Ngày 26/1, tại trụ sở VKSND tối cao, Ban Chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở ngành Kiểm sát nhân dân (Ban Chỉ đạo) tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2024, đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Trưởng Ban Chỉ đạo dự và chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Mai Thị Nam, Chánh Thanh tra VKSND tối cao, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; các thành viên Ban Chỉ đạo: Phạm Vũ Thắng, Phó Chánh Thanh tra VKSND tối cao; đồng chí Nguyễn Tiến Sơn, Vụ trưởng Vụ Kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình (Vụ 9); đồng chí Đỗ Đình Chữ, Chánh Văn phòng VKSND tối cao; đồng chí Mai Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án an ninh (Vụ 1); đồng chí Nguyễn Văn Hà, Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính (Cục 3) và các đồng chí thành viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo.
|
|
Đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Tại Hội nghị, đã trình chiếu video báo cáo kết quả công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo. Theo báo cáo, Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tối cao đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành phối hợp với cấp ủy cùng cấp tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc các văn bản của Đảng, Nhà nước và quy định của Ngành về thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhất là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022.
Trong đó, trọng tâm là Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Kết luận số 54-KL/TW ngày 09/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 03/10/2017 của Ban Bí thư về ban hành Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; tiếp tục triển khai Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
Đồng chí Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo toàn Ngành thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước theo phương châm: “Đoàn kết, trách nhiệm - kỷ cương, liêm chính - bản lĩnh, hiệu quả”, tiếp tục hoàn thiện thể chế, thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; yêu cầu người đứng đầu các cấp Kiểm sát trong toàn Ngành thực hiện nghiêm dân chủ ở cơ sở gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong thực hành dân chủ ở cơ sở. Công khai, dân chủ trong hoạt động công tác, kịp thời giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Báo cáo cũng cho biết, ngay từ đầu năm 2023, Ban Chỉ đạo đã yêu cầu các đơn vị trong toàn Ngành tiến hành sơ kết công tác thực hiện dân chủ ở cơ sở 6 tháng đầu năm; sơ kết 1 năm triển khai chuyên đề về dân chủ, đánh giá kết quả triển khai thực hiện chương trình công tác, đánh giá những kết quả làm được, hạn chế và nguyên nhân, kịp thời rút kinh nghiệm và thực hiện chương trình trọng tâm công tác trong thời gian tới. Đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình đã đề ra, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu công tác và nhiệm vụ chính trị của Ngành.
Ban Chỉ đạo VKSND tối cao đã ban hành Thông báo ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ngành Kiểm sát nhân dân, tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm. Theo đó, Trưởng Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành rà soát, hoàn thành nội dung, tiến độ công việc theo Kế hoạch đã đề ra về thực hiện dân chủ ở cơ sở; hoàn thành Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trong tháng 8/2023, đánh giá đầy đủ ưu điểm, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Đoàn kiểm tra tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo để ban hành thông báo rút kinh nghiệm chung trong toàn Ngành.
|
|
Đồng chí Mai Thị Nam, Chánh Thanh tra VKSND tối cao, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu tại Hội nghị. |
Các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao và VKSND cấp tỉnh đã tiến hành sơ kết 1 năm triển khai chuyên đề về thực hiện dân chủ do Ban Chỉ đạo của Ngành triển khai từ năm 2022, nhằm đảm bảo việc thực hiện dân chủ ở cơ sở phù hợp hơn với đặc thù của từng đơn vị, góp phần nâng cao trách nhiệm của Viện trưởng, Thủ trưởng đơn vị trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; nâng cao trách nhiệm công chức, người lao động ngành Kiểm sát nhân dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; bảo đảm quyền tham gia góp ý của công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Ban Chỉ đạo đã kịp thời tham mưu Viện trưởng VKSND tối cao bổ sung 1 thành viên đại diện Ban Dân vận Đảng ủy VKSND tối cao tham gia Ban Chỉ đạo. Ngay sau khi kiện toàn Ban Chỉ đạo, Trưởng ban đã ban hành Thông báo phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo, đảm bảo các nhiệm vụ đều có Thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách; nâng cao tính chủ động sáng tạo trong công tác tham mưu của Thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc.
Tại các đơn vị VKSND địa phương, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong ngành Kiểm sát nhân dân thường xuyên được kiện toàn; nghiêm túc, kịp thời triển khai các văn bản yêu cầu, chỉ đạo của Ngành, của cấp ủy địa phương; đã tham mưu Viện trưởng VKSND triển khai thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở trong quan hệ công tác và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, tổ chức có liên quan; dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, không để xảy ra tình trạng mất dân chủ, mất đoàn kết nội bộ hoặc khiếu nại, tố cáo kéo dài, góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành.
Trong năm 2023, Ban Chỉ đạo VKSND tối cao xây dựng Kế hoạch và đã hoàn thành 10 cuộc kiểm tra trực tiếp chuyên đề thực hiện dân chủ ở cơ sở tại 10 đơn vị trong ngành Kiểm sát nhân dân, gồm: Vụ 9, Vụ 12 VKSND tối cao, VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, VKSND các tỉnh Cao Bằng, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Đắc Nông, Bình Định, Phú Yên, Tiền Giang.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm tra đã chỉ ra, đồng thời yêu cầu khắc phục một số hạn chế, thiếu sót trong thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với công tác quản lý nội bộ, công tác chuyên môn nghiệp vụ, công tác quản lý tài chính, tài sản công và đầu tư xây dựng. Trên cơ sở đó, đã ban hành Thông báo rút kinh nghiệm về một số hạn chế, thiếu sót trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Tại Hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo đều có tham luận về nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở trong ngành Kiểm sát nhân dân đánh giá cao kết quả việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trong toàn Ngành và kết quả công tác của Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo trong năm qua; đồng thời, nhấn mạnh, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở góp phần bảo đảm triển khai tốt các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy chế, quy định của ngành Kiểm sát nhân dân; đồng thời phát huy quyền dân chủ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, nội bộ cơ quan đoàn kết.
Cơ bản nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 được Ban Chỉ đạo đề ra, đồng chí Nguyễn Hải Trâm yêu cầu Ban Chỉ đạo tiếp tục quán triệt các văn bản của Đảng, Nhà nước về dân chủ ở cơ sở, trọng tâm là Kết luận số 120-KL/TW ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở trong hoạt động của VKSND. Đồng thời, tham mưu Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao chỉ đạo toàn Ngành triển khai có hiệu quả các quy định về dân chủ ở cơ sở gắn với các nhiệm vụ chính trị của Ngành và Chỉ thị công tác năm 2024 của Viện trưởng VKSND tối cao; Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm phát hiện những ưu điểm, kết quả đạt được để phát huy; kịp thời phát hiện thiếu sót, vi phạm để khắc phục.
Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hải Trâm cũng lưu ý và yêu cầu yêu cầu Ban Chỉ đạo cần bám sát nhiệm vụ được phân công, sớm ban hành, tổ chức thực hiện nghiêm chương trình, kế hoạch kiểm tra năm 2024 của Ban Chỉ đạo; tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trong ngành Kiểm sát nhân dân được chấp hành thường xuyên, nghiêm túc, tự giác và thực chất… đồng thời chuẩn bị nội dung để tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và tập huấn trong toàn Ngành.