Hàng năm, cứ vào những ngày cuối tháng 6 và kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam chính là dịp để mỗi người nhìn lại công việc của mình: “Nghề báo”. Đối với tôi cũng vậy. Với nhiệm vụ được Ban Biên tập, lãnh đạo Tòa soạn giao là đưa tin về hoạt động của lãnh đạo VKSND tối cao, của các đơn vị tại trụ sở cơ quan, tôi nhận thức được đây chính là niềm vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề của một phóng viên “Ngành”.

Có thể khẳng định, ngành Kiểm sát nhân dân là một ngành đặc thù, có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. VKSND có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Nhận thức trách nhiệm được giao, trong thực hiện nhiệm vụ, tôi luôn bám sát lịch công tác tuần do VKSND tối cao xây dựng. Do đó, việc phản ánh các hoạt động này luôn bảo đảm kịp thời, thông tin chính xác, khách quan, không để xảy ra sai sót về mặt chuyên môn, chính trị. Thông qua những tin bài viết về Ngành đăng trên các ấn phẩm của Báo Bảo vệ pháp luật đã góp phần giúp cho xã hội và nhân dân hiểu rõ hơn về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát, từ đó tăng thêm niềm tin, sự ủng hộ đối với hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân cũng như bản lĩnh, trình độ của người cán bộ Kiểm sát khi thực thi nhiệm vụ.

leftcenterrightdel
 Phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật tác nghiệp tại một Hội nghị do VKSND tối cao tổ chức.

Trong quá trình tác nghiệp báo chí, nhất là tác nghiệp về hoạt động của ngành Kiểm sát, của lãnh đạo VKSND tối cao, từ thực tiễn hoạt động, tôi đã rút ra cho mình những kinh nghiệm, bài học quý. Trước hết, theo tôi, người làm báo nói chung và báo của ngành Kiểm sát nói riêng, ngoài kiến thức pháp luật và báo chí, sự tuân thủ nghiêm túc quy định về đạo đức của người làm báo thì còn phải có nhãn quan sâu sắc về chính trị. 

Là phóng viên “Ngành”, trước mỗi sự kiện, hoạt động của Ngành, của lãnh đạo VKSND tối cao, phóng viên cần phản ánh chân thực, kịp thời nhưng phải đáp ứng được yêu cầu chính trị, nghiệp vụ của Ngành. Trước mỗi câu nói, lời phát biểu chỉ đạo của lãnh đạo Ngành, phóng viên phải biết quan sát, lắng nghe, kết hợp với tài liệu, ghi âm để chắt lọc và rút ra nội dung chính, ý chính để truyền tải vào bài viết của mình. Có ý kiến cho rằng, báo chí phải phản ánh khách quan những gì diễn ra, không thêm bớt tuy nhiên tôi cho rằng, điều này chỉ đúng một phần. Lý do là dù phản ánh khách quan nhưng không đơn thuần chỉ là nghe và ghi lại bất cứ những gì người khác nói ra để đưa vào bài viết. Điều quan trọng là người viết phải biết chọn lựa, chắt lọc, biên tập lại cho đúng với ý mà lãnh đạo muốn nhấn mạnh, truyền đạt. Giữa văn nói và văn viết hoàn toàn khác nhau, do đó phải hiểu đúng, viết đúng lời người khác nói. Cùng với việc phải biết chọn nội dung để viết, phóng viên cũng cần chọn cách diễn đạt sao cho ngắn gọn, dễ hiểu, chính xác. Đây là những yêu cầu quan trọng đòi hỏi mỗi phóng viên nói chung, phóng viên “Ngành” nói riêng phải học hỏi, tích lũy trong quá trình tác nghiệp. Nếu không tai nạn nghề nghiệp sẽ rất dễ xảy ra đối với những người “non” nghề, ít kinh nghiệm thực tiễn.

Nghề báo có thể xem là nghề “làm dâu trăm họ”. Cũng là một tác phẩm báo chí do phóng viên, nhà báo viết ra nhưng có người đọc thì khen hay, người khác lại chê dở, người thì lại bảo bình thường. Theo quan điểm của cá nhân tôi, làm bất cứ nghề gì thì cần phải hội tụ các yếu tố tài năng và đạo đức. Tài năng là kiến thức, sự hiểu biết, trí thông minh và khả năng vận dụng vào thực tiễn. Đạo đức là cái gốc để hướng con người đến mục đích làm những điều tốt đẹp. Đạo đức như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là cái gốc. Mất đạo đức là mất hết. Đạo đức cũng là cốt lõi, là nền tảng của báo chí. Người làm báo “Ngành” phải có cả đạo đức theo chuẩn mực chung, vừa phải có những phẩm chất tốt đẹp của người cán bộ Kiểm sát như lời Bác dạy đó là: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” và đạo đức nghề báo. Đạo đức “Ngành”, đạo đức “nghề” chính là những chuẩn mực mà mỗi phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật cần phải có trong hành trang hoạt động thực hiện nhiệm vụ của mình.

Tôi còn nhớ rõ, tại Hội nghị triển khai công tác năm 2020 của ngành Kiểm sát nhân dân, đồng chí Trần Quốc Vượng lúc đó là Thường trực Ban Bí thư trong bài phát biểu chỉ đạo đã nhấn mạnh nội dung về công tác cán bộ. Đồng chí khẳng định, để hoàn thành nhiệm vụ được giao trong bối cảnh hiện nay, toàn ngành Kiểm sát phải hết sức quan tâm đào tạo, giáo dục, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát có đạo đức cách mạng, bản lĩnh, kinh nghiệm, tính chiến đấu cao, trọng danh dự, tâm huyết; có tính chuyên nghiệp cao, giỏi chuyên môn; có phương pháp công tác khoa học, sâu sát, thận trọng. Người cán bộ kiểm sát nói chung và Kiểm sát viên nói riêng phải liêm, chính, chí công, vô tư; phải gương mẫu, đi đầu trong cuộc sống, công tác... Tôi coi đây là những lời chỉ đạo, nhắn nhủ đối với cả những người làm báo “Ngành” trong quá trình thực hiệnnhiệm vụ.

leftcenterrightdel
 Phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật trong một chuyến công tác.

Tại Chỉ thị công tác năm 2022 của ngành Kiểm sát nhân dân cũng nêu rõ: Tập trung xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, Kiểm sát viên, Điều tra viên với đầy đủ các phẩm chất: Công minh, Chính trực để bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ lẽ phải, nghiêm minh nhưng rất nhân văn; Khách quan, Thận trọng để không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm; Khiêm tốn để có sức thuyết phục và được xã hội, nhân dân ủng hộ, giúp đỡ. Trong thực thi nhiệm vụ phải luôn có tinh thần thượng tôn pháp luật, có ý thức giữ gìn uy tín, hình ảnh của Ngành; dám bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai, có tinh thần vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và cấp trên giao. 

Tôi cho rằng, những phẩm chất nêu trên cũng rất quan trọng và cần thiết đối với người làm báo, nhất là những người làm báo “Ngành” như chúng tôi.

Cuộc sống cũng như nghề báo vốn là sự tích lũy những kinh nghiệm để ngày càng hoàn thiện bản thân. Muốn làm tốt, muốn được người khác yêu quý thì phải sống chân thành, khiêm tốn, ham học hỏi kinh nghiệm, cách làm nghề từ chính những người lãnh đạo và chính đồng nghiệp của mình. Không phải ai cũng là người tài giỏi, xuất chúng nhưng hãy là một nhà báo có trách nhiệm trước “đứa con tinh thần” của mình, có đạo đức trước khi đặt bút, luôn nỗ lực để hoàn thành tốt công việc mà mình được giao...


Cao Nguyên