(BVPL) - Đó là ý kiến của Tiến sỹ Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC xung quanh Điều 18 Dự thảo Nghị định “Quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ”, quy định: “Trường hợp hành vi chống người thi hành công vụ có dấu hiệu của một tội phạm thì người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện kỹ thuật được trang bị để khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ…

Trường hợp có căn cứ thực tế để cho rằng hành vi chống người thi hành công vụ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người thi hành công vụ hoặc của người khác hoặc có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật hoặc nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm để phòng vệ, tấn công, vô hiệu hóa hành vi, kịp thời ngăn chặn hậu quả xảy ra và bắt giữ...” đang được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến, mà dư luận đặc biệt quan tâm thời gian gần đây.

Theo Tiến sỹ Dương Thanh Biểu thì, thứ nhất: Việc xác định hành vi chống người thi hành công vụ gây ra hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người thi hành công vụ hoặc của người khác hoặc có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng là rất phức tạp. Để xác định được vấn đề trên, đòi hỏi người được nổ súng phải có năng lực hiểu biết pháp luật, có năng lực thực tiễn và phải có quá trình điều tra, nghiên cứu kỹ. Kinh nghiệm cho thấy, có rất nhiều trường hợp, để có sự nhận thức thống nhất giữa các ngành về những vấn đề nêu trên phải qua quá trình điều tra, truy tố, xét xử ở nhiều cấp mới kết luận được. Nếu chỉ trong chốc lát mà đòi hỏi người thi hành công vụ phải nhận thức đúng những vấn đề phức tạp trên đây để quyết định việc nổ súng là không khả thi. Rất có thể lúc đầu nhận thức cho rằng, hành vi chống người thi hành công vụ đang diễn ra có dấu hiệu của một tội phạm…nên đã nổ súng làm người đó bị thương, hoặc chết…nhưng sau đó xem xét lại thì hành vi của người chống người thi hành công vụ không phải là nghiêm trọng. Trong trường hợp này, người nổ súng đã vượt quá phòng vệ chính đáng theo quy định tại Điều 15 Bộ luật Hình sự. Nếu nổ súng gây chết người có thể bị xử lý theo Điều 96 BLHS, nếu bị thương có thể bị xử lý theo Điều 106 BLHS.

Thứ hai, trong trường hợp tại hiện trường có nhiều người, trình độ sử dụng vũ khí của người thi hành công vụ còn thấp, rất có thể đạn lại trúng vào người khác thì vấn đề càng phức tạp hơn.

Thứ ba, hiện nay, trong lĩnh vực sử dụng vũ khí, vật liệu nổ đã có các văn bản pháp quy điều chỉnh: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 16/2011/ UBTVQH12 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012; Chính phủ đã có Nghị định số 25/2012/NĐ-CP và Bộ Công an đã có Thông tư 30/2012/TT-BCA hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh trên. Do vậy, trước mắt, các lực lượng chức năng cần thực hiện nghiêm chỉnh các văn bản pháp luật nêu trên.  

Thiết nghĩ, nếu cho phép nổ súng vào người chống người thi hành công vụ không chỉ xâm phạm đến quyền công dân mà còn có thể dẫn đến nhiều rủi ro cho người sử dụng vũ khí. Do vậy, tôi cho rằng, trước mắt, chưa cần thiết ban hành quy định cho phép người thi hành công vụ được sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật hoặc nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm. Để đấu tranh phòng ngừa tình trạng chống người thi hành công vụ hiện nay, ngoài việc phối hợp tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật trong quần chúng nhân dân, cần tăng cường lực lượng chuyên trách, kể cả con người và phương tiện để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ.
 

Thanh Hoa (ghi)

.