Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, được sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo); sự vào cuộc và quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, củng cố niềm tin của nhân dân, góp phần vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngành KSND đã nỗ lực, tích cực vượt qua khó khăn, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm tham nhũng, chức vụ, kinh tế đóng góp quan trọng vào kết quả chung.
Tuy nhiên, trước diễn biến của tội phạm tham nhũng, chức vụ, kinh tế xảy ra trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, với những thủ đoạn phạm tội mới, có tính chất phức tạp, quy mô lớn, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, để đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình mới, Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu:
1. Lãnh đạo VKS các cấp tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, quy định của pháp luật, nhất là các chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo nguyên tắc rõ đến đâu xử lý đến đó, xử lý nghiêm minh nhưng đảm bảo nhân văn, thuyết phục trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Xác định công tác giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, chức vụ, kinh tế là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của toàn Ngành. Quá trình tham mưu cho Ban Chỉ đạo trong chỉ đạo giải quyết các vụ án, vụ việc, lãnh đạo VKS các cấp phải nghiên cứu, nắm chắc những nguyên tắc, vấn đề cốt lõi của pháp luật và quan điểm chỉ đạo của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ, thể hiện rõ năng lực, ý thức, bản lĩnh chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp.
|
|
Quang cảnh xét xử một vụ án hình sự. (Ảnh minh hoạ) |
2. Viện trưởng VKS các cấp phải trách nhiệm, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, bản lĩnh, dám đấu tranh với cái sai, bảo vệ cái đúng trên cơ sở các nguyên tắc và quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chịu trách nhiệm về bảo mật thông tin, tài liệu, bí mật công tác; lựa chọn, phân công Kiểm sát viên có năng lực, kiến thức, kinh nghiệm, trách nhiệm, bản lĩnh để giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, chức vụ, kinh tế; trực tiếp chỉ đạo nghiệp vụ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, định hướng cho Kiểm sát viên nhằm bảo đảm giải quyết vụ án có căn cứ, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; bảo đảm các nguyên tắc của pháp luật hình sự, chú trọng nguyên tắc suy đoán vô tội, trọng chứng hơn trọng cung, kịp thời chuyển hóa chứng cứ nhất là chứng cứ là lời khai; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, có quan điểm đề xuất Ban Chỉ đạo phân hóa, xử lý các đối tượng liên quan trong vụ án theo nguyên tắc nghiêm trị kẻ chủ mưu, cầm đầu; khoan hồng với diện đối tượng phụ thuộc, phải chấp hành, không bàn bạc, không có động cơ vụ lợi, ăn năn, hối cải, tích cực hợp tác trong quá trình giải quyết vụ án, khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại. Đánh giá chứng cứ thận trọng, khách quan, đúng tính chất, mức độ; xác định rõ mục tiêu cần chứng minh trong tổng thể vụ án, dự báo các tình huống để tổ chức thực hiện các biện pháp nghiệp vụ phù hợp, bảo đảm các yêu cầu chính trị - pháp luật - nghiệp vụ trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, chức vụ, kinh tế.
Có biện pháp nâng cao chất lượng Bản Cáo trạng, Bản luận tội, chuẩn bị và thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa; tập trung thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án, vụ việc tham nhũng, chức vụ, kinh tế; trong quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc phải chú ý tổng hợp các vi phạm để ban hành kiến nghị phòng ngừa, kiến nghị khắc phục vi phạm và thông báo rút kinh nghiệm.
3. Viện trưởng, Thủ trưởng các đơn vị kiểm sát các cấp phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực “phải chống tham nhũng ngay trong các cơ quan làm công tác phòng, chống tham nhũng”, chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, chức vụ, kinh tế tại đơn vị mình. Tăng cường thanh tra, kiểm tra nghiệp vụ đối với cán bộ, Kiểm sát viên trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, chức vụ, kinh tế; phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm; kịp thời động viên, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giải quyết án, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
4. VKS các cấp chủ động phối hợp với cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để nắm bắt thông tin vi phạm, tội phạm; yêu cầu chuyển ngay hồ sơ vụ việc khi xác định có dấu hiệu tội phạm để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật. Phối hợp chặt chẽ, xuyên suốt với Cơ quan điều tra và các cơ quan khác có liên quan trong quá trình phát hiện, thụ lý nguồn tin, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ án, vụ việc tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Bảo đảm thời hạn giải quyết vụ án, vụ việc theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và chú ý áp dụng các biện pháp tố tụng luật cho phép để đảm bảo thời hạn điều tra, phục vụ yêu cầu chứng minh tội phạm và yêu cầu của Ban Chỉ đạo.
Quá trình giải quyết vụ án, vụ việc có khó khăn, vướng mắc phải kịp thời báo cáo, thỉnh thị VKS cấp trên để được hướng dẫn kịp thời. Chấp hành nghiêm chế độ báo cáo đối với vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, các vụ án, vụ việc có người thực hiện hành vi phạm tội là cán bộ, đảng viên theo quy định của Đảng và quy chế về chế độ thông tin, báo cáo, quản lý công tác trong ngành KSND.
5. Vụ Tổ chức cán bộ, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ (Vụ 5) và Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3), VKSND tối cao thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên sâu trong toàn Ngành về kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết nguồn tin tội phạm, giải quyết các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế; vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
6. Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Vụ 14), VKSND tối cao tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Vụ 5, Vụ 3 thuộc VKSND tối cao và các đơn vị có liên quan chủ động phát hiện, tổng hợp những bất cập, sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện thể chế, đặc biệt là trong kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, như: Đấu thầu, đấu giá, quản lý đất đai, quản lý tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thu chi tài chính, chứng khoán, trái phiếu...
7. Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự nghiên cứu, tham mưu mở rộng thoả thuận, hợp tác quốc tế; tăng cường đàm phán, ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với các quốc gia, tạo thuận lợi trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, chức vụ, kinh tế và thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt có yếu tố nước ngoài.
8. Báo Bảo vệ pháp luật, Tạp chí Kiểm sát và các trang tin điện tử trong Ngành tăng cường thông tin, tuyên truyền về vai trò, kết quả hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế theo quy định của Ngành.
Thủ trưởng các đơn vị, Viện trưởng VKS các cấp chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị này. Giao Vụ 5, VKSND tối cao chủ trì, phối hợp với Thanh tra, Văn phòng VKSND tối cao theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị.