UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản, yêu cầu UBND các huyện Lâm Hà, Đam Rông, Bảo Lâm tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể lãnh đạo huyện, trách nhiệm của người đứng đầu và cá nhân phụ trách lĩnh vực quản lí bảo vệ rừng, từ đó có hình thức xử lí phù hợp, do để xảy ra tình trạng phá rừng nghiêm trọng;
Chỉ đạo và tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với tập thể lãnh đạo UBND xã, cá nhân người đứng đầu, người phụ trách lĩnh vực quản lí bảo vệ rừng của các xã Nam Hà, Phi Tô (huyện Lâm Hà); Đạ K’Nàng (Đam Rông); Lộc Ngãi, Lộc Phú (Bảo Lâm), có hình thức xử lí phù hợp với mức độ của từng vụ vi phạm.
Chỉ đạo lưu ý, các trường hợp sai phạm đến mức kỉ luật thì phải xử lí kỉ luật;
UBND huyện Đam Rông xem xét luân chuyển công tác đối với Trưởng Ban quản lí rừng phòng hộ Phi Liêng.
|
|
Rừng thông tại Lâm Đông bị lấn chiếm, đang teo tóp dần. |
Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp& PTNT chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm đối với lãnh đạo và công chức kiểm lâm tại 3 huyện, có hình thức xử lí phù hợp, đi đôi với việc củng cố, kiện toàn tổ chức kiểm lâm.
Trước đó, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng, UBND 3 huyện đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra phá rừng nghiêm trọng và kéo dài trên địa bàn.
|
|
Rừng thông gần 30 năm tuổi bị đầu độc. |
Tuy nhiên, theo lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, việc kiểm điểm trách nhiệm nêu trên được thực hiện chưa nghiêm túc; việc xử lí trách nhiệm chưa kịp thời, chưa nghiêm, chưa phù hợp với tính chất, mức độ của các vụ vi phạm xảy ra. Do đó cần chấn chỉnh, tiếp tục tổ chức kiểm điểm theo hướng nghiêm túc, đúng người đúng tội.
Liên quan đến phá rừng tại Lâm Đồng, thời gian qua, báo chí, trong đó có Báo Bảo vệ pháp luật đã có nhiều bài viết phản ánh tình trạng hủy hoại rừng, phá rừng quy mô lớn và kéo dài tại các huyện Lâm Hà, Đam Rông, Bảo Lâm, trong đó hàng chục héc ta rừng thông gần 30 năm tuổi đã bị chết đầu độc, hàng trăm héc ta rừng- đất lâm nghiệp, gồm cả diện tích giao cho cộng đồng dân cư bảo vệ, bị lấn chiếm, sang nhượng trái phép, gây thiệt hại nghiêm trọng tài nguyên rừng.