Theo UBND TP. Hà Nội, việc tăng giá trông giữ phương tiện không ảnh hưởng đến người dân vì trên thực tế, người dân đang phải trả cho các đơn vị, cá nhân trông giữ xe cao gấp 1,5 đến 2 lần so với quy định của thành phố.

 Bà Nguyễn Thị  Bích Ngọc - Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội: Lập đầu mối tiếp nhận thông tin thu phí cao so với quy định
leftcenterrightdel
UBND TP cần quyết liệt và tập trung trong việc giảm ùn tắc giao thông, cần quy hoạch quỹ đất để đầu tư giao thông tĩnh và giao thông thông minh để tiến tới giảm việc sử dụng lòng đường, vỉa hè làm bãi đỗ xe. Chúng ta không đặt vấn đề tận thu và phải thu để nâng ngân sách từ việc khai thác vỉa hè, lòng đường nhưng phải đảm bảo minh bạch, công khai, có biện pháp quản lý chặt để lợi nhuận không rơi vào tay người làm sai. Quản  lý, giám sát các địa điểm trông giữ xe theo quy định, đảm bảo việc thu phí phải đúng theo giá quy định, không nâng giá. Cần có biện pháp mạnh để xử phạt những cá nhân, tổ chức không được cấp phép nhưng vẫn khai thác các bến, bãi gửi xe. Đặc biệt, cần có các kênh thông tin, tuyên truyền, đầu mối liên lạc để tiếp thu kịp thời những ý kiến của người dân phản ánh về việc bị thu phí với mức cao so với quy định.

Hiện nay, TP. Hà Nội có trên 500.000 ôtô, hơn 2 triệu xe máy, chưa tính xe ngoại tỉnh lưu thông, thành phố mới chỉ đáp ứng 10 - 12% nhu cầu trông giữ xe. Tổng số điểm trông giữ xe dưới lòng đường, vỉa hè được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) và các quận cấp phép là 653 điểm, số diện tích sử dụng là 124.900m2. Trong đó, có 403 điểm trông xe có thu phí và 250 điểm không thu phí. Số điểm Sở GTVT cấp phép là 237 điểm (chủ yếu là lòng đường), các quận cấp phép 416 điểm (chủ yếu là vỉa hè). Sở GTVT Hà Nội cho biết, năm 2016, tổng số phí từ hoạt động trông giữ xe trên địa bàn được các đơn vị nộp vào ngân sách nhà nước là 38,7 tỷ đồng; năm 2015 là 40,6 tỷ đồng; riêng 9 tháng đầu năm 2017 là 28,8 tỷ đồng. Với phương án tăng phí cao nhất gấp 3 lần và thu theo hình thức m2, từ số điểm và diện tích trên, Sở GTVT đưa ra phương án thu cho năm 2018 là 113,4 tỷ đồng.
 
Theo Đồ án quy hoạch giao thông – vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016, quy hoạch bãi đỗ xe theo định hướng trong khu vực từ vành đai 3 trở vào có tổng số 416 bãi đỗ xe, với tổng diện tích đỗ xe dự kiến khoảng 346,60 ha. Đến nay đã có 88 dự án bến, bãi đỗ xe được duyệt nhưng số dự án triển khai hoàn thành là 20/88 dự án và 16/88 đang triển khai thi công (còn lại 52 dự án chưa triển khai thực hiện đầu tư). Sở GTVT Hà Nội đã khảo sát các vị trí có đủ điều kiện để cấp phép trông giữ phương tiện với khoảng 1.500 điểm.
 
Mục đích của đề xuất là nhằm góp phần hạn chế phương tiện cá nhân; giảm vi phạm của các tổ chức trông giữ xe, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; tăng thu cho ngân sách nhà nước (thông qua phí, thuế...); tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các bãi đỗ xe cao tầng, bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe hiện đại.... Tăng cường công tác quản lý việc sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè làm điểm trông giữ xe công khai, minh bạch đáp ứng nhu cầu của người dân. Từng bước hạn chế việc sử dụng lòng đường, vỉa hè tham gia giao thông. Giá dịch vụ trông giữ xe được điều chỉnh nhằm thực hiện một trong những giải pháp tại Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn năm 2017-2020, tầm nhìn năm 2030” đã được HĐND TP thông qua.

 Ông Hoàng Huy Được - Tổ đại biểu huyện Ba Vì: Có nên dùng vỉa hè để đỗ xe?
leftcenterrightdel
Tôi tiếp cận vấn đề với ý kiến, đường cho người đi xe và vỉa hè cho người đi bộ, người đi bộ đã có đủ vỉa hè để đi chưa trong khi chúng ta lại tận dụng vỉa hè để làm điểm trông giữ xe? Khi nâng mức phí cao lên, hệ lụy đằng sau đó gắn kết với việc tăng phí giữ xe ô tô, xe máy thì ai là người được hưởng lợi? Thành phố sẽ thu được bao nhiêu tiền từ việc tăng phí thu được từ vỉa hè lòng đường? Trong những ngày gần đây, dư luận rất bức xúc về việc đấu thầu các dự án nâng cấp vỉa hè trong thành phố, số tiền bỏ ra để nâng cấp vỉa hè đường phố là rất nhiều. Việc tăng thu phí để thu ngân sách, tái đầu tư, tuy nhiên vấn đề làm sao để minh bạch. Có nên đặt vấn đề đấu giá công khai việc khai thác vỉa hè, lòng đường để minh bạch giá phí khai thác lòng đường, vỉa hè. Tuy nhiên, còn mức phí liên quan đến các bãi gửi xe từ khu đất của các HTX, khu đất nông nghiệp được xây dựng tự phát do quá trình đô thị hóa sẽ được điều chỉnh như thế nào? Có thể dẫn đến hệ lụy những điểm giữ xe này cũng sẽ đồng loạt nâng mức giá lên, thiệt hại sẽ thuộc về người dân.

Phương thức thu phí được tính: với các hình thức phương tiện chưa ứng dụng công nghệ, sẽ áp dụng thu phí tính trên m2 vỉa hè, với các phương tiện ứng dụng công nghệ sẽ sử dụng mức thu tính theo % doanh thu. Theo UBND TP. Hà Nội, việc tăng giá trông giữ phương tiện không ảnh hưởng đến người dân vì trên thực tế, người dân đang phải trả cho các đơn vị, cá nhân trông giữ xe cao gấp 1,5 đến 2 lần so với quy định của thành phố. Mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố đối với trông giữ phương tiện tại các quận nội thành cũng được đề xuất tăng cao, thực hiện đồng thời với việc tăng giá dịch vụ trông giữ phương tiện. Cụ thể, mức giá trông giữ xe mới sẽ tiệm cận với giá thực tế mà đa số thị trường chấp nhận (cao hơn tối đa là 2 lần mức đang quy định) và mức giá cao nhất tại các tuyến phố thuộc khu vực lõi cao nhất, trải rộng ra đến các tuyến khác của quận Hoàn Kiếm, khu vực vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3 có mức giá giảm dần. Mức giá dịch vụ trông giữ ngoài khu vực vành đai 3 giữ nguyên so với mức đang thực hiện. Theo đó, giá trông giữ xe máy sẽ tăng lên mức 3.000 - 5.000 đồng/xe/lượt, ô tô tăng từ 30.000 - 50.000 đồng/xe/lượt. Tại một số khu vực, mức giá trông xe tháng sẽ tăng từ 1,7 triệu đồng lên 2,6 triệu đồng/ô tô/tháng.

 Ông Nguyễn Hoài Nam - Tổ đại biểu huyện Thạch Thất: Cần khuyến khích đầu tư điểm giao thông tĩnh, điểm đỗ xe thông minh 
leftcenterrightdel

Có một thực tế hiện nay, khi chúng ta để mức phí thấp, nhưng người dân vẫn phải trả một mức phí cao cho dịch vụ trông giữ xe. Doanh nghiệp khai thác bãi đỗ xe trên địa bàn trung tâm của thành phố thu rất lớn nhưng đóng mức thuế, phí cho Nhà nước lại thấp. Rõ ràng, người được hưởng lợi là những người hoạt động khai thác bến, bãi xe trái phép, người dân thì mất tiền, còn Nhà nước bị thất thu. Để điều tiết được việc thu phí điểm trông giữ xe hợp lí, công bằng, thành phố cần phải điều tiết quy hoạch lại các điểm giao thông tĩnh, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư giao thông tĩnh và điểm đỗ xe thông minh. Dứt khoát chấn chỉnh những sai phạm của các điểm đỗ xe trái phép và việc khai thác vỉa hè, lòng đường vi phạm pháp luật. 

Cùng với việc tăng phí, UBND TP cũng đồng thời thực hiện các biện pháp hành chính, kinh tế khác để tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc sử dụng lòng đường, hè phố để trông giữ phương tiện.

 
Trần Tâm