Ban quản lý dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) tỉnh Quảng Nam vừa phối hợp cùng với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tổ chức buổi tọa đàm về kinh nghiệm truy tố, xét xử tội phạm về hủy hoại rừng, động vật hoang dã và cập nhật văn bản pháp lý liên quan.

Đây là một phần kế hoạch hoạt động năm 2023 thuộc dự án Hỗ trợ kĩ thuật “Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. VKSND tỉnh Quảng Nam và VKSND các huyện Nông Sơn, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn đã cử Kiểm sát viên tham dự buổi tọa đàm.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh buổi tọa đàm.

Quảng Nam là tỉnh có hệ sinh học đa dạng với nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm. Tuy nhiên, số lượng nhiều loài giảm đáng kể trong thời gian qua. Thực trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân các loài hoang đã bị săn bắt, buôn bán trái phép. Trong nhiều năm nay, Quảng Nam được coi là một trong những điểm nóng và là địa bàn trung chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã.

Bên cạnh đó, còn có tình trạng nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã, chưa được xử lý triệt để. Để nâng cao hiệu quả xử lý loại tội phạm này, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất hành vi phạm, tội phạm, bảo vệ môi trường tự nhiên, đa dạng sinh học và sức khỏe loài người đòi hỏi phải có sự vào cuộc, quyết tâm của tất cả các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị, trong đó VKSND đóng vai trò quan trọng, là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết toàn bộ vụ án từ khi tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm.

Tại buổi tọa đàm, Kiểm sát viên VKSND tỉnh Quảng Nam cùng các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi, thảo luận, nêu những thuận lợi và khó khăn trong công tác điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm như: bất cập trong các văn bản pháp luật về xử lý, công tác giám định, quản lý, bảo vệ, chăm sóc các động vật hoang dã sau khi đã bị cơ quan chức năng thu giữ… cũng như đưa ra các đề xuất, giải pháp nhằm xây dựng các kế hoạch đấu tranh, phòng, chống các hành vi vi phạm liên quan đến động vật hoang dã một cách có hiệu quả, thiết thực trong thời gian tới.

Buổi tọa đàm đã góp phần nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của việc bảo vệ Động vật hoang dã đối với đời sống xã hội, trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ rừng, động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm của nhân dân, tích cực trong việc bảo vệ môi trường giúp cân bằng sinh thái.

P.V