Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, có ít nhất 12 dự án BOT đã ký hợp đồng nhưng phải dừng lại, nhiều trạm thu phí đang được xử lý, 67 cuộc kiểm toán được thực hiện tại 60 dự án BOT, BT giao thông.
 
Trong báo cáo, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục khẳng định chủ trương kêu gọi vốn tư nhân cho đầu tư hạ tầng giao thông là cần thiết, đúng đắn, thực tế triển khai đã đạt những kết quả nhất định. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải cũng thừa nhận, quá trình thực hiện các dự án BOT giao thông còn những hạn chế, vướng mắc, bất cập.
 
Sau khi rà soát lại toàn bộ các dự án đã, đang và sắp triển khai theo hình thức BOT, Bộ Giao thông Vận tải dừng 4 dự án đã ký hợp đồng và đang triển khai; dừng 8 dự án đường bộ đã phê duyệt đề xuất, hoặc đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Hiện tại, chỉ triển khai kêu gọi đầu tư BOT vào 8 đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020.
 
Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, nhà đầu tư điều chỉnh vị trí một số trạm thu phí có bất cập; miễn, giảm phí; chỉ đạo các nhà đầu tư công khai thông tin dự án tại trạm thu phí (tổng mức đầu tư, thời gian thu phí, thời điểm thu phí...).
 
Bộ Giao thông Vận tải cũng chủ động mời Kiểm toán Nhà nước kiểm toán toàn bộ các dự án (đã kiểm toán 67 cuộc tại 60 dự án BOT, BT giao thông), thực hiện nghiêm kết luận của Kiểm toán nhà nước, Thanh tra với các vấn đề còn tồn tại, đặc biệt là về xử lý tài chính, xử lý trách nhiệm và quyết toán chi phí đầu tư.
 
Về trạm thu phí BOT, Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận vẫn còn một số trạm thu phí có tính chất đặc thù, gặp khó khăn, vướng mắc, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo, Chính phủ cũng họp và chỉ đạo xử lý.
 
Cụ thể, đối với trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài (thu phí cho tuyến tránh Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải  kiểm tra, đánh giá toàn diện, không để xảy ra thất thoát, tham nhũng. Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai cho các đơn vị liên quan thực hiện.
 
Với trạm thu phí Bỉm Sơn (thu phí tuyến tránh Tp. Thanh Hóa), Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, triển khai phương án di dời trạm về tuyến tránh. Bộ Giao thông Vận tải cùng địa phương đang đàm phán với nhà đầu tư lựa chọn vị trí đặt trạm phù hợp.
 
Trạm thu phí Tân Đệ (Thái Bình), sau khi di dời về tuyến tránh Đông Hưng, hiện nhà đầu tư đang xây dựng trạm thu phí, dự kiến thu phí trong cuối năm nay.
leftcenterrightdel
Trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí/TTXVN 
Với trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang), Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu 3 phương án và xin ý kiến UBND tỉnh Tiền Giang, phấn đấu sớm thu phí trở lại. Với phương án dự kiến là có 2 trạm thu phí (trên tuyến tránh và tuyến Quốc lộ 1), thu phí thu hồi vốn cho từng hợp phần, thu đủ phần nào sẽ dừng trạm thu phí đó. Đồng thời, tổ chức giao thông, cấm xe tải, xe khách lớn qua thị xã Cai Lậy.
 
Trạm thu phí T2 Quốc lộ 91, hiện đang dừng thu phí để chờ các bên thống nhất phương án đảm bảo quyền lợi các bên (nhà đầu tư, người dân, ngân hàng cho vay vốn) phù hợp với nguồn lực.
 
Trạm thu phí trên tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình, trong thời gian xây dựng phương án miễn, giảm phí chính thức, tạm thời đang miễn phí cho người dân quanh trạm thu phí. Hiện phương án chính thức đã được xây dựng, các bên đã thống nhất và tình hình trạm thu phí đã ổn định.
 
Với riêng Dự án cao tốc Bắc - Nam, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã báo cáo tới Quốc hội tình hình thực hiện dự án, trong đó Bộ GTVT đặc biệt nhấn mạnh đến những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng của dự án trọng điểm quốc gia này.
Theo TTXVN