VKSND tối cao vừa ban hành Cáo trạng về vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại BHXH Việt Nam, Công ty Cho thuê tài chính II và một số đơn vị có liên quan. Hai cựu Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cùng 4 đồng phạm bị cáo buộc gây thất thoát 1.700 tỷ đồng.
Bút phê “đồng ý” quyền lực của hai cựu Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam
Nội dung cáo trạng của VKSND tối cao chỉ rõ: Từ tháng 3/2008 đến tháng 8/2009, Nguyễn Phước Tường, Trưởng Ban Kế hoạch Tài chính kiêm Kế toán trưởng BHXH Việt Nam chỉ đạo Trần Tiến Vỹ, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (từ 1/9/2005 đến 6/2008) và Hoàng Hà, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (từ tháng 7/2008) lập 14 Tờ trình đề nghị Nguyễn Huy Ban, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam và Lê Bạch Hồng, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho ALCII vay vốn từ Quỹ bảo hiểm xã hội.
|
|
Bút phê "đồng ý" của bị can Lê Bạch Hồng giúp ALCII vay hàng nghìn tỉ đồng của BHXH Việt Nam
|
Sau khi được Nguyễn Huy Ban, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam và Lê Bạch Hồng, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam bút phê “đồng ý”, Nguyễn Phước Tường đã chỉ đạo Phòng Kế hoạch Tổng hợp liên hệ, soạn thảo hợp đồng và gửi qua thư điện tử (email) cho ALCII.
Sau khi ALCII ký trước và chuyển lại, Phòng Kế hoạch Tổng hợp kiểm tra trình Nguyễn Phước Tường kiểm tra lại, ký nháy và trình Tổng Giám đốc ký hợp đồng chính thức cho ALCII vay vốn.
Như vậy, từ tháng 4/2008 đến tháng 8/2009, BHXH Việt Nam đã ký 14 hợp đồng cho ALCII vay vốn từ Quỹ bảo hiểm xã hội trái quy định, tổng số tiền là 1.010 tỉ đồng.
Theo Công văn số 5126/BHXH-ĐTQ ngày 7/12/2018 của BHXHVN về việc tính lãi chi tiết của các Hợp đồng vay vốn giữa BHXH Việt Nam và ALCII, tính đến khi ALCII bị phá sản (ngày 31/7/2018), ALCII mới thanh toán cho BHXH Việt Nam một phần tiền gốc và một phần tiền lãi; còn nợ BHXHVN số tiền tổng cộng gần 1.700 tỉ đồng (769,3 tỉ đồng tiền gốc và gần 929 tỉ đồng tiền lãi)
Vay bao nhiêu, được bấy nhiêu
Việc ALCII bắt đầu vay quỹ BHXH Việt Nam được bắt đầu từ ngày 31/3/2008, Theo đó, khi nhận được đề xuất vay tiền quỹ bảo hiểm của lãnh đạo ALCII, Trần Tiến Vỹ, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp lập Tờ trình để Nguyễn Phước Tường, Trưởng Ban Kế hoạch Tài chính kiêm Kế toán trưởng BHXHVN ký Tờ trình đề xuất Nguyễn Huy Ban, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam duyệt cho ALCII vay 50 tỷ đồng.
Sau khi Nguyễn Huy Ban bút phê “đồng ý” vào Tờ trình, Trần Thị Thanh Thủy, chuyên viên Phòng Kế hoạch Tổng hợp - Ban Kế hoạch Tài chính, liên lạc với ALCII bằng thư điện tử (email) để điền các thông tin theo mẫu hợp đồng của BHXH Việt Nam.
Sau khi Vũ Quốc Hảo, Tổng Giám đốc ALCII ký đóng dấu trước vào Hợp đồng và gửi cho BHXH Việt Nam thì Trần Tiến Vỹ kiểm tra nội dung hợp đồng, sau đó đưa cho Trần Thị Thanh Thủy trình Nguyễn Phước Tường ký nháy vào Hợp đồng và trình Nguyễn Huy Ban ký Hợp đồng số 01/2008/HĐVV-VM ngày 4/4/2008, với nội dung BHXHVN cho ALCII vay 50 tỉ, thời hạn 5 năm; lãi suất được điều chỉnh hàng năm, riêng năm đầu (2008) là 0,73%/tháng.
BHXH Việt Nam đã chuyển khoản cho ALCII đủ 50 tỉ đồng. Vậy là từ khi đề xuất cho vay đến lúc ALCII nhận được tiền, thời gian không mất quá ... 5 ngày.
Tương tự như trên, ngày 10/4/2008, Trần Tiến Vỹ lập Tờ trình và ký nháy để Nguyễn Phước Tường ký Tờ trình, Nguyễn Huy Ban bút phê “đồng ý”, Trần Thị Thanh Thủy gửi mẫu hợp đồng cho ALCII để điền các thông tin. Sau khi phía ALCII ký trước và gửi lại, Trần Tiến Vỹ kiểm tra nội dung, Nguyễn Phước Tường ký nháy trình Nguyễn Huy Ban ký Hợp đồng cho ALCII vay 50 tỉ đồng, thời hạn 5 năm; lãi suất được điều chỉnh hàng năm, riêng năm đầu (2008) là 0,73%/tháng. BHXH Việt Nam đã chuyển khoản cho ALCII đủ 50 tỉ đồng vào ngày 14/4/2008. Tức là chỉ 4 ngày sau khi đề xuất vay.
Tương tự như cách thức trên, ngày 7/5/2008, ALCII đề xuất được vay 100 tỉ đồng của BHXH Việt Nam, ngày 12/5/2008 BHXH Việt Nam đồng ý ký hợp đồng và chuyển cho ALCII 100 tỉ đồng, lãi suất 0,8%/năm.
Ngày 5/6/2008, ALCII đề xuất được vay 50 tỉ đồng, ngày 10/6/2008 BHXH Việt Nam đã đồng ý ký hợp đồng và chuyển cho ALCII đủ số tiền 50 tỉ đồng với lãi suất 1,09%/năm.
Ngày 27/6/2008, ALCII đề xuất được vay 50 tỉ đồng, ngày 3/7/2008 BHXH Việt Nam đã đồng ý ký hợp đồng và chuyển cho ALCII đủ số tiền 50 tỉ đồng với lãi suất 1,4 %/năm, thời hạn 5 năm.
Ngày 13/8/2008, ALCII đề xuất được vay 30 tỉ đồng, ngày 28/8/2008 BHXH Việt Nam đã đồng ý ký hợp đồng và chuyển cho ALCII đủ số tiền 30 tỉ đồng với lãi suất 1,4 %/năm, thời hạn 3 năm.
Ngày 16/9/2008, ALCII đề xuất được vay 70 tỉ đồng, ngày 22/9/2008 BHXH Việt Nam đã đồng ý ký hợp đồng và chuyển cho ALCII đủ số tiền 70 tỉ đồng với lãi suất 1,4 %/năm, thời hạn 3 năm.
Tháng 10/2008, ALCII đề xuất được vay 80 tỉ đồng, ngày 20/10/2008 BHXH Việt Nam đã đồng ý ký hợp đồng và chuyển cho ALCII đủ số tiền 80 tỉ đồng với lãi suất 1,4 %/năm, thời hạn 60 tháng.
Ngày 10/11/2008, ALCII đề xuất được vay 50 tỉ đồng, ngày 14/11/2008 BHXH Việt Nam đã đồng ý ký hợp đồng và chuyển cho ALCII đủ số tiền 50 tỉ đồng với lãi suất 1,21 %/năm, thời hạn 5 năm.
Ngày 17/12/2008, ALCII đề xuất được vay 50 tỉ đồng, ngày 19/12/2008 BHXH Việt Nam đã đồng ý ký hợp đồng và chuyển cho ALCII đủ số tiền 50 tỉ đồng với lãi suất 0,875%/năm, thời hạn 2 năm.
Ngày 26/12/2008, ALCII đề xuất được vay 50 tỉ đồng, ngày 30/12/2008 BHXH Việt Nam đã đồng ý ký hợp đồng và chuyển cho ALCII đủ số tiền 50 tỉ đồng với lãi suất 0,875%/năm, thời hạn 2 năm.
|
|
Chỉ cần đề xuất số tiền muốn vay, ALCII được đáp ứng nhanh chóng (ảnh minh họa) |
Từ ngày 27/02/2009, Hoàng Hà lập Tờ trình để Nguyễn Phước Tường ký Tờ trình. Lúc này Lê Bạch Hồng (Tổng giám đốc BHXH Việt Nam) đã có bút phê “đồng ý”, Trần Thị Thanh Thủy gửi mẫu hợp đồng cho ALCII để điền các thông tin. Sau khi phía ALCII ký trước và gửi lại, Nguyễn Phước Tường ký nháy trình Lê Bạch Hồng ký Hợp đồng cho ALCII vay 100 tỉ đồng, thời hạn 02 năm; lãi suất 8,0%/năm được điều chỉnh 6 tháng/lần. BHXHVN đã chuyển khoản cho ALCII đủ 100 tỉ đồng.
Tiếp đó, từ ngày 29/5/2009, ALCII đề xuất được vay 80 tỉ đồng, ngày 2/6/2009 BHXH Việt Nam đã đồng ý ký hợp đồng và chuyển cho ALCII đủ số tiền 80 tỉ đồng với lãi suất 0,8%/năm, thời hạn 2 năm.
Ngày 23/7/2009, ALCII đề xuất được vay 80 tỉ đồng, ngày 5/8/2009 BHXH Việt Nam đã đồng ý ký hợp đồng và chuyển cho ALCII đủ số tiền 80 tỉ đồng với lãi suất 0,8%/năm, thời hạn 2 năm.
Như vậy, từ năm 2008-2009, BHXH Việt Nam và ALCII ký 14 hợp đồng vay vốn với tổng số tiền 1.010 tỷ đồng. Đến nay, đã tất toán 1 hợp đồng ngắn hạn, còn 13 hợp đồng quá hạn với tổng số tiền 769,300 tỉ đồng tiền gốc và 928,637 tỉ đồng tiền lãi.
Theo cáo trạng của VKSND tối cao, bị can Nguyễn Huy Ban đã trực tiếp ký và chỉ đạo thực hiện 11 hợp đồng cho vay, tổng số tiền 630 tỷ đồng.
Bị can Lê Bạch Hồng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã trực tiếp ký và chỉ đạo thực hiện 3 hợp đồng cho vay, tổng số tiền 380 tỷ đồng....
Bị can Nguyễn Phước Tường chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc tham mưu trực tiếp ký và thực hiện 14 hợp đồng cho vay.
Bị Trần Tiến Vỹ và bị can Hoàng Hà, liên quan đến 14 hợp đồng vay vốn. Các cá nhân trên chịu trách nhiệm liên đới do: chưa hoàn thành trách nhiệm tham mưu cho Trưởng ban trình Tổng Giám đốc trong việc giám sát, kiểm tra, thẩm định tính pháp lý của các tài liệu hồ sơ vay của BHXH Việt Nam trong việc thực hiện 14 hợp đồng vay vốn vi phạm pháp luật.
Bị can Trần Thị Thanh Thủy, chịu trách nhiệm liên đới đối với cán bộ làm công tác văn thư, do chưa hoàn thành nhiệm vụ tiếp nhận và luân chuyển văn bản đến, tùy tiện giao văn bản không theo quy trình, không trên cơ sở bút phê của lãnh đạo dẫn đến cán bộ chuyên môn tại các phòng xử lý công việc tùy tiện.
|