Tự phát hiện tham nhũng còn hạn chế và yếu

Tại phiên làm việc này, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, số người đã kê khai tài sản, công khai tài sản, thu nhập đạt tỉ lệ 99,8%. Trong 44 người được xác minh tài sản, thu nhập, đã phát hiện 6 trường hợp vi phạm. Cùng với đó, cả nước đã có 24 trường hợp nộp lại quà tặng, với tổng giá trị 421 triệu đồng. Trong năm 2018, có 29 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, ở một số bộ, ngành, địa phương còn tình trạng bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực; bố trí người thân vào vị trí việc làm hoặc để người thân kinh doanh trong phạm vi quản lý, vi phạm quy định pháp luật về PCTN. Chưa có quy định và thiếu kiên quyết điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp.

Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, tặng quà, nhận quà còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Một số nơi, người đứng đầu chưa quan tâm thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch, cung cấp thông tin trong hoạt động các cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ.

Mặt khác, tình trạng tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả. Việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém. Hoạt động thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm kinh tế nhưng việc phát hiện tham nhũng để chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định pháp luật vẫn còn ít, chậm trễ. 

Kiên quyết loại bỏ những cán bộ hư hỏng, tham nhũng

Dự báo thời gian tới, với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của các cấp, ngành, tham nhũng từng bước được kiềm chế và thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước trong công tác PCTN.

Để công tác PCTN hiệu quả hơn, tiếp tục ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, năm 2019, Chính phủ tiếp tục xác định PCTN là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh phiên họp  

Cụ thể, như đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc; kiên quyết loại bỏ những cán bộ hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước, trước hết là trong các cơ quan PCTN.

Cùng với đó, tập trung khắc phục bằng được những yếu kém trong công tác cán bộ; kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm; tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các dự án đầu tư lớn của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước; quản lý sử dụng đất đai… Khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm đối với các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm…

Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát đối với công tác PCTN, nhất là giám sát hoạt động của các cơ quan có chức năng PCTN; xem xét, thông qua Luật PCTN sửa đổi…

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề nghị TAND tối cao, Viện KSND tối cao, các cơ quan tố tụng tiếp tục chú trọng việc thu hồi tài sản tham nhũng thông qua hoạt động tố tụng; kịp thời áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; có biện pháp khuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ án tham nhũng, kinh tế và thống kê, theo dõi chặt chẽ kết quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng.

Kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, nhóm nghiên cứu của Uỷ ban Pháp luật cho biết, năm 2018, số lượng bản kê khai là rất lớn, nhưng chỉ xác minh đối với 44 người trên hơn 1 triệu người đã kê khai, việc xác minh chủ yếu phục vụ cho công tác cán bộ, bổ nhiệm. Trong khi đó, theo phản ánh của báo chí, cử tri cho thấy còn nhiều trường họp kê khai không trung thực, không kê khai, nhất là nhiều người không kê khai khi được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định nhưng không bị kỷ luật... 

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường đại diện nhóm nghiên cứu nhận xét “Thực trạng việc kê khai tài sản, thu nhập thời gian qua cho thấy, việc tổ chức thực hiện còn nhiều yếu kém, nhiều trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập nhưng không bị xử lý theo quy định của pháp luật”.

Cũng theo ông Cường, pháp luật hiện hành còn thiếu các biện pháp bảo đảm hiệu quả việc kê khai, nhất là các biện pháp kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn nói riêng và của toàn xã hội nói chung; việc thực hiện thanh toán qua tài khoản, thanh toán không dùng tiền mặt kết quả còn hạn chế; chưa có cơ chế kiểm soát hữu hiệu để phát hiện, xử lý đối với những trường hợp kê khai tài sản, thu nhập thiếu trung thực và chưa có cơ chế xử lý tài sản không giải trình được.

Nhóm nghiên cứu đề nghị chú trọng hoàn thiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, về trách nhiệm giải trình và việc kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, hạn chế sự tác động tiêu cực của hình thức “lợi ích nhóm”, “sân sau”.

Đức Thắng