Tôi ấn tượng nhất ở VKSND tỉnh Nghệ An mỗi lần về thăm, đến liên hệ công tác, là không khí cởi mở, thân thiện nhưng rất chỉn chu, nghiêm túc; từ lãnh đạo đến cán bộ ở các phòng nghiệp vụ hòa đồng, đoàn kết, trách nhiệm, tất cả toát lên thần khí trong sắc áo thiên thanh của ngành Kiểm sát, của những người ngày đêm miệt mài bảo vệ pháp luật, nắm giữ cán cân công lý, nhưng rất đỗi gần gũi, đúng chất “Kiểm sát nhân dân”.

Bao giờ cũng thế, không khách sáo, Viện trưởng Tôn Thiện Phương đi thẳng vào vấn đề, khi tôi hỏi về những thành tích đã đạt được trong những năm gần đây của VKSND tỉnh Nghệ An.

“Danh hiệu cao quý nhất, phần thưởng lớn nhất cho sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ lãnh đạo, Kiểm sát viên ngành Kiểm sát Nghệ An, là Huân chương Độc lập hạng Nhì được Chủ tịch nước tặng thưởng năm 2015. Riêng 15 năm gần đây, VKSND tỉnh Nghệ An liên tục là “Tập thể lao động xuất sắc”, với 4 lần được tặng thưởng “Cờ thi đua Chính phủ”, 6 lần được tặng thưởng “Cờ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân” – Viện trưởng Tôn Thiện Phương cho biết.

leftcenterrightdel
 PV báo Bảo vệ pháp luật trò chuyện cùng Viện trưởng VKSND tỉnh Nghệ An Tôn Thiện Phương.

Trước khi về VKSND tỉnh Nghệ An để “giải mã” những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm ở đơn vị 15 năm liên tục là đơn vị thi đua xuất sắc của ngành Kiểm sát nhân dân, tôi đã biết trong năm 2021 vừa qua, VKSND tỉnh Nghệ An đã được tặng thưởng “Cờ thi đua Chính phủ” – Là 1 trong 7 đơn vị trong toàn ngành đạt danh hiệu thi đua này.

Cứ nghĩ là thành tích tự nhiên sẽ phải đến, ở đơn vị giàu truyền thống, lãnh đạo và cán bộ đoàn kết, nỗ lực thi đua theo từng tháng, từng quý và từng năm này. Nhưng điểm qua về đặc điểm tình hình, trong chính năm thứ 2 dịch COVID-19 bùng phát, mới thấy đó là sự nỗ lực vượt bậc của tập thể lãnh đạo và 328 biên chế ở 11 đơn vị cấp phòng và 21 đơn vị cấp huyện nơi đây.

Vẫn biết, ngành Kiểm sát Nghệ An có nhiều thuận lợi, với sự quan tâm chỉ đạo của VKSND tối cao, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, sự hỗ trợ của UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành đoàn thể hai cấp, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thi đua của tập thể Ban cán sự Đảng, Đảng ủy, lãnh đạo Viện và cán bộ, công chức, người lao động… Nhưng ngành Kiểm sát Nghệ An cũng gặp không ít khó khăn, khi là tỉnh có địa bàn rộng, với 5 huyện thuộc miền núi vùng cao; có 419 km đường biên tiếp giáp nước bạn Lào, địa hình khe suối, rừng núi hiểm trở; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn; tình hình tội phạm và tệ nạn về ma túy vẫn diễn biến phức tạp…

Thuận lợi, khó khăn là vậy, nhưng tập thể cán bộ, công chức, Kiểm sát viên VKSND hai cấp tỉnh Nghệ An đã vượt qua mọi khó khăn, phát huy truyền thống thi đua yêu nước, để đạt được những thành tích nổi bật như đã nói trên.

Ngay từ đầu năm công tác, tập thể lãnh đạo VKSND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị phải bám sát các chỉ tiêu nghiệp vụ và yêu cầu nhiệm vụ chính trị địa phương, đề ra các biện pháp đồng bộ nhằm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu ở mức cao nhất. Trong năm công tác, để tránh sai sót ở các khâu nghiệp vụ, cũng như những hạn chế ở các đơn vị cấp huyện, trực tiếp các phòng nghiệp vụ đã ban hành gần 200 văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về nghiệp vụ, giúp VKSND cấp huyện tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác chuyên môn, làm tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành. Không những thế, VKSND tỉnh đã tổ chức đến 6 cuộc tập huấn và 2 cuộc thi về kỹ năng nghiệp vụ cho công chức.

Đây chính là yếu tố then chốt, để các khâu công tác ở 2 cấp không để xảy ra sai sót trong nghiệp vụ, các đơn vị cấp huyện kịp thời khắc phục những hạn chế, cũng như không để xảy ra “điểm liệt” về tố tụng hình sự, dân sự, khiếu tố, thi hành án…

Rất nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự được đề ra, áp dụng. Chính vì thế, trong năm 2021 ngành Kiểm sát Nghệ An không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Tỷ lệ kiểm sát việc thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra đạt 100%. Thông qua công tác kiểm sát đã ban hành nhiều yêu cầu khởi tố vụ án, tiến hành nhiều cuộc trực tiếp kiểm sát tại CQĐT và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; ban hành đến 80 bản kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm, trong đó có 46 bản kiến nghị tổng hợp yêu cầu khắc phục vi phạm, phòng ngừa vi phạm; 100% kiến nghị được tiếp thu, chấp nhận thực hiện.

VKSND tỉnh Nghệ An cũng đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng các hoạt động xét hỏi, tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Phối hợp tốt với tòa án tổ chức hàng trăm phiên tòa rút kinh nghiệm, trong đó có nhiều phiên tòa trực tuyến. Thông qua công tác kiểm sát đã ban hành 8 kháng nghị phúc thẩm; 3 báo cáo kháng nghị phúc thẩm; ban hành 43 bản kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm trong hoạt động xét xử.

Đối với các khâu công tác kiểm sát nghiệp vụ khác, các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cũng được đề ra, áp dụng và đem lại nhiều kết quả tích cực, không để xảy ra những sai sót, “điểm liệt” trong tố tụng hình sự, dân sự, khiếu tố, thi hành án…

Đặc biệt, trong năm vừa qua, đơn vị đã vận động, cán bộ, công chức, người lao động quyên góp, ủng hộ tiền, vật chất, ngày công lao động hỗ trợ đối với địa phương trong xây dựng nông thôn mới, vận động giúp đỡ người nghèo, chương trình an sinh xã hội với tổng số tiền là 333 triệu đồng; quyên góp bằng tiền mặt và các nhu yếu phẩm ủng hộ phòng, chống COVID-10 với tổng giá trị gần 200 triệu đồng.

Ghi nhận những nổ lực xứng đáng đó, rất nhiều tập thể, cá nhân ngành Kiểm sát Nghệ An đạt được những danh hiệu thi đua nổi bật, như: 2 tập thể được tặng Cờ thi đua của UBND tỉnh; 17 tập thể được tặng Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao; 5 tập thể được tặng “Cờ dẫn đầu phong trào thi đua khối” và nhiều cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh…

leftcenterrightdel
 Nhiều tập thể ngành Kiểm sát Nghệ An được tặng thưởng Cờ thi đua xuất sắc. Ảnh VKSNA.

Điểm qua sơ sơ như vậy, để thấy được sự nỗ lực vượt bậc của lãnh đạo, cán bộ công chức ngành Kiểm sát Nghệ An trong năm vừa qua. Đây cũng là truyền thống thi đua, là tiền đề phấn đấu cho những danh hiệu thi đua cao quý trong những năm tiếp theo ở đơn vị giàu thành tích, xứng danh đơn vị bảo vệ pháp luật trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trước câu hỏi nhằm “giải mã” về những bài học, kinh nghiệm của VKSND tỉnh Nghệ An, Viện trưởng Tôn Thiện Phương nêu ra rất nhiều, nhưng tôi xin được tóm tắt ngắn gọn, đó là:

- Đổi mới, tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tăng cường vai trò, trách nhiệm, nêu gương của người đứng đầu; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật; tăng cường và nâng cao chất lượng công tác hướng dẫn nghiệp vụ, trả lời thỉnh thị, đôn đốc, kiểm tra đối với VKSND cấp huyện.

- Quan tâm công tác giáo dục, bồi dưỡng cán bộ; bồi dưỡng đạo đức phẩm chất và trình độ chuyên môn cho cán bộ, công chức, Kiểm sát viên và xem đó là nhiệm vụ then chốt trong việc thực hiện tốt xuất sắc nhiệm vụ.

- Thực hiện hiện đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong ngành KSND đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; xây dựng, ban hành, hoàn thiện các thể chế về công tác thi đua, khen thưởng bảo đảm khách quan, công bằng, chính xác.

- VKSND hai cấp tỉnh Nghệ An đã tranh thủ sự lãnh đạo của VKSND tối cao, các cấp ủy đảng, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, sự giúp đỡ của chính quyền, sự phối hợp với ngành chức năng đặc biệt là các cơ quan tư pháp các cấp nhằm tạo những tiền đề, điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành trên địa bàn tỉnh.

Bùi Tiến