Theo kết luận thanh tra, tại Thừa Thiên - Huế có 11 dự án du lịch sai phạm bị Thanh tra Chính phủ điểm tên, cụ thể: Dự án Khu nghỉ dưỡng Bãi Chuối Việt Nam; Dự án Đầu tư khu nghỉ dưỡng Nama (Nama Resort); Dự án Khu nghỉ mát Lăng Cô; Dự án Khu quần thể sân golf và các dịch vụ đi kèm; Dự án Khu nghỉ dưỡng Huyền thoại Địa Trung Hải; Dự án Laguna Việt Nam; Dự án Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng Vinconstec; Dự án Khu du lịch quốc tế Thuận Phong; Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, sân Golf Lăng Cổ; Dự án Khu du lịch sinh thái đầm Lập An và Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp Trung tâm thương mại và khách sạn số 50A Hùng Vương.
|
|
Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án Khu nghỉ dưỡng Bãi Chuối Việt Nam. |
Tại dự án Khu nghỉ dưỡng Bãi Chuối Việt Nam, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 27/3/2008 cho đến nay, nhà đầu tư chưa thực hiện một nội dung nào để triển khai thực hiện. Dự án đủ điều kiện để chấm dứt đầu tư theo quy định của pháp luật. Từ năm 2017, dự án này nằm trong danh mục 29 dự án cần giám sát đặc biệt theo Nghị quyết số 08/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trên cơ sở kết quả thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chấm dứt hoạt động của dự án Khu nghỉ dưỡng Bãi Chuối Việt Nam theo quy định của pháp luật, thu hồi chứng nhận đầu tư, quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án này.
Đối với dự án Đầu tư khu nghỉ dưỡng Nama (Nama Resort), kết luận thanh tra nêu rõ: Việc thực hiện góp vốn điều lệ của các cổ đông không đúng thời hạn theo yêu cầu tại Quyết định số 2773/QĐ-UBND ngày 30/11/2015 của UBND tỉnh, không đúng thời hạn quy định tại Điều 48 Luật doanh nghiệp 2014.
Thời điểm năm 2013, nhà đầu tư dự án Khu nghỉ dưỡng Nama là Công ty CP Du lịch Hương Giang nhưng sau đó không thể thực hiện. Năm 2016, UBND tỉnh có văn bản đồng ý nguyên tắc cho tiếp tục thực hiện dự án, giao Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Huế hướng dẫn Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Kinh Thành thực hiện các thủ tục cần thiết để chuyển tiếp dự án theo quy định. Dự án này nằm trong khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, dự án vẫn chưa được khởi công, bị chậm tiến độ so với yêu cầu tại quyết định chủ trương đầu tư điều chỉnh tháng 6/2017.
Tại dự án Khu nghỉ mát Lăng Cô, kết quả thanh tra cho thấy, nhà đầu tư chưa nộp 181,095 triệu đồng tiền sử dụng đất kỳ 2 năm 2018, trong khi đó, thời hạn nộp chậm nhất là ngày 31/10/2018. Thời điểm thanh tra, giai đoạn II của dự án chưa hoàn thành theo tiến độ (19/29 căn biệt thự chưa được thực hiện đầu tư xây dựng, tổng mức đầu tư thực hiện của dự án mới đạt khoảng 82/150 tỷ đồng); Giấy chứng nhận đầu tư chưa được điều chỉnh theo phương án tổng mặt bằng được phê duyệt năm 2013.
Đối với dự án Khu quần thể sân golf và các dịch vụ đi kèm, kết quả thanh tra cũng cho thấy, công tác kiểm đếm, phê duyệt thanh toán đền bù GPMB triển khai chậm và kéo dài gần 4 năm, đồng thời do nhiều lần phải tiến hành làm lại các thủ tục thay đổi điều chỉnh thiết kế, nhất là phê duyệt lại quy hoạch 1/500, do đó tiến độ thực hiện không đảm bảo đúng cam kết, phải xin điều chỉnh gia hạn tiến độ. Thời điểm thanh tra, dự án đang bị chậm tiến độ.
Còn với dự án Khu nghỉ dưỡng Huyền thoại Địa Trung Hải, theo kết luận thanh tra, nhà đầu tư chưa thực hiện nộp đầy đủ và nộp đúng hạn số tiền ký quỹ theo cam kết đầu tư với Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (nộp 3,3 tỷ đồng/8 tỷ đồng). Việc xác định 20.638 m2 đất biệt thự kinh doanh bất động sản du lịch là loại đất ở trong giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 3 ngày 1/6/2017 là chưa đúng quy định về phân loại đất theo Luật Đất đai năm 2013.
|
|
Thanh tra Chính phủ kiến nghị xác định lại số tiền thuê đất Chủ đầu tư Dự án Laguna Việt Nam phải nộp sau khi điều chỉnh thời gian miễn nộp tiền thuê đất từ 15 năm xuống còn 11 năm. |
Đối với dự án Laguna Việt Nam, kết luận thanh tra cho thấy, trong giấy chứng nhận đầu tư (thay đổi lần 5) có mục tiêu xây dựng biệt thự - căn hộ kinh doanh bất động sản du lịch (loại đất ở) với diện tích 60 hecta, thời hạn hoạt động 70 năm kể từ ngày ký hợp đồng thuê đất. Cơ quan thanh tra kết luận, việc xác định này là chưa đúng quy định về phân loại đất theo Luật Đất đai năm 2013.
Bên cạnh đó, sau khi điều chỉnh thời gian miễn nộp tiền thuê đất từ 15 năm xuống còn 11 năm (theo giấy chứng nhận đầu tư thay đổi lần 11, tháng 5/2018), Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh chưa tính toán, xác định lại số tiền thuê đất nhà đầu tư phải nộp sau khi điều chỉnh.
Tại dự án Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng Vinconstec, thời điểm thanh tra, nhà đầu tư đã hoàn thành xong tất cả các điều chỉnh quy hoạch theo góp ý của các Sở, ngành với quy mô khoảng 27 hecta, nhưng hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chưa được Sở Xây dựng tiếp nhận.
Theo báo cáo của UBND huyện Phú Vang thì nhà đầu tư mới ứng trước 3.486,715 triệu đồng để thực hiện bồi thường, chưa chuyển 14.360 triệu đồng; tiến độ thực hiện dự án chậm 8 tháng so với tiến độ tại giấy chứng nhận đầu tư; công tác GPMB chưa thực hiện xong; việc điều chỉnh chủ trương đầu tư giảm diện tích sử dụng đất từ 72,09 hecta xuống còn 30,4 ha chưa được thực hiện xong; quy hoạch chi tiết 1/500 chưa được thẩm định phê duyệt lại...
Nguyên nhân dự án chậm tiến độ được xác định là gặp nhiều khó khăn về cơ chế tài chính, thủ tục về đất đai, thay đổi quy hoạch chi tiết, bồi thường, giải phóng mặt bằng; Nhà đầu tư chưa tập trung hết nguồn lực tài chính để thực hiện dự án, khối lượng thực hiện chưa nhiều; UBND tỉnh đã chấp thuận cho nhà đầu tư điều chỉnh quy hoạch dự án, tuy nhiên thủ tục điều chỉnh cục bộ kéo dài, chưa thống nhất, việc thẩm định quy hoạch điều chỉnh bị tạm dừng.
|
|
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ dự án Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng Vinconstec chậm tiến độ nhiều năm. |
Đối với dự án Khu du lịch quốc tế Thuận Phong, theo kết luận thanh tra, nhà đầu tư được Ban Quản lý khu Kinh tế Công nghiệp tỉnh và UBND tỉnh giãn tiến độ hoàn thành dự án 2 lần, với tổng thời gian 48 tháng, vượt thời gian được giãn tiến độ quy định tại khoản 3 Điều 46 Luật Đầu tư năm 2014.
Thời điểm thanh tra, các thủ tục chuẩn bị đầu tư của dự án vẫn đang được thực hiện. Nhà đầu tư vẫn chưa tiến hành khởi công theo yêu cầu tiến độ thực hiện dự án đã được UBND tỉnh giãn tiến độ lần thứ hai. Dự án này nằm trong danh mục 29 dự án cần giám sát đặc biệt theo nghị quyết của HĐND tỉnh năm 2017. Ngày 1/10/2018, Ban Quản lý khu Kinh tế Công nghiệp tỉnh ban hành quyết định chấm dứt hoạt động dự án.
Đối với dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf Lăng Cô, sau thời gian được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, điều chỉnh lần 2 vào tháng 11/2010, với tổng diện tích sử dụng đất 292 hecta, do vướng mắc trong việc sân golf chưa được bổ sung vào quy hoạch nên công tác GPMB chưa được triển khai. Năm 2017, UBND huyện Phú Lộc đã ban hành các thông báo thu hồi đất để thực hiện dự án, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại 4 đợt, tổng diện tích đất quyết định thu hồi 53,24 ha, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư 26,1 hecta. Thời điểm thanh tra, dự án chưa được khởi công, chậm tiến độ khởi công theo giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 3 là 14 tháng.
Nguyên nhân dự án chậm tiến độ được xác định chủ yếu là do vướng mắc trong công tác GPMB. Cùng với đó là, quy hoạch chi tiết xây dựng dự án được nhà đầu tư trình thẩm định từ tháng 7/2018 nhưng chưa được cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên – Huế tiếp nhận để thẩm định.
Đối với dự án Khu du lịch sinh thái đầm Lập An, theo kết luận thanh tra, sau 24 tháng, kể từ thời điểm có quyết định chủ trương đầu tư (ngày 3/8/2016), nhà đầu tư không thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư; không thực hiện giãn tiến độ đầu tư theo quy định. Ngày 13/9/2018, nhà đầu tư đã nộp hồ sơ xin chấm dứt hoạt động dự án. UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế công nghiệp tỉnh ban hành thông báo về việc chấm dứt hoạt động dự án.
Đối với dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp Trung tâm thương mại và khách sạn tại số 50A Hùng Vương, TP Huế. Theo kết luận thanh tra, việc thay đổi quy hoạch (tăng số tầng từ 15 tầng lên 39 tầng, chiều cao tăng từ 70m lên 160m, hệ số sử dụng đất tăng từ 6,0 lần lên 10,2 lần), theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư số 76/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 của Bộ Tài chính thì phải xác định và nộp bổ sung tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, việc xác định lại tiền sử dụng đất chưa được thực hiện.