Ngày 5/10, VKSND tối cao ban hành Công văn số 3737/VKSTC-V3 gửi Viện kiểm sát quân sự Trung ương; Vụ 1, Vụ 3 - VKSND tối cao; Viện kiểm sát các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai Kế hoạch của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Công văn số 3737/VKSTC-V3 nêu rõ, thực hiện Kế hoạch số 92/KH-BCĐ389 ngày 13/9/2022 của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa, VKSND tối cao yêu cầu Viện kiểm sát quân sự Trung ương; Vụ 1, Vụ 3 - VKSND tối cao; Viện kiểm sát các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số nội dung đã được xác định.

Cụ thể, tăng cường phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, kịp thời phát hiện, phân loại, xử lý các vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.

leftcenterrightdel
 Đại diện Viện kiểm sát phối hợp với Cơ quan điều tra tiến hành khám xét địa chỉ, nơi ở của các đối tượng liên quan vụ án mua bán vàng nhập lậu từ Campuchia vào địa bàn tỉnh An Giang. (Ảnh minh hoạ: Nghiêm Túc)

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra, Tòa án các cấp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả; nhất là các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, góp phần giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung.

Trước đó, tại Kế hoạch số 92/KH-BCĐ389 ngày 13/9/2022 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch nắm tình hình, phối hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa trên các tuyến biên giới, khu vực cửa khẩu, cảng biển, vùng biển, hoạt động kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng hóa tại địa bàn nội địa; xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của mỗi đơn vị, địa phương, tránh chồng chéo.

Quá trình tổ chức triển khai phải bảo đảm chặt chẽ, thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, không làm ảnh hưởng hoặc cản trở hoạt động xuất nhập khẩu, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa bình thường, đúng pháp luật của các tổ chức, cá nhân; nói không với tiêu cực, không bao che, tiếp tay, bảo kê cho hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đồng thời, phát hiện những sơ hở, bất cập, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đề nghị VKSND tối cao chỉ đạo VKSND các cấp phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác điều tra, truy tố các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

P.V