VKSND tối cao nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Kạn chuyển đến theo Công văn số 418/BDN ngày 2/11/2021 của Ban Dân nguyện (Kiến nghị số 14) đề nghị hướng dẫn việc kê biên tài sản, phong toả tài khoản trong quá trình điều tra vụ án hình sự .
Về nội dung này, VKSND tối cao trả lời như sau: Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) thì Kê biên tài sản và Phong tỏa tài khoản là 2 biện pháp cưỡng chế do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự.
Kê biên tài sản (Điều 128 BLTTHS), đối tượng áp dụng: Chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại.
Thẩm quyền: Những người có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều 113 BLTTHS có quyền ra lệnh kê biên tài sản, bao gồm: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT các cấp; Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp. Lệnh kê biên của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT các cấp phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành.
Tài sản bị kê biên: Chỉ được kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại.
Quản lý tài sản bị kê biên: Tài sản bị kê biên được giao cho chủ tài sản hoặc người quản lý hợp pháp hoặc người thân thích của họ bảo quản. Người được giao bảo quản mà có hành vi tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại tài sản thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS.
Trình tự, thủ tục kê biên tài sản, khi tiến hành kê biên tài sản, phải có mặt những người: Bị can, bị cáo hoặc người đủ 18 tuổi trở lên trong gia đình hoặc người đại diện của bị can, bị cáo; đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi có tài sản bị kê biên; người chứng kiến.
Người tiến hành kê biên phải lập biên bản, ghi rõ tên và tình trạng từng tài sản bị kê biên. Biên bản được lập theo quy định tại Điều 178 của BLTTHS, đọc cho những người có mặt nghe và cùng ký tên. Ý kiến, khiếu nại của bị can, bị cáo hoặc người đủ 18 tuổi trong gia đình hoặc người đại diện của bị can, bị cáo liên quan đến việc kê biên được ghi vào biên bản, có chữ ký xác nhận của họ và của người tiến hành kê biên.
|
|
Việc kê biên tài sản là một biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản một cách hiệu quả. (Ảnh minh hoạ) |
Biên bản kê biên được lập thành 4 bản, trong đó 1 bản được giao ngay cho bị can, bị cáo hoặc người đủ 18 tuổi trong gia đình hoặc người đại diện của bị can, bị cáo, 1 bản giao ngay cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi có tài sản bị kê biên, 1 bản gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và 1 bản đưa vào hồ sơ vụ án.
Về phong tỏa tài khoản (Điều 129 BLTTHS), đối tượng áp dụng: Chỉ áp dụng đối với người bị buộc tội về tội mà BLHS quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại khi có căn cứ xác định người đó có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước. Phong tỏa tài khoản cũng được áp dụng đối với tài khoản của người khác nếu có căn cứ cho rằng số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội.
Thẩm quyền: Những người có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều 113 BLTTHS có quyền ra lệnh phong tỏa tài khoản, bao gồm: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT các cấp; Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp. Lệnh phong tỏa tài khoản của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT các cấp phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành.
Số tiền bị phong tỏa: Chỉ phong tỏa số tiền trong tài khoản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc bồi thường thiệt hại.
Thực hiện lệnh phong tỏa, quản lý tài khoản bị phong tỏa: Người được giao thực hiện lệnh phong tỏa, quản lý tài khoản bị phong tỏa mà giải tỏa việc phong tỏa tài khoản thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS.
Trình tự, thủ tục phong toả tài khoản: Khi tiến hành phong toả tài khoản, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền phải giao quyết định phong toả tài khoản cho tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước đang quản lý tài khoản của người bị buộc tội hoặc tài khoản của người khác có liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội. Việc giao, nhận lệnh phong tỏa tài khoản phải được lập thành biên bản theo quy định tại Điều 178 BLTTHS.
Ngay sau khi nhận được Lệnh phong toả tài khoản, tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước đang quản lý tài khoản của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc tài khoản của người khác có liên quan đến hành vi phạm tội của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo phải thực hiện ngay việc phong toả tài khoản và lập biên bản về việc phong toả tài khoản.
Biên bản về việc phong toả tài khoản phải được lập thành 5 bản, 1 bản giao ngay cho người bị buộc tội, 1 bản giao cho người khác có liên quan đến người bị buộc tội, 1 bản gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp, 1 bản đưa vào hồ sơ vụ án, 1 bản lưu tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước.
Về thời hạn các doanh nghiệp viễn thông trả lời, cung cấp thông tin theo Lệnh thu giữ thư tín, điện tín của CQĐT và Quyết định phê chuẩn của Viện kiểm sát, theo quy định tại Điều 197 BLTTHS, khi cần thiết phải thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông thì CQĐT ra lệnh thu giữ. Lệnh này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Trường hợp không thể trì hoãn thì CQĐT có thể tiến hành thu giữ nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản. Sau khi thu giữ phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp bằng văn bản kèm theo tài liệu liên quan đến việc thu giữ để xét phê chuẩn. Cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông có trách nhiệm thực hiện Lệnh thu giữ thư tín, điện tín, bưu phẩm của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, việc thu thập thông tin liên quan đến thuê bao điện thoại được thực hiện theo Hướng dẫn số 03/HDLN-BCA-VKSNDTC ngày 9/2/2021 của Bộ Công an và VKSND tối cao, CQĐT ban hành công văn yêu cầu doanh nghiệp viễn thông cung cấp; thời hạn cung cấp theo yêu cầu của CQĐT.
Về trình tự, thủ tục định giá một số loại tài sản không có giá chung trên thị trường (như hoa lan, vật nuôi làm cảnh...), theo quy định tại các điều từ Điều 215 đến Điều 221 BLTTHS: Khi cần xác định giá của tài sản để giải quyết vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định giá tài sản (gồm tên Hội đồng định giá tài sản được yêu cầu, thông tin và đặc điểm của tài sản cần định giá, tài liệu có liên quan, nội dung yêu cầu định giá tài sản, thời hạn trả kết luận định giá tài sản ...); việc định giá tài sản do Hội đồng định giá tài sản tiến hành.
Cũng theo VKSND tối cao, các văn bản hướng dẫn thực hiện việc định giá tài sản gồm: Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 7/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự; Nghị định số 97/2019/NĐ-CP ngày 22/12/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 7/3/2018 và Thông tư số 30/2020/TT-BTC ngày 17/4/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP và Nghị định số 97/2019/NĐ-CP.
Đối với việc định giá tài sản: Căn cứ Luật đấu giá và dựa trên các căn cứ định giá tài sản quy định tại Điều 15 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP. Trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự đối với tài sản không có giá chung trên thị trường (như hoa lan, vật nuôi làm cảnh ...) được thực hiện theo các quy định của pháp luật nêu trên.