Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc VKSND tối cao cùng tập thể Ban Giám hiệu, lãnh đạo các phòng, khoa thuộc Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội…

leftcenterrightdel
 Quang cảnh Hội nghị.

Năm 2022, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng với sự quyết tâm và sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Hội đồng Trường, Đảng ủy, Ban Giám Hiệu, Trường đã tích cực chuẩn bị, hoàn thiện hồ sơ, minh chứng phục vụ công tác đánh giá Chương trình đào tạo ngành Luật - chuyên ngành Kiểm sát. Với tinh thần đoàn kết, nỗ lực cao của toàn thể công chức, viên chức, người lao động, Trường hoàn thành đợt khảo sát chính thức đánh giá ngoài Chương trình đào tạo ngành Luật - chuyên ngành Kiểm sát tại Trường và hoàn thành việc thẩm định kết quả và xét công nhận đạt chất lượng chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Luật - chuyên ngành Kiểm sát.

Kết quả, Trường đã được Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trao Quyết định và Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Luật - chuyên ngành Kiểm sát.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao trao Cờ thi đua của ngành KSND tặng Nhà trường.

Đây là bước ngoặt quan trọng của Trường trong việc khẳng định giá trị, vị thế, uy tín của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội trên con đường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Ngành kiểm sát và cho xã hội; việc đánh giá ngoài Chương trình đào tạo giúp Trường cải tiến nâng cao chất lượng đào tạo, phát huy hơn nữa các thế mạnh, khắc phục những điểm hạn chế còn tồn tại, đưa ra các giải pháp thực hiện hiệu quả nhất trong thời gian tới để toàn trường tiếp tục nỗ lực thực hiện tự đánh giá cơ sở giáo dục theo lộ trình đã đặt ra, tiến thêm một bước nữa trong tiến trình tự chủ theo quy định.

Trường đã hoàn thành Đề án nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và việc chuyển đổi công chức sang viên chức tại Trường. Quá trình xây dựng đề án được thực hiện một cách chặt chẽ, qua nhiều hội nghị, nhiều cuộc họp với các thành phần khác nhau, lấy ý kiến, nguyện vọng của toàn thể công chức tạo sự đồng thuận cao trong Nhà trường.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến trao Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua Khối tặng 2 tập thể thuộc Nhà trường.

Hiện Trường đang tổ chức đào tạo 5 khoá sinh viên đại học chính quy với 1.637 sinh viên; 2 khoá đào tạo văn bằng thứ 2 ngành Luật; thực hiện 5 đợt thi sát hạch, cấp Chứng chỉ tin học cho 208 thí sinh đủ điều kiện; hoàn thành việc tổ chức giảng dạy, quản lý và cấp chứng chỉ cho một khoá đào tạo nghiệp vụ kiểm sát (khoá 32 với tổng số 62 học viên). Đồng thời, hoàn thành việc tổ chức giảng dạy, quản lý 25 khoá bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu với tổng số 1.806 học viên.

Cùng với đó, Nhà trường đã hoàn thành Đề án mở mã ngành đào tạo trình độ Tiến sĩ Luật Hình sự và Tố tụng hình sự, tạo bước ngoặt lớn trong công tác đào tạo của Nhà trường, khẳng định vị thế của Trường trong hệ thống các trường đại học, cao đẳng hiện nay.

Nhà trường cũng đổi mới mạnh mẽ công nghệ thông tin trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành hoạt động quản lý, trong đào tạo bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học của Trường cũng như chủ động thực hiện chuyển đổi số trong đào tạo đại học, sau đại học nhằm ứng phó tốt với tình hình dịch bệnh, đảm bảo tiến độ và chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học.

leftcenterrightdel
 Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội Nguyễn Văn Khoát trao Giấy khen cho 2 tập thể của Nhà trường đạt thành tích năm 2022.

Đồng thời, triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp về mặt tổ chức, hoạt động, thể chế... nhằm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học năm 2018 và yêu cầu tự chủ đại học, nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Trường cơ bản đã đáp ứng được các quy định mới của pháp luật đối với cơ sở giáo dục đại học.

Công tác đào tạo đại học, sau đại học được tổ chức chủ động, hiệu quả, đảm bảo tiến độ triển khai Kế hoạch đào tạo năm học và Kế hoạch đào tạo toàn khóa, đáp ứng tốt yêu cầu về đảm bảo chất lượng đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo; việc triển khai các đề án tuyển sinh đại học, sau đại học năm 2022 được thực hiện chủ động, đúng tiến độ, đảm bảo minh bạch, chất lượng, đúng quy định của pháp luật.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành KSND được triển khai linh hoạt, sáng tạo, số lớp, khóa đào tạo, bồi dưỡng mở trong năm 2022 và số lượng học viên tham gia học tập tăng so với năm 2021. Đặc biệt, thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao, năm 2022, Trường đã nghiên cứu, xây dựng và tổ chức giảng dạy thành công ở các Viện kiểm sát địa phương chuyên đề “Kỹ năng ứng dụng sơ đồ tư duy trong thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử”.

Đây là nội dung bồi dưỡng mới, có tính đột phá của Trường và lần đầu tiên được đưa vào giảng dạy tại các Viện kiểm sát địa phương. Bên cạnh việc triển khai giảng dạy, Trường đã xây dựng một số mẫu sơ đồ tư duy để giải quyết các nhiệm vụ cấp thiết trong công tác nghiệp vụ như sơ đồ tư duy để phục vụ việc báo cáo án, sơ đồ tư duy để quản trị công việc của cá nhân Kiểm sát viên.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội thay mặt Ban cán sự Đảng, lãnh đạo VKSND tối cao ghi nhận, biểu dương những thành tích mà Nhà trường đạt được trong năm 2022.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Theo đó, Nhà trường đã vượt qua được những khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ công tác trọng tâm, đóng góp vào thành tích chung của ngành KSND. 

Điểm lại những kết quả nổi bật mà Nhà trường đạt được, đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến khẳng định, năm 2023 là một năm đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng, đây là năm đánh dấu cột mốc 10 năm Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội được thành lập. Do đó, Trường cần quyết tâm hơn nữa, phát huy tất cả những thành tựu đã đạt được trong 10 năm qua để có một bước nhảy vọt mạnh mẽ và toàn diện trong tất cả các lĩnh vực.

Để làm được điều đó, đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao đề nghị Nhà trường quan tâm một số nội dung như: Trường cần chủ động hơn nữa trong công tác tham mưu cho lãnh đạo VKSND tối cao xây dựng mới, chỉnh sửa nội dung các chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng và tổ chức mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ trong những khâu công tác theo tinh thần cải cách tư pháp mà Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, đồng thời phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, tham khảo kinh nghiệm của Viện công tố một số nước có nền tư pháp mạnh và tiên tiến trên thế giới.

Nhà trường cần tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, giảng dạy ngành Luật theo định hướng ứng dụng, lấy đào tạo đại học làm nền tảng, chú trọng đào tạo kiến thức pháp lý gắn với kỹ năng nghề nghiệp, đặc biệt lưu ý việc đào tạo, rèn luyện phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị cho sinh viên, học viên.

Bên cạnh đó, Trường cần tiếp tục phát huy và nâng cao năng lực, phẩm chất cán bộ; tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cả về chuyên môn nghiệp vụ và kiến thức từ thực tế.

Mặt khác, Nhà trường cần tiếp tục tăng cường phối hợp với các đơn vị trong Ngành để tiếp tục mở rộng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức của Ngành, nghiên cứu mở thêm các lớp đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu bám sát theo yêu cầu thực tế nhiệm vụ hiện nay của ngành KSND. 

Nhà trường tiếp tục cập nhật, sửa đổi, bổ sung các chương trình, tài liệu; tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo hứng thú cho người học. Chủ động phối hợp chặt chẽ với Thủ trưởng các đơn vị, các công chức có học vị cao, kinh nghiệm, chuyên môn nghiệp vụ tốt trong Ngành và các chuyên gia của các Bộ, ban, ngành khác để tổ chức giảng dạy, truyền đạt kiến thức pháp luật, kỹ năng chuyên sâu phục vụ công tác kiểm sát và lãnh đạo quản lý cho đội ngũ công chức, Kiểm sát viên của VKSND các cấp.

Nhà trường cũng cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học gắn với đào tạo, bồi dưỡng; đẩy mạnh hội nhập quốc tế; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ và tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống của người đảng viên, công chức, viên chức. Đồng thời, phát động, tổ chức các hoạt động thi đua lập thành tích chào mừng 10 năm ngày thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.

Ngoài ra, Trường cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào các hoạt động quản lý, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức giảng dạy và học tập. Tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất, phát triển nguồn học liệu điện tử, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên về các kỹ năng cần thiết về dạy học trực tuyến, bảo đảm chất lượng dạy và học trực tuyến. Cần có lộ trình chuyển đổi số một cách toàn diện trong mọi hoạt động quản lý và đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường. 

Với truyền thống và kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng và được sự ủng hộ của toàn Ngành, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo VKSND tối cao, đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao tin tưởng rằng, năm 2023 Trường Đại học kiểm sát Hà Nội sẽ có những bước phát triển vượt trội hơn.

leftcenterrightdel
 Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội Nguyễn Văn Khoát phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo VKSND tối cao.
Văn Tình