Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Nông, Kiểm sát viên VKSND tối cao; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc VKSND tối cao; các VKSND cấp cao 1, 2, 3; Viện kiểm sát quân sự; Viện kiểm sát cấp tỉnh, cấp huyện...

leftcenterrightdel
Các đại biểu dự Hội nghị. 

Tại Hội nghị tập huấn, đại diện lãnh đạo Vụ 7, lãnh đạo một số đơn vị, Viện kiểm sát địa phương đã trình bày các chuyên đề nghiệp vụ gồm: Kỹ năng xử lý của Kiểm sát viên về tình huống của người tham gia tố tụng cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự; kinh nghiệm tranh luận, đối đáp của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Giải pháp nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm hình sự ngang cấp, trên một cấp; kỹ năng nhận diện vi phạm pháp luật, thiếu sót trong các bản án, quyết định hình sự của Tòa án; rút kinh nghiệm về việc báo cáo đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm bản án, quyết định của Tòa án trong tố tụng hình sự.

leftcenterrightdel
 Vụ trưởng Vụ 7 Hồ Đức Anh khai mạc Hội nghị.

Đồng thời, Hội nghị cũng nghe lãnh đạo Vụ 7, Vụ 14 thuộc VKSND tối cao giải đáp về những khó khăn, vướng mắc trong thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao nêu rõ, sau một thời gian làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị tập huấn về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự đã hoàn thành các nội dung đề ra. Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao cũng biểu dương Vụ 7 đã chủ trì, phối hợp với Vụ 14 và các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị thực sự cần thiết, ý nghĩa cũng như các ý kiến tham luận trách nhiệm, tâm huyết, thiết thực tại Hội nghị.

leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu kết luận Hội nghị. 

Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Quang Dũng đã nêu lên một số nội dung đề nghị các đơn vị, Viện kiểm sát các địa phương tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Cụ thể, Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND các cấp tiếp tục quán triệt đầy đủ, nghiêm túc về tầm quan trọng của công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự đến công chức trong đơn vị; xác định rõ đây là công tác thực hiện nhiệm vụ chính trị, pháp lý của Ngành, góp phần chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm trong giải quyết án hình sự.

Tổ chức triển khai các giải pháp để thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội yêu cầu trong Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của VKSND, của TAND và công tác thi hành án đã được cụ thể hóa trong Hệ thống chỉ tiêu nghiệp vụ của Ngành vừa được sửa đổi, bổ sung.

Cùng với đó, lãnh đạo đơn vị bố trí, phân công cán bộ, Kiểm sát viên giải quyết án hình sự phù hợp với năng lực, trình độ, kinh nghiệm thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ chính trị, chuyên môn trong từng vụ án. Quan tâm tăng cường công tác đào tạo đối với đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác này.

Mặt khác, các đơn vị trong toàn Ngành tập trung đề ra giải pháp cụ thể, hiệu quả để khắc phục những tồn tại, hạn chế của công tác này. Tăng cường công tác phối hợp với Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án hình sự; phối hợp hiệu quả với VKSND cấp cao trong việc gửi bản án, quyết định của Tòa án...

Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Quang Dũng đề nghị sau Hội nghị, Vụ 7 chủ trì, phối hợp với Vụ 14 khẩn trương hoàn thiện những kiến nghị, đề xuất của các đơn vị và VKSND địa phương để tham mưu cho lãnh đạo VKSND tối cao ban hành văn bản giải đáp, hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện để các đơn vị và VKSND địa phương nghiên cứu, tham khảo vận dụng thống nhất trong thực tiễn. Đồng thời, các đơn vị liên quan phối hợp với cơ sở đào tạo của Ngành biên soạn giáo trình, tài liệu để giảng dạy, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện công tác này trong thời gian tới.

Đắc Thái