Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số đã và đang phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, có tác động đa chiều song chủ yếu là tác động tích cực trong sự phát triển của nhân loại. Trong lĩnh vực tư pháp, Đảng và Nhà nước ta đã có những định hướng, chủ trương mang tính chiến lược từ rất sớm. Ngày 2/6/2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó có nội dung “Tăng cường áp dụng CNTT vào hoạt động của các cơ quan tư pháp” và đến ngày 12/3/2014, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Kết luận số 92-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW. Tuy nhiên, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin thực sự phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực là từ khoảng năm 2017 trở lại đây.

Đối với Ngành kiểm sát nhân dân, công tác ứng dụng CNTT vào giải quyết các vụ án chính thức được đưa vào Chỉ thị công tác năm 2019 với nội dung “Triển khai thực hiện việc “số hóa hồ sơ vụ án” và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa để bảo đảm sự thuyết phục trong quá trình xét hỏi và tranh tụng”. Các năm tiếp theo, VKSND tối cao tiếp tục xác định đây là nhiệm vụ quan trọng và mang tính cấp thiết. Đặc biệt, tại Chỉ thị công tác Ngành kiểm sát nhân dân năm 2023 đã xác định khâu đột phá về công tác “ứng dụng CNTT và chuyển đổi số”. Cùng với đó, VKSND tối cao đã triển khai nghiên cứu, phát triển nhiều phần mềm ứng dụng trên nhiều lĩnh vực như phần mềm quản lý, chỉ đạo, điều hành, phần mềm số hóa,...

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên báo cáo án.

Thực hiện Chỉ thị công tác năm của Viện trưởng VKSND tối cao, Chương trình công tác năm của Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự (VKSQS) trung ương, Viện kiểm sát Quân sự Quân khu 2 đã sớm tổ chức xây dựng kế hoạch, triển khai tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm số hóa một cách đồng bộ, hiệu quả.

Thực tiễn tại VKSQS Quân khu 2 nhận thấy, mặc dù nội dung ứng dụng CNTT là vấn đề mới nhưng có ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động chuyên môn Ngành kiểm sát nói chung, trong đó có hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự, bước đầu nhận thấy mang lại hiệu quả rất tích cực.

Đối với công tác số hóa hồ sơ vụ án, đến nay cơ bản 2 cấp VKSQS Quân khu 2 đã có cán bộ thực hiện thành thạo, 100% các vụ án hình sự được số hóa, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác hồ sơ vụ án hình sự. Trên cơ sở hồ sơ số hóa, Kiểm sát viên có thể trực tiếp nghiên cứu hồ sơ thông qua thiết bị điện tử, đánh dấu những nội dung quan trọng để mở, tìm kiếm tài liệu được nhanh chóng mà không cần phải trích cứu, nghiên cứu trực tiếp hồ sơ vụ án hoặc hồ sơ kiểm sát, giảm tải đáng kể thời gian nghiên cứu. Đồng thời, việc lưu trữ hồ sơ số hóa trên các phương tiện điện tử cũng là một hình thức dự phòng an toàn cho trường hợp hồ sơ giấy bị hư hỏng, mất mát do yếu tố khách quan hoặc chủ quan. Ngoài ra, hồ sơ số hóa phục vụ có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý nghiệp vụ của Viện kiểm sát cấp trên; công tác báo cáo, thỉnh thị và trả lời thỉnh thị giữa Viện kiểm sát cấp trên và cấp dưới.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên ứng dụng CNTT báo cáo án.

Hiện nay, hiệu quả trực tiếp nhất của việc hồ sơ số hóa đó là cơ sở để thực hiện việc công bố chứng cứ, tài liệu bằng hình ảnh tại phiên tòa. Trên cơ sở hồ sơ số hóa, Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa căn cứ các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về các trường hợp cần thiết và được phép công bố chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án để thực hiện việc công bố, trình chiếu trong quá trình tranh tụng. Như chúng ta đã biết, trong quá trình tranh tụng tại phiên tòa trước đây, để xét hỏi, kiểm chứng chứng cứ hoặc bảo vệ quan điểm truy tố, Kiểm sát viên cơ bản đề nghị Hội đồng xét xử công bố các tài liệu có trong hồ sơ vụ án (hồ sơ giấy) hoặc khi được Hội đồng xét xử đồng ý thì Kiểm sát viên công bố tài liệu có trong hồ sơ kiểm sát. Hạn chế của việc chỉ sử dụng hồ sơ giấy tại phiên tòa để đọc, công bố là có thể gây mất thời gian tìm kiếm và nhiều trường hợp chưa đáp ứng được yêu cầu về tính thuyết phục đối với những người tham gia phiên tòa.

Kể từ khi triển khai thực hiện, đến nay, VKSQS Quân khu 2 đã hướng tới phối hợp với Tòa án quân sự cùng cấp thực hiện đối với 100% vụ án. Trong đó, 6 tháng đầu năm 2022, VKSQS 2 cấp Quân khu 2 đã phối hợp thực hiện công bố chứng cứ tài liệu bằng hình ảnh tại phiên tòa đối được 5/7 vụ và đang phối hợp để thực hiện một số vụ sau khi ban hành cáo trạng. Việc công bố chứng cứ, tài liệu bằng hình ảnh tại phiên tòa đã giúp cho Kiểm sát viên kiểm soát tốt hơn tình hình, nắm chắc hồ sơ vụ án, chủ động dự kiến được những tình huống phát sinh tại phiên tòa, đặc biệt là các trường hợp bị cáo quanh co, chối tội hoặc lời khai của những người tham gia tố tụng mâu thuẫn, cần phải kiểm chứng. Khi phát sinh các tình huống trên trong quá trình tranh tụng, Kiểm sát viên có thể trình chiếu các tài liệu có trong hồ sơ số hóa hoặc kết hợp với hồ sơ vụ án (trong trường hợp người tham gia tố tụng có nghi ngờ về giá trị của hồ sơ số hóa), từ đó làm tăng đáng kể tính thuyết phục trong quá trình lập luận, bảo vệ quan điểm truy tố của Viện kiểm sát.

Điển hình là vụ án Trần Đ H cùng 17 bị cáo “Cố ý gây thương tích” xảy ra vào ngày 1/11/2018 tại phường Đ, thành phố L: Quá trình xét hỏi tại phiên tòa, các bị cáo chỉ khai nhận về diễn biến hành vi của mình; có bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội; có bị cáo chỉ thừa nhận hành vi là người thực hành, không thừa nhận vị trí, vai trò tổ chức, cầm đầu. Kiểm sát viên nhận thấy có căn cứ theo quy định tại các Điều 308, 312, 313 Bộ luật Tố tụng hình sự, sau khi được Hội đồng xét xử đồng ý, đã sử dụng hồ sơ số hóa để trình chiếu các hình ảnh thể hiện lời khai buộc tội, xem xét vật chứng, dữ liệu điện tử đã thu thập, phân tích sự khách quan, phù hợp và căn cứ pháp lý để để chứng minh từng hành vi, vai trò của từng bị cáo. Kết quả, sau khi quan sát các chứng cứ, tài liệu được công bố, trình chiếu tại phiên tòa, các bị cáo đều đã thừa nhận hành vi phạm tội, vị trí, vai trò trong vụ án đồng phạm làm cơ sở để Hội đồng xét xử đánh giá, đồng ý với quan điểm truy tố của Viện kiểm sát. Đến nay, bản án đã có hiệu lực thi hành.

Vụ án Trần P.N. và Trần A.P “Đánh bạc” xảy ra từ tháng 12/2021 đến tháng 3/2022 tại Thành phố T, tỉnh Q: Quá trình điều tra và xét hỏi tại phiên tòa, bị cáo N đã thừa nhận hành vi đánh bạc (bằng hình thức chơi lô, đề với bị cáo P. qua tin nhắn và chuyển khoản Ngân hàng) phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, bị cáo P. không thừa nhận có hành vi đánh bạc với bị cáo N. Tham gia xét hỏi tại phiên tòa, nhận thấy bị cáo chối tội, sau khi được Hội đồng xét xử đồng ý, Kiểm sát viên đã công bố, trình chiếu bằng hình ảnh các chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo như lời khai của bị cáo N. và những người làm chứng; các biên bản xác minh, điều tra về thuê bao điện thoại; lịch sử liên lạc, trao đổi, nhắn tin ghi số lô, số đề; bản sao kê tài khoản ngân hàng của các bị cáo. Trước những tài liệu khách quan và lập luận logic của Kiểm sát viên, bị cáo Trần A.P. đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình và trình bày mong muốn được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Kết quả xét xử, Tòa án đồng ý quan điểm truy tố của Viện kiểm sát, tuyên bố các bị cáo Trần P.N. và Trần A.P. phạm tội “Đánh bạc”.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên đã công bố, trình chiếu bằng hình ảnh các chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo tại phiên toà hình sự sơ thẩm.

Song song với công tác số hóa hồ sơ vụ án, VKSQS 2 cấp Quân khu 2 đã và đang ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện việc báo cáo án bằng hình ảnh và sơ đồ tư duy ở tất cả các giai đoạn giải quyết vụ án, chỉ tính 6 tháng đầu năm 2023, 2 cấp VKSQS Quân khu 2 đã thực hiện báo cáo án bằng hình ảnh và sơ đồ tư duy đối với 12 vụ (tăng 300% so với cả năm 2022). Để thực hiện, VKSQS Quân khu 2 đã nghiên cứu, ứng dụng nhiều phần mềm một cách hiệu quả như powerpoint, mindmap, blender,.... Phương pháp, yêu cầu đặt ra cũng rất linh hoạt và phù hợp với từng đơn vị, tính chất từng vụ án, vụ việc. Song, cốt lõi của công tác này chính là thay đổi từ phương pháp báo cáo án truyền thống (văn bản, phân tích sơ đồ trên giấy hoặc bảng) sang phương pháp mang tính trực quan, sinh động, tư duy trực tiếp.

Ưu điểm của phương pháp báo cáo án bằng sơ đồ tư duy là giúp lãnh đạo, người tham gia nghiên cứu, họp án nhanh chóng nắm chắc được nội dung, bản chất vụ án; sử dụng hồ sơ số hóa và dùng các ứng dụng mô phỏng, thuyết trình để truyền đạt ý định hay những phân tích, lập luận của người báo cáo một cách thuyết phục, bảo đảm dễ hiểu và dễ nhớ. Ngoài ra, thông qua báo cáo án bằng hình ảnh và sơ đồ tư duy còn giúp lãnh đạo Viện có thể kiểm tra, kiểm chứng lại nội dung báo cáo của Kiểm sát viên một cách nhanh chóng.

Mặc dù thấy rõ hiệu quả của ứng dụng CNTT vào công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự nhưng theo góc nhìn của tác giả, thực tiễn triển khai và thực hiện công tác này ở một số đơn vị còn hạn chế, khó khăn như: Nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này ở một bộ phận nhỏ cán bộ là chưa cao dẫn đến việc tự học, tự nghiên cứu ứng dụng chưa tích cực; nhiều cán bộ, thậm chí Kiểm sát viên còn nhầm lẫn giữa các nội dung, thuật ngữ (ví dụ như không phân biệt được giữa công tác số hóa hồ sơ và công tác báo cáo án bằng hình ảnh và sơ đồ tư duy); chưa có sự giao thoa giữa trình độ nghiệp vụ và trình độ CNTT dẫn đến tình trạng có cán bộ giỏi về nghiệp vụ nhưng hạn chế về khả năng sử dụng phần mềm CNTT và ngược lại, từ đó không truyền tải hết được ý định, nội dung chuyên môn lên hệ thống CNTT. Bên cạnh đó, chất lượng đầu vào về công nghệ thông tin của cán bộ Ngành kiểm sát chưa đồng đều; hệ thống cơ sở vật chất ở nhiều đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra ngày càng cao.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên VKSQS Quân khu 2 thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên toà hình sự sơ thẩm.

Để tiếp tục phát huy và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị công tác năm của Viện trưởng VKSND tối cao, Chương trình công tác năm của Viện trưởng VKSQS trung ương, các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong Ngành kiểm sát nhân dân, xây dựng một nền tảng nhận thức chung để toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này, từ đó có động lực và nâng cao trách nhiệm trong quá trình thực hiện.

Hai là, chú trọng công tác đào tạo, tuyển dụng cán bộ, công chức trong Ngành kiểm sát. Trang bị kiến thức công nghệ thông tin, tin học văn phòng từ các cơ sở đào tạo và đề cao tiêu chí về trình độ tin học trong quá trình tuyển dụng cán bộ, công chức. Đồng thời, đối với một số đơn vị có bố trí cán bộ chuyên môn, chuyên gia, kỹ sư CNTTn theo biểu biên chế, tổ chức thì cũng cần được tập huấn kiến thức cơ bản về chức năng, nhiệm vụ của Ngành kiểm sát để phục vụ có hiệu quả công tác ứng dụng CNTT vào hoạt động chuyên môn của đơn vị.

Ba là, tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn ứng dụng CNTT nhất là ở cấp cơ sở, phù hợp với từng đối tượng và đặc thù từng đơn vị. Ưu tiên trước mắt là công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; công tác số hóa hồ sơ vụ án; báo cáo án bằng hình ảnh và sơ đồ tư duy; công bố chứng cứ, tài liệu bằng hình ảnh tại phiên tòa để góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng nghiệp vụ của đơn vị và từng cán bộ, Kiểm sát viên.

Bốn là, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị và đầu tư nghiên cứu, phát triển phần mềm công nghệ thông tin ứng dụng trên các lĩnh vực công tác của Ngành kiểm sát nhân dân, vừa bảo đảm thiết thực, hiệu quả vừa bảo đảm tiết kiệm, chống lãng phí.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá việc tổ chức, triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm sát, coi đây là một tiêu chí để đánh giá cán bộ. Đồng thời có chế độ đãi ngộ, động viên phù hợp với những đơn vị, cá nhân tổ chức thực hiện có hiệu quả cao, có cách làm hay, đổi mới, sáng tạo để nhân rộng trong toàn Ngành.

Với tín hiệu tích cực từ công tác ứng dụng CNTT trong thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự tại VKSQS Quân khu 2, trong thời gian tiếp theo, hoạt động này sẽ ngày càng được nhân rộng và tiến bộ hơn, góp phần quan trọng trong công cuộc cải cách tư pháp nói chung và công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm tại địa bàn Quân khu 2 nói riêng. Đồng thời, có thể ứng dụng công nghệ thông tin một cách đồng bộ trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thiếu tá Lò Khắc Quỳnh - VKSQS Quân khu 2