Sáng nay, 17-10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến vào Báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.
Hơn 2.100 kiến nghị cử tri gửi đã được giải quyết
Theo báo cáo do Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày, thông qua 1.423 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 5, 63 Đoàn ĐBQH đã tổng hợp được 2.114 kiến nghị của cử tri. Trong đó, có 60 kiến nghị liên quan đến các hoạt động của Quốc hội (chiếm 2,8%); 2.004 kiến nghị liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ, bộ, ngành (chiếm 95,5%); 35 kiến nghị liên quan đến công tác của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân (chiếm 1,7%).
|
|
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên họp |
Toàn bộ các kiến nghị này đã được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, đến nay đều được xem xét, giải quyết, trả lời và có văn bản gửi tới Đoàn ĐBQH, nơi cử tri kiến nghị (đạt 100%).
Về 2.004 kiến nghị của Chính phủ, các bộ, ngành, nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống, kinh tế xã hội, trong đó nổi lên một số vấn đề cử tri nhiều địa phương kiến nghị như: Về giáo dục đào tạo, về giải quyết việc làm và an sinh xã hội, về nông nghiệp, nông thôn, về cải cách thủ tục hành chính, tinh giản biên chế, cải cách chế độ tiền lương...
Về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ đã cung cấp nhiều thông tin cho cử tri về công tác đấu tranh ngăn chặn thế lực thù địch xâm phạm chủ quyền biển đảo, bảo vệ ngư dân; các quy định của pháp luật về thực hiện nghĩa vụ quân sự; công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm; xử lý các “điểm nóng”, phức tạp về an ninh trật tự, tội phạm về ma túy; quy định về việc công khai, minh bạch thu nhập, tài sản của cán bộ, công chức; thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm...
Rà soát các kiến nghị từ đầu kỳ nhiệm kỳ tới nay, trên phạm vi toàn quốc đã tiếp nhận tổng số 9.991 kiến nghị của cử tri. Là khối tiếp nhận nhiều kiến nghị của cử tri nhất (chiếm 94,04%), Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm, chỉ đạo các Bộ trưởng, Trưởng ngành nỗ lực giải quyết. Việc giải quyết kiến nghị của cử tri có nhiều chuyển biến rất rõ nét qua từng kỳ họp, chất lượng và số lượng giải quyết, trả lời kiến nghị của cử cũng tăng rõ rệt, đặc biệt có 1.878 kiến nghị được giải quyết xong, đạt tỷ lệ 18,79% (cao nhất trong vòng 15 năm và cao gấp 1,5 lần nhiệm kỳ trước).
|
|
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải |
Trước nhiều vấn đề mà cử tri các địa phương kiến nghị như gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư vào địa phương; chi phí vận chuyển, logistic quá cao; quá nhiều thủ tục hành chính khi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh; công chức thực thi công vụ có thái độ cửa quyền, hách dịch, đòi “hối lộ”, “lót tay”,... Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ đã tích cực tổ chức nhiều Hội nghị xúc tiến đầu tư tại nhiều địa phương; Thủ tướng đã trực tiếp gặp gỡ, đối thoại lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nông dân, công nhân, doanh nghiệp,...; thành lập Tổ công tác kiểm tra về thực thi công vụ tại các bộ, ngành, địa phương; kiểm tra về cắt giảm điều kiện kinh doanh tại nhiều bộ, ngành,...
Sự nỗ lực cao của Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ trưởng, Trưởng ngành trong giải quyết kiến nghị của cử tri đã góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thông thoáng hơn trong sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng cao mức độ hài lòng của người dân, góp phần tích cực vào kết quả chung của tăng trưởng kinh tế thời gian qua, được cử tri ghi nhận, ước cả năm GDP tăng 6,7%...
Tiêu cực trong giáo dục tiếp tục gây bức xúc xã hội
Bên cạnh đó, báo cáo của Ban Dân nguyện cũng chỉ ra một số tồn tại: Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án lớn đạt nhiều kết quả quan trọng được cử tri và Nhân dân cả nước ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, nạn tham nhũng vặt, hối lộ, lót tay, phải chi trả những khoản kinh phí ngoài quy định khi người dân thực hiện một số thủ tục hành chính (làm chứng minh thư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bị phạt vi phạm khi tham gia giao thông...) ngày càng có những biểu hiện tinh vi, biến tướng, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng tới đời sống của người dân.
“Những biểu hiện tiêu cực này người dân thường bắt gặp và đối diện hàng ngày nhưng lại chỉ được phát hiện thông qua phản ánh, tố giác của người dân hoặc qua báo chí mà không được phát hiện thông qua công tác đấu tranh nội bộ, công tác tự phê bình và phê bình của cán bộ, công chức” – bà Hải nêu.
Một số vấn đề mà cử tri phản ánh thuộc lĩnh vực giáo dục còn chưa được giải quyết thấu đáo nên cử tri tiếp tục có kiến nghị. Vấn đề dạy thêm, học thêm, lạm thu đầu năm học, bạo lực học đường, sử dụng lãng phí sách giáo khoa,... là những vấn đề được cử tri phản ánh hầu hết ở các đợt tiếp xúc cử tri từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ GD &ĐT đã tiếp thu, tìm nhiều biện pháp để tháo gỡ nhưng chưa hiệu quả.
Những hiện tượng tiêu cực nêu trên ngày càng xuất hiện nhiều biến tướng, tinh vi, tiếp tục gây bức xúc trong xã hội (như yêu cầu phụ huynh “tự nguyện” viết đơn xin học thêm cho con; bớt xén kiến thức dạy trên lớp để “ép” học sinh phải học thêm; giao “chỉ tiêu, định mức” thu quỹ cho Hội cha mẹ học sinh, Giáo viên Chủ nhiệm; “ép” học sinh mua sách tham khảo để hưởng chiết khấu...).
Đặc biệt, những sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm học 2017 – 2018 vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kỳ thi, tính khách quan, minh bạch, đặc biệt là sự công bằng giữa các thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia, cần khẩn trương tổng kết, đánh giá, xử lý vi phạm tạo niềm tin trong cử tri và nhân dân cả nước.
Theo Quỳnh Vinh/ CAND