Bộ Công an đang dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo Bộ Công an cho biết, trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an đã triển khai nhiều giải pháp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước về thi hành án hình sự, các bản án, quyết định của Toà án được thi hành nghiêm minh; an ninh, an toàn các cơ sở giam giữ được bảo đảm; thực hiện tốt chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước đối với người phạm tội.

Công tác quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo và tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, việc thi hành các biện pháp tư pháp ngày càng hiệu quả. Cơ sở vật chất phục vụ công tác thi hành án hình sự ngày càng được tăng cường; tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ được củng cố, kiện toàn từ Bộ Công an đến Công an các đơn vị, địa phương theo hướng tập trung, thống nhất, từng bước chuyên môn hóa.

Tính đến tháng 10/2019 có 24/54 trại giam phối hợp tổ chức 154 điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam, số lượng phạm nhân lao động, học nghề dao động từ 6.000 - 7.000 phạm nhân. Các ngành nghề lao động chủ yếu ở các khu sản xuất và các điểm lao động ở ngoài trại giam là: Trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất gạch, gia công vàng mã, may gia công, đóng gói bánh kẹo, đan lát mây tre,… và một số các ngành thủ công chế biến khác.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện công tác thi hành án hình sự nói chung, công tác thi hành án phạt tù nói riêng trong đó công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc; tình hình tội phạm diễn biến phức tạp chưa có chiều hướng giảm, số người bị kết án phạt tù tăng tạo áp lực lớn đối với công tác quản lý giam giữ và giáo dục cải tạo, việc tổ chức lao động cho phạm nhân vốn đang gặp nhiều khó khăn, lại càng khó khăn hơn.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ.

Thực hiện Quyết định số 1041/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thi hành án hình sự năm 2019, trong đó giao Bộ Công an chủ trì xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Thi hành án hình sự. Trong quá trình xây dựng, Bộ Công an đã trình Chính phủ các phương án về mô hình tổ chức lao động cho phạm nhân, bao gồm cả hình thức hợp tác với tổ chức, cá nhân ngoài trại giam.

Đa số ý kiến nhất trí về mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết phải tổ chức cho phạm nhân lao động, bao gồm cả lao động ngoài trại giam. Nhưng do chưa được quy định trong Luật nên chưa thể hướng dẫn trong Nghị định của Chính phủ. Căn cứ Điểm b Khoản 2 Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cần xây dựng Nghị quyết thí điểm, để tổng kết, đánh giá trên cơ sở lý luận và thực tiễn đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định vào Luật Thi hành án hình sự. Xuất phát từ những lý do trên, việc ban hành Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là rất cần thiết.

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, mục đích xây dựng Nghị quyết nhằm tạo cơ sở pháp lý để thống nhất tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các trại giam trong công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân trong giai đoạn hiện nay; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác thi hành án phạt tù, công tác chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trong thời gian tới.

Đồng thời, đánh giá tính hiệu quả của mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, trên cơ sở đó đề xuất đưa (hoặc không đưa) quy định tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam vào quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.

Về nội dung, dự thảo Nghị quyết gồm 5 chương, 19 điều, quy định thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, bao gồm: Nguyên tắc, chế độ, việc tổ chức lao động, hướng nghiệp dạy nghề; việc sử dụng kết quả lao động của phạm nhân ngoài trại giam; trách nhiệm, mối quan hệ phối hợp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Về nguyên tắc, dự thảo Nghị quyết nêu rõ: Việc tổ chức thực hiện thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam phải bảo đảm tuyệt đối an toàn; phục vụ có hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, tái hòa nhập cộng đồng; ưu tiên lựa chọn ngành nghề có hàm lượng kỹ thuật, có công nghệ phù hợp, có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù.

Việc tổ chức lao động, hướng nghiệp dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam phải được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt; việc đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ quản lý giam giữ, tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam do tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam bảo đảm.

Tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam có trách nhiệm hướng dẫn, dạy nghề, truyền nghề, bố trí ngành nghề lao động phù hợp, bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, an toàn lao động cho phạm nhân theo quy định của pháp luật; việc tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam phải bảo đảm chế độ, chính sách cho phạm nhân theo quy định của pháp luật.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện thí điểm mô hình tổ chức, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam thì phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhiệm vụ, quyền hạn trong thi hành án hình sự tại địa phương nơi tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, phối hợp với các trại giam trong công tác thi hành án hình sự khi tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân theo thẩm quyền.

Liên quan đến trách nhiệm của VKSND, dự thảo Nghị quyết nêu rõ: Khi tổ chức đưa phạm nhân đi lao động ngoài trại giam phải thông báo cho VKSND cấp tỉnh, cơ quan Công an cấp huyện và các cơ quan, tổ chức cá nhân khác có liên quan để kiểm tra, kiểm sát, giám sát, phối hợp khi có yêu cầu.

VKSND cấp tỉnh nơi tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân có trách nhiệm kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong thi hành án hình sự.

P.V