Buông lỏng quản lý, sai phạm chồng sai phạm!

Kết luận thanh tra công tác QLBVR tại huyện Lâm Hà, cho thấy, bên cạnh một số việc làm được, công tác này tại đay được thực hiện thiếu nghiêm túc, buông lỏng quản lý trong thời gian dài dẫn tới hàng loạt sai phạm.

Các đơn vị chủ rừng chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đối tượng vi phạm để lập hồ sơ xử lý; việc xử lý vi phạm chưa kịp thời; tỷ lệ vụ vi phạm chưa xác định được đối tượng vi phạm còn cao. 

Việc giao khoán rừng, đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, có 43 hộ/ 22 hợp đồng nhận khoán không đúng đối tượng, trình tự thủ tục tùy tiện.

Cuối tháng 10/2013, mặc dù, UBND huyện Lâm Hà có văn bản chỉ đạo tạm ngưng giao khoán theo Nghị định số 135/2005/NĐ-CP, nhưng Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Nam Ban (nay là BQLRPH Lâm Hà) vẫn tiếp tục ký kết giao khoán đối với 6 hợp đồng/55 ha đất cho các cá nhân là viên chức của đơn vị. 

Đáng lưu ý, có 2 đơn xin giao khoán đất lâm nghiệp giả mạo chữ ký của lãnh đạo UBND xã và con dấu của UBND xã Phúc Thọ để nhận khoán; trong khi có trường hợp ưu tiên cho người nhà lãnh đạo BQLRPH Lán Tranh.

Việc thiếu kiểm tra giám sát dẫn đến nhiều trường hợp nhận khoán không thực hiện đúng phương án và hợp đồng nhận khoán đã ký kết, không trồng rừng theo cam kết; để rừng bị phá, đất bị lấn chiếm, chuyển nhượng phức tạp.

leftcenterrightdel
Một diện tích rừng lớn bị phá, lấn chiếm, trồng cây nông nghiệp.

Buông lỏng trong quản lý đất tại các khu vực nhà trạm QLBVR thuộc phạm vi quản lý của BQLRPH Lán Tranh, để cho nhân viên của đơn vị chiếm, sử dụng làm nhà, trồng cà phê.

BQLRPH Lan Tranh lập hồ sơ trồng 138,23ha rừng nhưng không thực hiện đúng trình tự thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán, dẫn đến diện tích thiết kế không trùng khớp với diện tích nghiệm thu, để “hụt” hơn 75 ha rừng nhưng không có hồ sơ chứng minh.

Việc thực hiện dự án có liên quan đến công tác QLBVR của doanh nghiệp nhà nước, một số dự án chậm tiến độ 6- 30 tháng theo giấy chứng nhận đầu tư, trong khi một số hạng mục công trình không có giấy phép, xây dựng sai quy hoạch chi tiết đã được thỏa thuận.

Chủ rừng thực hiện hỗ trợ kinh phí trồng và chăm sóc 15,81 ha rừng trồng, trong khi việc trồng rừng chưa được tiến hành.

Quản lý rừng lỏng lẻo tại các dự án dẫn đến hơn 140 ha rừng phá, bị lấn chiếm, 212 ha khác sử dụng sai mục đích,..

Xử lý nghiêm!

Với những tồn tại, sai phạm đã được chỉ ra trong kết luận thanh tra, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà lập đầy đủ hồ sơ, thủ tục xử lý vi phạm đối với hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp.

Chỉ đạo Hạt kiểm lâm huyện chủ trì, phối hợp với các phòng, ban, đơn vị có liên quan và UBND các xã, thị trấn kiểm tra các trường hợp đã thanh lý hợp đồng giao khoán để xử lý, hoặc tham mưu UBND huyện xử lý theo quy định đối với các trường hợp vi phạm. 

leftcenterrightdel
 Một quả đồi bị san ủy trái phép.

Yêu cầu BQLRPH Lâm Hà trồng lại rừng trên diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trong mùa mưa năm 2020. Lập thủ tục giải tỏa, thu hồi toàn bộ diện tích đất lấn chiếm, sử dụng sai mục đích.

Tổ chức kiểm điểm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan do buông lỏng quản lý, để xảy ra những sai phạm cũng như tình trạng mất rừng, mất đất lâm nghiệp với diện tích lớn và kéo dài.

Kế luận thanh tra cũng yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp, khẩn trương tổ chức giải tỏa, đưa vào quản lý, sử dụng, tiến hành trồng rừng theo đúng mục đích đối với diện tích đất bị lấn chiếm tại dự án của 4 doanh nghiệp.

Mặt khác, đề nghị đề nghị Công an tỉnh liên hệ Thanh tra tỉnh để tiếp nhận toàn bộ hồ sơ sai phạm tại BQLRPH Lâm Hà, tiến hành điều tra, xử lý theo quy định.

Khánh Hà