Hội nghị tập huấn đã được nghe một số vụ án rút kinh nghiệm nhằm chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm và được giải đáp, khó khăn, vướng mắc thông qua những vụ việc cụ thể cần rút kinh nghiệm trong việc áp dụng pháp luật hình sự có thể dẫn đến oan, bỏ lọt tội phạm, xử lý sai tội danh, xử lý sai khung khoản, vi phạm trong việc xác định tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, xác định nhân thân, áp dụng biện pháp tư pháp, về áp dụng án lệ 47 và trong việc áp dụng pháp luật tố tụng hình sự.

Theo đó, đồng chí Lê Xuân Tiến, Trưởng phòng 2 VKSND tỉnh đã trình bày một số vụ án cụ thể rút kinh nghiệm về việc áp dụng sai tội danh, khung, khoản, tình tiết định khung…

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Hội nghị tập huấn tại điểm cầu VKSND tỉnh.

Đồng chí Lê Đức Tùng, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh trình bày một số vụ án rút kinh nghiệm nhằm chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm; trong đó có 9 vụ việc có thể dẫn đến oan sai, 5 vụ việc có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm, 2 vụ xử lý sai tội danh, 7 vụ xử lý sai khung khoản, 6 vụ vi phạm trong việc xác định tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, xác định nhân thân, áp dụng biện pháp tư pháp, 3 vụ về Án lệ 47 và 5 vụ xác định sai thẩm quyền điều tra.

Đơn cử, ví dụ một vụ có thể dẫn đến oan như: Trần Văn P khi đang điều khiển xe ô tô BKS 15B-021.40, nhìn thấy phía trước có xe mô tô do Phạm Văn Đ điều khiển chở Nguyễn Văn A đang có xu hướng sang đường. Khi xe mô tô do Đ điều khiển đến đầu dải phân cách cứng, P đã chủ động chuyển sang làn xe cơ giới phía Đông (sát với làn thô sơ). Đến đầu vạch kẻ sơn dành cho người đi bộ, P nhìn thấy xe mô tô đã đi đến làn đường dành cho xe cơ giới phía Tây nên P đã bấm còi cảnh báo nhưng phần đầu bên phải xe ô tô BKS 15B-021.40 đã va chạm với phần đuôi của xe mô tô, hậu quả làm Nguyễn Văn A ngã đập đầu xuống đường, chết.

Có quan điểm cho rằng, cả Trần Văn P và Phạm Văn Đ đều phạm tội theo Điều 260 BLHS.

Nhận xét: Trần Văn P đã nhìn thấy và biết việc xe mô tô có thể sang đường, P có đủ thời gian để xử lý tình huống nhưng do chủ quan, không làm chủ tốc độ để dừng xe lại an toàn khi đến ngã tư có đèn vàng, dẫn đến phần đầu bên phải xe ô tô đã va chạm với phần đuôi của xe mô tô, hậu quả làm người ngồi sau cùng chết, đây là lỗi chính gây ra vụ tai nạn giao thông. Phạm Văn Đ mặc dù vi phạm trong việc sang đường nhưng đã sang gần hết làn đường dành cho xe cơ giới nên các lỗi của Phạm Văn Đ chỉ là lỗi hành chính, không phải là lỗi trực tiếp dẫn đến vụ tai nạn giao thông nên không có căn cứ để xử lý hình sự.  

leftcenterrightdel
 Đồng chí Lê Văn Đông, Viện trưởng VKSND tỉnh phát biểu tại Hội nghị tập huấn.

Phát biểu kết luận, đồng chí Lê Văn Đông, Viện trưởng VKSND tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao những bài trình bày, trao đổi rất nghiêm túc, thẳng thắn, có hiệu quả tại hội nghị.

Đồng chí Viện trưởng nhấn mạnh, công tác chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của Ngành. Trong thời gian qua, Viện trưởng cùng Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo Viện kiểm sát hai cấp đã thực hiện tốt công tác này. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của tội phạm, trong tình hình mới, công chức, Kiểm sát viên toàn Ngành cần nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn, đảm bảo tính chính xác, khách quan của quá trình chứng minh sự thật của vụ án hình sự; bảo đảm việc truy cứu trách nhiệm hình sự có căn cứ và hợp pháp, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, ngăn ngừa xảy ra các trường hợp oan, sai, bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội.

Thông qua Hội nghị tập huấn đã thể hiện sự quyết tâm của Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tỉnh Thanh Hóa trong việc thực hiện nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm của toàn ngành Kiểm sát, nêu cao hơn nữa trách nhiệm của người thi hành công vụ, hiệu lực, hiệu quả của nền công vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và hội nhập quốc tế.

Đinh Huê