Liên danh Công ty CP Tasco - Công ty CP VETC (Công ty TNHH thu phí tự động VETC), nhà đầu tư dự án "Thu phí tự động không dừng trên toàn quốc giai đoạn 1" vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất dừng thực hiện Hợp đồng dự án do tiến độ triển khai quá chậm, công ty có nguy cơ phá sản.

Báo cáo lãnh đạo Bộ GTVT về tình hình đầu tư và vận hành dự án, ông Phạm Văn Lương, Chủ tịch Hội đồng thành viên VETC cho biết kể từ khi bắt đầu vào cuối tháng 11/2014, việc triển khai dự án  quá chậm và kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền để duy trì vận hành dự án.

Theo đó, ngày 4/7/2019, phía chủ đầu tư đã có văn bản đề xuất Bộ GTVT chấm dứt hợp đồng nếu các khó khăn không được tháo gỡ trước ngày 31/7/2019. Sau đó, 13/8, Bộ GTVT đã họp thống nhất về lộ trình ký kết hợp đồng dịch vụ, đồng thời tiếp tục cùng VETC nỗ lực triển khai dự án.

leftcenterrightdel
 Nhiều trạm thu phí chậm thực hiện thu phí tự động không dừng

Tuy nhiên kết quả vẫn không đạt tiến độ và mục tiêu đã đề ra. Đến nay, mới chỉ có 11/44 trạm thu phí ký được phụ lục hợp đồng/hợp đồng dịch vụ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương trích doanh thu (36 trạm đến ngày 31/12).

Có đến 33 trạm thu phí chưa ký phụ lục hợp đồng dịch vụ thu phí, trong đó có 13 trạm chưa đồng ý mức trích thu phí, 4 trạm đồng ý mức trích nhưng chờ sự đồng thuận từ ngân hàng tài trợ, 3 trạm đồng ý mức trích nhưng chờ UBND tỉnh, TP chấp thuận, 3 trạm đang tạm dừng thu phí…Thậm chí có một số nhà đầu tư BOT không trả phí dịch vụ cho Công ty VETC dù đã lắp đặt hệ thống thu phí tự động.

Theo báo cáo, do tiến độ quá chậm, tỷ lệ thu phí ETC thấp, chỉ đạt khoảng 10% so với kế hoạch nên tính đến ngày 30/9, lỗ lũy kế của công ty đã lên tới 300 tỉ đồng. Nhà đầu tư (Công ty CP Tasco) đã phải cung ứng vốn tương ứng so với số lỗ lũy kế trên để bù đắp dòng tiền duy trì công tác vận hành.

Nếu hết năm 2020 triển khai xong 44 trạm (bao gồm việc dự kiến trích doanh thu 36 trạm đến 31/12, tháng 8/2020 trích doanh thu các trạm của VEC và VIDIFI) thì Công ty VETC lỗ lũy kế cho công tác vận hành khoảng 500 tỉ đồng. Trường hợp đến hết năm 2020 chỉ triển khai được 36 trạm mà chưa triển khai được các trạm của VEC và VIDIFI thì con số lỗ sẽ tăng lên khoảng 580 tỉ đồng.

Như vậy, đến hết năm 2020, ngoài vốn chủ sở hữu tham gia dự án là 278 tỉ đồng thì Công ty Tasco còn phải bổ sung để bù lỗ vận hành là 580 tỉ đồng. Các cổ đông không đồng thuận việc tiếp tục đầu tư, cung cấp vốn cho dự án.

Đồng thời, có rất nhiều ý kiến về việc: Dự án đã trải qua 5 năm không nhận được cổ tức mà liên tục đầu tư thêm vốn để bù lỗ vận hành và chưa biết bao giờ mới giải quyết xong các vướng mắc, tồn tại. Nếu khó khăn không được giải quyết dứt điểm thì ngoài việc không đạt được lợi ích, mục tiêu, hiệu quả kinh tế - xã hội từ dự án, kéo dài việc thiếu hụt dòng tiền nghiêm trọng của VETC sẽ ảnh hưởng đến việc duy trì chất lượng dịch vụ vận hành thu phí không dừng, thậm chí có nguy cơ bị phá sản.

Theo VETC, có nhiều nguyên nhân khiến tiến độ đầu tư, vận hành dự án thu phí không dừng trên toàn quốc giai đoạn 1 ì ạch. Trong đó, có việc một số nhà đầu tư có trạm ở cửa ngõ các thành phố Hà Nội và TP.HCM chưa triển khai hệ thống thu phí không dừng để kết nối với trung tâm dữ liệu của công ty VETC, đặc biệt là các trạm cao tốc.

Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư BOT chưa ký hợp đồng dịch vụ theo định hướng chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT với rất nhiều lý do khác nhau. Một số nhà đầu tư khác thì không bàn giao làn thu phí để VETC thực hiện đầu tư hệ thống thu phí không dừng. Cá biệt, còn có trường hợp các nhà đầu tư không trả phí dịch vụ cho VETC mặc dù trạm đã hoàn thành đầu tư và thực hiện nghiệm thu cho Bộ GTVT theo đúng quy định.

Lãnh đạo VETC đánh giá mặc dù lợi ích và hiệu quả của dự án mang lại là hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm cho xã hội, đồng thời nhận được sự ủng hộ của người dân và có sự chỉ đạo quyết liệt từ Quốc Hội tới Chính phủ và các bộ ban ngành nhưng tiến độ triển khai chậm chạp đã làm giảm hiệu quả đầu tư của dự án rất nhiều.

Với tất cả những khó khăn nêu trên, VETC đề nghị Bộ GTVT lựa chọn nhà đầu tư khác chuyển giao hoặc nhà nước nhận lại dự án để tiếp tục triển khai thực hiện, phát huy lợi ích và hiệu quả của dự án mang lại cho xã hội, đất nước.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cùng VETC có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo hoặc cho dừng Hợp đồng và thực hiện các thủ tục phá sản theo đúng quy định của pháp luật trong tháng 12, trong trường hợp những tồn tại đã báo cáo phía trên không được giải quyết.

 

Ngọc Anh