Ngày 1/8, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản hỏa tốc, số 6618/UBND-GT, gửi các sở, ngành và địa phương trong tỉnh.

Văn bản cho biết, ngày 31/7, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dẫn đầu đoàn công tác của Trung ương đi kiểm tra trực tiếp tại hiện trường và làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng để chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ, sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc, QL 20.

Thực hiện công điện số 691/CĐ-TTg, ngày 31/7 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng và chủ động ứng phó với mưa lớn các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ; ý kiến phát biểu của các bộ, ngành tham dự và kết luận, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại buổi làm việc, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo:

Không để phát sinh sự cố

UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo người đứng đầu các sở, ngành, huyện, thị trong tỉnh chủ động kiểm tra thực tế để chỉ đạo, triển khai quyết liệt, kịp thời, có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả thiên tai theo các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh trong thời gian vừa qua.

Nâng cao tinh thần trách nhiệm, không được chủ quan, lơ là trong công tác triển khai khắc phục sự cố, cứu hộ, cứu nạn công trình (đối với đèo Bảo Lộc nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung) phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các lực lượng chức năng về người và phương tiện, không để xảy ra sự cố phát sinh “sự cố chồng sự cố”.

leftcenterrightdel
 Nhiều điểm sạt lở trên QL 20, vị trí qua đèo Bảo Lộc vào ngày 30/7. Ảnh: ĐT.

Trước khi tổ chức cứu hộ, cứu nạn, phải xây dựng phương án hợp lý, khoa học, phân công nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với chức năng, chuyên môn nghiệp vụ của từng cơ quan, đơn vị; trong đó, huy động máy móc, phương tiện, nhân lực phù hợp với điều kiện thực tế, diễn biến thời tiết, mức độ sự cố (không tập trung quá đông người khi không cần thiết). Trong quá trình cứu hộ, cứu nạn phải có sự chủ động, linh hoạt, trường hợp vượt quá thẩm quyền và khả năng thì báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên.

Công an tỉnh chủ trì phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Khu Quản lý đường bộ IV và các địa phương liên quan khẩn trương hoàn thành công tác cứu hộ, cứu nạn, giải phóng hiện trường sạt lở tại đèo Bảo Lộc để đảm bảo điều kiện cho các phương tiện lưu thông trở lại trong thời gian sớm nhất.

Chủ động thăm hỏi, động viên và có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp đối với các gia đình các chiến sỹ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ; khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện chế độ, chính sách đối với các chiến sỹ hy sinh theo quy định.

Rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở trên đèo Bảo Lộc

Để đảm bảo lưu thông trên đèo Bảo Lộc, trong giai đoạn trước mắt, UBND tỉnh Lâm Đông giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, đơn vị quản lý đường bộ và các sở, ngành, địa phương liên quan tiến hành kiểm tra, tổ chức khảo sát kỹ tình hình địa hình, địa chất tại khu vực, đánh giá mức độ an toàn để báo cáo UBDN tỉnh xem xét quyết định cho phương tiện lưu thông (báo cáo trước 9 giờ ngày 1/8) nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện lưu thông trên đèo.

Chỉ đạo lưu ý, cần xem xét phương án hạn chế số lượng phương tiện lưu thông trên đèo trong trường hợp điều kiện thời tiết còn bất lợi, chưa đảm bảo an toàn. Phối hợp Công an tỉnh, Khu Quản lý đường bộ IV nghiên cứu phương án ứng trực 24/24 trong trường hợp thời tiết tiếp tục có mưa lớn, kể cả phương án sạt taluy, sạt nền đường và có biện pháp, giải pháp khắc phục để nối lại giao thông nhanh nhất nếu có sự cố.

leftcenterrightdel
 Hàng trăm khối đất đá ập xuống từ sườn núi gây ách tắc giao thông trên QL 20. Ảnh: ĐT.

Chủ trì, phối hợp với Khu Quản lý đường bộ IV, Sở Nông nghiệp- PTNT, UBND huyện Đạ Huoai và TP Bảo Lộc tiến hành kiểm tra, rà soát tất cả các điểm có nguy cơ sạt lở trên QL 20 (đoạn qua đèo Bảo Lộc) và tiếp tục đánh giá mức độ, nguy cơ sạt trượt đất, từ đó đề xuất thực hiện ngay các giải pháp xử lý, không để xảy ra sự cố tương tự (trong đó, lưu ý, tập trung tại các vị trí lân cận khu vực đã bị sạt trượt).

Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát để xử lý các điểm có nguy cơ sạt lở, ngập sâu, kịp thời có biện pháp cụ thể bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ và trục đường huyết mạch đi qua địa bàn (nhất là các đoạn tuyến đèo dốc); đồng thời, có biện pháp cảnh báo, hướng dẫn phương tiện khi lưu thông qua các đoạn đèo dốc quanh co, có nguy cơ sạt lở cao và có phương án điều tiết, phân luồng lưu thông hợp lý trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh khi xảy ra tình trạng ngập - lụt, sạt lở gây ách tắc giao thông.

Chủ động các biện pháp xử lý sạt lở lâu dài

UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Khu Quản lý đường bộ IV tích cực phối hợp với Sở GTVT, Công an tỉnh nghiên cứu tổ chức phân luồng phù hợp trong điều kiện thời tiết mưa lớn kéo dài, hạn chế phương tiện lưu thông trên đèo; đồng thời, khẩn trương khắc phục, hoàn thiện hệ thống điện chiếu sáng trên đèo Bảo Lộc; trong đó, có phương án “bật sớm, tắt muộn” trong điều kiện ảnh hưởng của thời tiết để đảm bảo an toàn giao thông; có phương án bố trí phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo giao thông trên đèo khi có sự cố sạt lở đất xảy ra. Đề xuất sớm đầu tư, nâng cấp các tuyến QL 28, 28B, 55 để đảm bảo lưu thông và điều tiết lưu thông khi có sự cố xảy ra tại đèo Bảo Lộc.

Để đảm bảo an toàn, ổn định trong khai thác lâu dài của tuyến đường đèo Bảo Lộc, đề nghị mời các chuyên gia, đơn vị tư vấn và các Bộ, ngành Trung ương có kinh nghiệm, chuyên môn về lĩnh vực địa chất và xử lý sạt trượt tổ chức kiểm tra, khảo sát chi tiết, từ đó đưa ra giải pháp, biện pháp xử lý, gia cố phù hợp nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi lưu thông qua đèo.

leftcenterrightdel
 Còn rất nhiều nhà cửa tại điểm sạt lở vào chiều 30/7 trên đèo Bảo Lộc. Nguồn: dantri.

Các sở, ngành, địa phương liên quan chủ động rà soát mức độ an toàn chịu lực, ổn định hiện trạng của tất cả các công trình, dự án do mình làm chủ đầu tư hoặc thuộc lĩnh vực theo dõi, quản lý, đặc biệt tại các khu vực xung yếu, đồi dốc có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, để thực hiện các biện pháp gia cố, xử lý, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người, phương tiện, tài sản và ổn định công trình.

Đối với công trình đang thi công, khẩn trương thi công hoàn thành các hạng mục, phần việc có nguy cơ mất an toàn; lập hàng rào che chắn, neo giữ, có biện pháp gia cố dàn giáo thi công, máy móc và các thiết bị thi công trên cao trước khi có gió, bão; kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đối với nhà tạm, lán trại trên công trường..

Chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Lâm Đông lưu ý, trường hợp để xảy ra sự cố gây hậu quả nghiêm trọng mà do lỗi chủ quan thì người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, bị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Sơ tán các hộ dân, người làm việc khỏi khu vực chân núi nguy hiểm

UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu UBND các huyện, thị trong tỉnh, tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc kiểm tra, rà soát toàn bộ các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, doanh trại tại khu vực ven sông, suối, sườn dốc để kịp thời phát hiện, cảnh báo nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét, ngập lụt và triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại về người và tài sản khi có mưa lớn xảy ra; đồng thời cập nhật vào danh sách để quản lý..

leftcenterrightdel
 Sạt lở sau mưa vào sáng ngày 11/11/2021 tại km54+560 trên đào Khánh Lê Nha Trang- Đà Lạt. Ảnh: HH. 

Kiên quyết di dời, sơ tán ngay các hộ dân, người làm việc trong cơ quan, đơn vị tại khu vực chân núi, khu vực có độ dốc lớn nguy hiểm, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân; chủ động thực hiện phương án bố trí, hỗ trợ, ổn định nơi tránh trú, ổn định đời sống cho các hộ dân phải di dời.

Chỉ đạo nhấn mạnh, địa phương, cơ quan nào để xảy ra sạt lở đất do không thực hiện đầy đủ nội dung chỉ đạo của cấp trên hoặc chủ quan, gây thiệt hại về người và tài sản của nhà nước, người dân thì phải tạm đình chỉ công tác đối với người đứng đầu địa phương, cơ quan đó để tiến hành kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định.

Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu

Để đảm bảo thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khắc nghiệt với những biểu hiện thời tiết cực đoan, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Sở Nông nghiệp- PTNT, các sở ngành liên quan và UBND các địa phương xây dựng kịch bản ứng phó, chủ động theo dõi, cảnh báo sớm tình hình diễn biến của thời tiết để đưa ra các giải pháp phòng ngừa phù hợp; chủ động thuê các chuyên gia, nhà khoa học, đơn vị tư vấn khảo sát, xây dựng bản đồ cảnh báo khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, để có biện pháp quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng, quản lý công trình xây dựng và ứng dụng hiệu quả các biện pháp trong phòng, chống thiên tai.

leftcenterrightdel
 Hiện trường vụ sạt trượt đất tại hẻm Hoàng Hoa Thám, phường 10, Đà Lạt rạng sáng 29/6. Nguồn: Vietnet

Đối với việc triển khai đầu tư các dự án đường cao tốc Tân Phú- Bảo Lộc, Bảo Lộc- Liên Khương, từ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại buổi làm việc, trong đó nêu việc sớm đầu tư hoàn chỉnh tuyến cao tốc là cần thiết và cần phải quan tâm ưu tiên triển khai thực hiện để phá thế độc đạo qua đèo Bảo Lộc, UBND tỉnh Lâm Đồng giao các sở, ngành, địa phương có liên quan chủ động, quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để sớm khởi công 2 tuyến cao tốc, nhằm giảm áp lực giao thông và nguy cơ mất an toàn trên QL 20.

Chỉ đạo lưu ý phương án thiết kế cao tốc để thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, đặc biệt là hệ thống thoát nước nhằm tránh khả năng  ngập nước, lún nứt mặt đường.

V.H