Theo Bộ Công an cho biết, qua thực tiễn 5 năm triển khai thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ- CP, Nghị định số 123/2021/NĐ-CP về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tai nạn giao thông (TNGT) tiếp tục được kiềm chế và giảm liên tiếp trong những năm gần đây.
Cụ thể, năm 2023 đường bộ xảy ra 22.391 vụ, làm chết 11.560 người, bị thương 15.839 người; so với cùng kỳ giảm 1.287 vụ, giảm 1.927 người chết, tăng 698 người bị thương. 6 tháng đầu năm 2024: Đường bộ xảy ra 12.257 vụ, làm chết 5.280 người, bị thương 9.536 người (trong đó có 9 vụ đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 32 người, bị thương 4 người); so với cùng kỳ năm 2023, tăng 1.654 vụ, giảm 636 người chết, tăng 2.423 người bị thương.
Tuy nhiên, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ vẫn diễn biến phức tạp; xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản; tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ vẫn còn diễn ra phổ biến.
Cùng với đó, hành vi vi phạm các quy định trên đường cao tốc diễn ra phức tạp, tình trạng lùi xe, đi ngược chiều, đỗ xe trên đường cao tốc, xe mô tô đi vào đường cao tốc, dừng, đón trả khách; nhận và trả hàng trên đường cao tốc, tình trạng chở quá số người quy định, đặc biệt là chở quá số người trong dịp lễ, Tết vẫn diễn ra; các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy của người điều khiển phương tiện vẫn xảy ra nhiều... Ngoài ra, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhiều loại hình phương tiện giao thông đường bộ mới được đưa vào sử dụng nên cần phải có quy định bao quát, đầy đủ hơn.
Hiện nay, pháp luật quy định các hành vi vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng về trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn từ 1 tháng đến 24 tháng. Mỗi năm cơ quan chức năng tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn trên 500 nghìn trường hợp vi phạm.
Khi bị tước quyền sử dụng, người lái xe không được phép điều khiển phương tiện, dẫn đến tác động không nhỏ đến các hoạt động đi lại, sản xuất kinh doanh, đời sống hàng ngày của người dân; việc tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe đang thực hiện thủ công, nhiều người vi phạm bỏ Giấy phép không đến nhận, tồn đọng nhiều Giấy phép lái xe tại cơ quan xử phạt, dẫn đến lãng phí, tăng chi phí, nhân lực nhưng vẫn chưa quản lý được quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe.
Cũng theo Tờ trình của Bộ Công an, mục đích xây dựng Nghị định nhằm cụ thể hoá Nghị quyết số 27-NQ/TW, bảo đảm phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, sự thống nhất với các văn bản khác có liên quan và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đồng thời, bảo đảm sự đầy đủ, toàn diện, thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, trật tự, an toàn giao thông đường bộ tạo thuận lợi trong áp dụng pháp luật, khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân.