Ngày 1/2/2024, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã họp Phiên thứ 25 để thảo luận, cho ý kiến đối với 4 nội dung, gồm: Báo cáo kiểm điểm kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo năm 2023; Chương trình công tác năm 2024; Báo cáo kết quả chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo trong năm 2023; Báo cáo kết quả kiểm tra theo Kế hoạch số 35-KH/BCĐTW, ngày 7/8/2023 của Ban Chỉ đạo; Đề án cơ chế xử lý vật chứng, tài sản liên quan đến vụ án trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Tại Phiên họp, qua thảo luận, Ban Chỉ đạo thống nhất một số nội dung quan trọng.
Các bộ, ngành, địa phương ban hành 18.240 văn bản về các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và PCTNTC
Về kết quả công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo, Thông báo nêu rõ: Năm 2023, dưới sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện của Ban Chỉ đạo; sự nỗ lực, cố gắng, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ của các cơ quan chức năng và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) cấp tỉnh; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, công tác PCTNTC tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng quyết liệt, đồng bộ, đạt được nhiều kết quả toàn diện cả ở Trung ương và địa phương, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường, củng cố thêm niềm tin của nhân dân. Nổi bật là:
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về xây dựng Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và PCTNTC tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới quan trọng. Trong năm, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành gần 50 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, PCTNTC, nhất là ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong công tác cán bộ; trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Nhiều quy định nhanh chóng phát huy hiệu quả trong thực tế.
Quốc hội đã ban hành, thông qua 18 luật, 29 nghị quyết; Chính phủ đã ban hành 126 nghị định, quyết định; các bộ, ngành, địa phương ban hành 18.240 văn bản về các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và PCTNTC. Nổi bật là, đã sửa đổi Luật Đất đai, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Đấu thầu, Luật Giá...; hoàn thiện thể chế về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung; chỉ đạo rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong 22 lĩnh vực có nhiều vướng mắc, sơ hở, bất cập; tăng cường kiểm tra việc ban hành văn bản dưới luật, nhằm phát hiện, xử lý kịp thời những sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.
Kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý
Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được tiến hành mạnh mẽ, đồng bộ; kỷ luật nghiêm minh, khuyến khích từ chức, kịp thời miễn nhiệm, thay thế cán bộ bị xử lý kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp, tạo bước đột phá mới trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Nhất là nhiều sai phạm, vụ việc phức tạp, tồn đọng từ nhiều năm trước được kiểm tra, xử lý dứt điểm. Trong năm, cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức đảng, 24.162 đảng (tăng 12% về số đảng viên bị kỷ luật so với năm 2022); trong đó thi hành kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng, 8.863 đảng viên do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó lần đầu tiên có 6 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã thi hành kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 22 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng.
Chỉ đạo kiên quyết làm rõ, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, tập thể lãnh đạo để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực, địa bàn được phân công quản lý, phụ trách; trong năm, đã cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 09 cán bộ diện Trung ương quản lý; các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác hơn 360 trường hợp sau khi bị kỷ luật, trong đó có 92 cán bộ thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy quản lý.
Kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính gần 219.000 tỉ đồng
Ngành Thanh tra, Kiểm toán tập trung thanh tra, kiểm toán những lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và các chuyên đề, vụ việc theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo; qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính gần 219.000 tỉ đồng (tăng gần gấp 3 lần so với năm 2022); kiến nghị xử lý hành chính 7.524 tập thể, 7.944 cá nhân. Các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; đã phát hiện, chuyển 660 vụ việc có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật (tăng 18% so với năm 2022).
Các cơ quan tiến hành tố tụng trên cả nước đã khởi tố 4.523 vụ, 9.373 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ
Công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt; nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt lớn, nghiêm trọng, phức tạp được khởi tố, điều tra xử lý bài bản, thận trọng, rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Trong năm, các cơ quan tiến hành tố tụng trên cả nước đã khởi tố 4.523 vụ, 9.373 bị can (tăng 46% về số vụ án so với năm 2022) về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ; trong đó, án tham nhũng khởi tố mới 899 vụ/2.446 bị can (tăng gần 2 lần về số vụ; tăng hơn 2 lần về số bị can so với năm 2022). Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đã khởi tố mới 13 vụ án/54 bị can, khởi tố bổ sung 252 bị can trong 26 vụ án; kết luận điều tra 18 vụ án/333 bị can, kết luận điều tra bổ sung 6 vụ án/60 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 20 vụ án/374 bị can, xét xử sơ thẩm 20 vụ án/271 bị cáo, xét xử phúc thẩm 15 vụ/113 bị cáo. Nhất là, đã khởi tố mới, mở rộng điều tra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, cả trong khu vực và khu vực ngoài nhà nước, cả trong lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, cả vụ việc tồn đọng, kéo dài.
Điển hình như: Vụ án xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB; các vụ án trong lĩnh vực đăng kiểm; vụ án xảy ra tại Công ty AIC và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan; vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan; vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh; vụ án xảy ra tại Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan,...; kịp thời đưa ra xét xử một số vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo, như: Vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số đơn vị liên quan; vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và một số bộ, ngành, địa phương liên quan; vụ án xảy ra tại Học viện Quân y; vụ án xảy ra tại Bộ tư lệnh Cảnh sát biển; vụ án xảy ra tại Sở Y tế Quảng Ninh, công ty AIC và các đơn vị liên quan; vụ án xảy ra tại Dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận;...
Công tác thu hồi tài sản tham nhũng; giám định, định giá tài sản; phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, xử lý nguồn tin về tội phạm tham nhũng, tiêu cực được tập trung chỉ đạo, có nhiều chuyển biến tích cực. Trong năm, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên, phong tỏa, thu hồi được nhiều tài sản trị giá hơn 234 nghìn tỉ đồng; chú trọng động viên, khuyến khích các đối tượng tự nguyện nộp lại tài sản chiếm đoạt, gây thiệt hại, có vụ thu hồi đạt 100% (như vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Tân Hoàng Minh).
|
|
Ban Nội chính Trung ương thông báo về kết quả phiên họp lần thứ 25 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (Ảnh: VGP) |
Tạo chuyển biến mới, rõ rệt trong công tác PCTNTC, khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh"
Hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả, tạo chuyển biến mới, rõ rệt trong công tác PCTNTC ở địa phương, cơ sở, khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh". Trong năm, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã quyết định đưa hơn 260 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi, chỉ đạo; chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương khởi tố mới 839 vụ án/2.276 bị can về tham nhũng (tăng gần 2 lần so với năm 2022). Nhiều địa phương đã phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng xảy ra từ nhiều năm trước; khởi tố cả cán bộ diện Trung ương và tỉnh ủy, thành ủy quản lý, trong đó có cả nguyên Bí thư Tỉnh uỷ, nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các sở, ngành, cán bộ chủ chốt cấp huyện, điển hình như: Thanh Hóa, Lào Cai, Hà Nam, Hà Giang, Quảng Ninh, Hòa Bình, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cao Bằng, Lai Châu, Yên Bái,…
Công tác PCTNTC trong các cơ quan chức năng PCTNTC tiếp tục được quan tâm. Trong năm, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý hơn 270 trường hợp cán bộ, đảng viên trong các cơ quan này có sai phạm do tham nhũng, tiêu cực, trong đó xử lý hình sự gần 140 trường hợp.
Cơ quan truyền thông, báo chí đăng tải 27.110 tin, bài về công tác PCTNTC
Công tác thông tin, tuyên truyền về PCTNTC có nhiều đổi mới; vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, báo chí, nhân dân trong công tác PCTNTC được phát huy tốt hơn. Các cơ quan truyền thông, báo chí đã xây dựng nhiều chuyên mục, diễn đàn nghiên cứu, trao đổi, phân tích chuyên sâu về công tác PCTNTC; số lượng tin, bài về công tác PCTNTC được đăng tải nhiều hơn, nhất là tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTNTC, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo. Năm 2023, các cơ quan truyền thông, báo chí đăng tải 27.110 tin, bài về công tác PCTNTC (tăng hơn 2,5 lần so với năm 2022). Qua đó, tạo sự lan tỏa lớn, đồng thuận, ủng hộ cao của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với cuộc đấu tranh PCTNTC.
Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tăng cường giám sát nhiều nội dung, chuyên đề liên quan đến công tác PCTNTC, đồng thời chú trọng giám sát các hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; quan tâm chỉ đạo xử lý, kịp thời các đơn, thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo về tham nhũng, tiêu cực.
Năm 2024: Tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra, xử lý 34 vụ án, 10 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu sau: Chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Chỉ đạo chấn chỉnh, đấu tranh với “bệnh sợ trách nhiệm”, tư tưởng làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy, sợ sai không dám làm trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Khẩn trương ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Chỉ đạo tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và PCTNTC. Trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; về bảo vệ người tố cáo, cung cấp thông tin về tham nhũng, tiêu cực; về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; về xử lý tài sản liên quan đến vụ án trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử; về thanh toán không dùng tiền mặt;… Tổng kết 5 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 và sơ kết 5 thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, đề xuất một số chủ trương, định hướng lớn về công tác PCTNTC để phục vụ xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Chỉ đạo thực hiện hiệu quả các Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong công tác cán bộ; trong hoạt động kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và trong công tác xây dựng pháp luật, quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Chỉ đạo tăng cường, đồng bộ, hiệu quả hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm. Chỉ đạo khẩn trương hoàn thành kiểm tra, thanh tra các chuyên đề, vụ việc theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, nhất là khẩn trương kết luận, xử lý dứt điểm các sai phạm liên quan đến Công ty Việt Á, Công ty AIC, tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB.
Tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra, xử lý 34 vụ án, 10 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; nhất là tập trung điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm các vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm và các trung tâm đăng kiểm địa phương; vụ án xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB; vụ án xảy ra tại tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh;... Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.
Chỉ đạo phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và nhân dân trong đấu tranh PCTNTC. Tăng cường giám sát, kiểm soát quyền lực; giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.
Chỉ đạo tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác đấu tranh PCTNTC tại địa phương, cơ sở; khắc phục có hiệu quả tệ “tham nhũng vặt”; xử lý nghiêm minh, kịp thời các sai phạm, tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan có chức năng PCTNTC.
Cũng tại Phiên họp này, Ban Chỉ đạo đã quyết định đưa 2 vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, gồm: (1) Vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Buôn lậu” xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Thái Dương, Công ty CP Đất hiếm Việt Nam và các đơn vị liên quan; (2) Vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Công thương và các địa phương; thống nhất kết thúc chỉ đạo xử lý đối với 8 vụ án, 11 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo do đã kết thúc việc giải quyết theo quy định của pháp luật.