leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
“Chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”- Đó là nội dung được khẳng định mạnh mẽ tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022. 

Trong 10 năm (2012 – 2022), các cơ quan tố tụng (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án) trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm gần 16.000 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế với hơn 30.300 bị cáo. Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo gần 1.000 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ; trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 313 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 120 vụ án, 1.083 bị cáo, trong đó có 37 cán bộ diện Trung ương quản lý, bị xử lý hình sự…

Hưởng ứng lời hiệu triệu của người lãnh đạo cao nhất của Đảng với tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào"; căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp, pháp luật, thời gian qua, nhất là trong 10 năm trở lại đây, các các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và các bộ, ngành chức năng phối hợp ngày càng chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn, hầu như không còn tình trạng "quyền anh, quyền tôi" như trước.

Trong đó, ngành Kiểm sát nhân dân đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Cụ thể, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-VKSTC ngày 22/3/2019 về “Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng trong ngành Kiểm sát nhân dân”; Kế hoạch số 93/KH-VKSTC ngày 15/5/2019 về “Triển khai thi hành Luật phòng, chống tham nhũng trong ngành Kiểm sát nhân dân; Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 26/6/2020 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án có liên quan đến thu hồi tài sản bị thất thoát chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế…

leftcenterrightdel
 Đại diện Viện kiểm sát trong phiên tòa xét xử đại án AVG.

Có thể khẳng định, công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương: Công an, Viện kiểm sát, Tòa án trong giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo là một trong những “điểm sáng”, thực chất, hiệu quả. Theo đó, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành một cách kiên trì, kiên quyết, không khoan nhượng, không nương nhẹ, không làm oan, sai; không bỏ lọt tội phạm; rất nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn, nhân ái, có lý, có tình; hầu hết các đối tượng bị xử lý đều nhận thức rõ sai phạm của mình và tâm phục, khẩu phục, tỏ rõ sự ăn năn, hối cải, xin lỗi Đảng, Nhà nước và Nhân dân; có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ, được dư luận, nhân dân rất đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao; tạo bước đột phá trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng; đã xử lý dứt điểm nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, cả những vụ tồn đọng, kéo dài từ nhiều năm trước, với nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý hình sự, kể cả Uỷ viên Bộ Chính trị, bộ trưởng, thứ trưởng, chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang.

leftcenterrightdel
Kiểm sát việc khám xét nơi làm việc của bị can Trịnh Văn Quyết. (Ảnh: Hà Tuân/BVPL)

Mặc dù trong bối cảnh dịch COVID- 19, tại phiên họp thứ 21 (20/1/2022), Ban Chỉ đạo đánh giá: Các cơ quan chức năng đã phối hợp chặt chẽ, tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xác minh, xử lý các vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án tham nhũng, tiêu cực thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Mới nhất, tại phiên họp 22, ngày 17/8/2022, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực đánh giá: Từ sau phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo đến nay, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố mới 297 vụ án/682 bị can về các tội tham nhũng (tăng 153 vụ, 298 bị can so với cùng kỳ năm trước). Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đã khởi tố mới 8 vụ án/29 bị can, khởi tố thêm 40 bị can trong 12 vụ án; kết thúc điều tra 10 vụ án/134 bị can, kết thúc điều tra bổ sung 6 vụ án/142 bị can; truy tố 7 vụ án/77 bị can; xét xử sơ thẩm 5 vụ án/55 bị cáo, xét xử phúc thẩm 6 vụ án/53 bị cáo. Các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được hơn 9.027 tỉ đồng trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo (tăng hơn 7.000 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước).

Với số liệu, kết quả nêu trên là minh chứng khẳng định vai trò quan trọng của các cơ quan tố tụng trong việc phối hợp chặt chẽ, kiên quyết tấn công tội phạm, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

leftcenterrightdel

Bình luận, đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng, với vai trò là "tổng chỉ huy", là "nhạc trưởng" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (ngày 1/2/2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 162-QĐ/TW thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban chỉ đạo), nhiều cán bộ lão thành cách mạng cùng nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định: Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội, và thực sự "đã trở thành phong trào" được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao và mong sao "lò lửa" chống tham nhũng, tiêu cực luôn rực cháy. Trong đó, cán bộ, đảng viên thường xuyên mong ngóng, đón chờ các cơ quan báo chí chính thống thông tin về các phiên họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, với nguyên tắc: Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật phải xử lý công minh, chính xác, kịp thời.

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày càng quyết liệt, bài bản, có phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng thì tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tăng lên rõ rệt. Nếu như năm 2013, tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án chỉ đạt dưới 10%, thì giai đoạn 2012 - 2022, bình quân đạt tỉ lệ 34,7%.

Trên cơ sở kết quả điều tra, các cơ quan tiến hành tố tụng đã phát hiện tổng số tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại trong các vụ án tham nhũng, kinh tế phải thu hồi trong kỳ là 146.616 tỉ đồng. Từ 1/12/2018 đến 31/5/2022, các cơ quan tiến hành tố tụng đã thu hồi 66.747 tỉ đồng/149.616 tỉ đồng phải thu hồi, đạt tỉ lệ 44,6%. Trong đó, riêng các vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp đã thu hồi được 22 tỉ đồng, đạt 58% số tài sản bị chiếm đoạt đã thu hồi trong các vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp.

Ngay trong thời điểm bùng phát đại dịch COVID-19, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng vẫn “không ngừng, không nghỉ”. Đã có ý kiến băn khoăn cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm "nhụt chí", "chùn bước" những người dám nghĩ, dám làm, làm "chậm" sự phát triển đất nước. Thực tế không như vậy, mà hoàn toàn ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đặc biệt là góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân, bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là "đấu đá nội bộ", "phe cánh".

Nhân dân đã và đang tin tưởng, đồng thuận cùng Đảng, Nhà nước quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi "giặc nội xâm" - tham nhũng, tiêu cực. Tuyệt đại đa số ý kiến của người dân (93%) đã bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Người dân tin vào sự quyết liệt “nói đi đôi với làm” và “làm đi đôi với nói” của Tổng bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo và sự vào cuộc quyết liệt, bài bản, quyết tâm cao của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bài học ở Việt Nam, càng chống tham nhũng bài bản, hiệu quả dưới sự lãnh đạo của Đảng thì càng tạo được niềm tin trong các tầng lớp Nhân dân, bảo đảm môi trường xã hội ổn định và là điều kiện tiên quyết để kinh tế ngày càng phát triển.

leftcenterrightdel
 Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực ASEAN+3 năm 2022

Ngay trong thời điểm bùng phát đại dịch Covid-19, Đảng ta vẫn chỉ đạo chống tham nhũng không ngừng, không nghỉ và kết quả cho thấy Việt Nam vẫn có nền kinh tế tăng trưởng dương, trong khi nhiều nước phát triển tăng trưởng âm. Báo cáo giữa năm 2022 của Ngân hàng Thế giới dự đoán rằng Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về thu nhập và thương mại trong số các thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Và, thực tế đến thời điểm tháng 10/2022, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Chính phủ dự báo năm 2022, Việt Nam tăng trưởng GDP đạt khoảng 8% so với mục tiêu 6-6,5%, cho dù trong bối cảnh tình hình có rất nhiều khó khăn, thách thức.

leftcenterrightdel

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước chỉ làm "chùn bước" những ai có động cơ không trong sáng, đã trót "nhúng chàm" và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm.

Kết quả phát hiện, điều tra và xử lý tham nhũng trong thời gian qua càng chứng tỏ chúng ta đã thực hiện rất nghiêm tư tưởng chỉ đạo và quan điểm: "Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, và không chịu sự tác động, sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào". Việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm, là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng; nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh về kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm, và kiên quyết làm. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người; và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới theo tinh thần Bác Hồ đã dạy: "Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây".

Đó là một trong những bài học lớn đã được thực tiễn cách mạng Việt Nam kiểm nghiệm. Bài học về việc: Phải gắn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; gắn phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

leftcenterrightdel
  Phiên họp thứ 22 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm, xác định nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới, đó là: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng, tiêu cực". Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả tệ "tham nhũng vặt"; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện và công khai, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực, về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Đấu tranh chống tham nhũng phải gắn liền với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Bởi vì hai mặt này có quan hệ chặt chẽ với nhau. Phải kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu các hành vi sai phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm đều phải bị xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh, công khai.

Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế đã khởi tố theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước; chú trọng phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng mới; không có vùng cấm, không có ngoại lệ; không chịu sự tác động không đúng của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Cùng với đó, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; chú trọng truy tìm, kịp thời áp dụng các biện pháp đồng bộ để thu hồi triệt để tài sản bị tham nhũng ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và trong giai đoạn thi hành án; khuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Thành quả của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua “có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện”. Tuy nhiên, tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo trá, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những "kẻ thù hung ác", nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.

Song, chúng ta có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn khẳng định rằng: Từ những kết quả và kinh nghiệm đạt được trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa và đạt hiệu quả cao hơn nữa. Tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ bị ngăn chặn, đẩy lùi; góp phần xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và xứng đáng với niềm tin yêu, sự mong đợi của Nhân dân.

Nhân dân bày tỏ niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, bởi Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngày càng hiệu quả; kiên quyết ngăn chặn, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ thì chắc chắn Đảng ta sẽ ngày càng vững mạnh, đất nước ngày càng phát triển bền vững, trường tồn.

Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV dự kiến cả năm 2022 sẽ đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó, tăng trưởng GDP đạt khoảng 8% so với mục tiêu 6-6,5%, trong bối cảnh tình hình có nhiều khó khăn, thách thức hơn so với khi xây dựng kế hoạch. Một trong những bài học kinh nghiệm được rút ra là: Phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, thống nhất, xuyên suốt, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, sâu sát thực tiễn... Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân. 

 

Hà An - Hà Nhân