ, tài liệu do người dân cung cấp thể hiện không đầy đủ địa danh hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh thì cơ quan quản lý căn cước đề nghị công dân cung cấp thông tin và có văn bản cam kết, chịu trách nhiệm đối với các thông tin về nơi sinh, nơi đăng ký khai sinh, quê quán đã cung cấp. Cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý hộ tịch, cơ quan khác có liên quan kiểm tra, xác minh bảo đảm tính chính xác, thống nhất trước khi thu thập, cập nhật, điều chỉnh vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.
Trường hợp thông tin về dân tộc, tôn giáo trên thẻ căn cước chưa có hoặc đã được thu thập nhưng công dân đề nghị cập nhật, điều chỉnh thì cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm cập nhật, điều chỉnh theo quy định tại Điều 10 Luật Căn cước.
Thông tin dân tộc, tôn giáo được cập nhật, điều chỉnh vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước phải thuộc danh mục dân tộc, tôn giáo được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc công nhận.
Ngoài ra, Thông tư còn quy định về tổ chức thu nhận hồ sơ cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước lưu động trong trường hợp cần thiết. Cụ thể, cơ quan quản lý căn cước tổ chức làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước tại địa chỉ của cơ quan, tổ chức khác khi có văn bản đề nghị và cơ quan quản lý căn cước có đủ điều kiện về phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, nhân lực thực hiện.
Cơ quan quản lý căn cước tổ chức làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước tại Công an cấp xã hoặc chỗ ở của người dân đối với trường hợp người già yếu, bệnh tật, tai nạn, khuyết tật và trường hợp đặc biệt khác khi cơ quan quản lý căn cước có đủ điều kiện về phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, nhân lực thực hiện.
Thông tư gồm 3 chương, 17 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024. Các thông tư sau đây hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành gồm: Thông tư số 59/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021; Thông tư số 66/2015/TT-BCA ngày 15/12/2015; Thông tư số 41/2019/TT-BCA ngày 1/10/2019; Thông tư số 104/2020/TT-BCA ngày 30/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an.