Đề cập đến một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính (THAHC), theo Bộ Tư pháp, bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính nếu không được thực hiện nghiêm sẽ làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan nhà nước và cũng là nguyên nhân khiến công dân bức xúc, phát sinh đơn thư khiếu nại.
Tuy nhiên, thời gian qua, tỉ lệ THAHC vẫn đạt thấp (43,73%), số vụ án hành chính chưa thi hành xong tăng so với năm 2019 và những năm trước đó. Phần lớn các bản án hành chính chậm được thi hành người phải thi hành án lại chính là UBND, Chủ tịch UBND các cấp (446/467 bản án, quyết định).
Cùng với đó, còn nhiều trường hợp các cơ quan, tổ chức không tự nguyện thi hành án, dẫn đến việc Tòa án phải ra 201 quyết định buộc thi hành; cơ quan thi hành án dân sự ban hành 103 văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với những trường hợp vi phạm nghĩa vụ thi hành án, nhưng đến nay chưa có trường hợp nào bị xử lý theo quy định.
Cũng theo Bộ Tư pháp, thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác THAHC cần tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 26/CT-TTg, trong đó tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định.
Cụ thể, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân sự chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan để có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả về THAHC, nhất là đối với những vụ việc được dư luận, đại biểu Quốc hội quan tâm, phản ánh.
Đối với những vụ việc có khả năng thi hành nhưng địa phương không quyết liệt thi hành thì Bộ Tư pháp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của pháp luật.
Tổng cục Thi hành án dân sự, các cơ quan thi hành án dân sự cần thực hiện đầy đủ và hiệu quả thẩm quyền và trách nhiệm theo dõi THAHC. Đối với các vụ việc chưa thi hành do lỗi chủ quan của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước sẽ thực hiện nghiêm quyền kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị người đứng đầu UBND các cấp trong việc xử lý trách nhiệm của người phải thi hành án không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án.
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật hiện hành về THAHC, Bộ Tư pháp cần chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung, báo cáo Quốc hội sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về tố tụng hành chính nói chung trong đó có các quy định pháp luật về THAHC, khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, đầy đủ và hiệu quả cho công tác này trong thời gian tiếp theo.
Đối với cấp ủy, chính quyền địa phương, đề nghị cần đưa các vụ việc THAHC phức tạp tại địa phương vào diện lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy.
Cấp ủy, người đứng đầu UBND các cấp nhất là cấp ủy, người đứng đầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với công tác THAHC, từ đó chỉ đạo sát sao, quyết liệt việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực phát sinh trên địa bàn, nhất là các bản án, quyết định đã tồn đọng nhiều năm chưa được thi hành dứt điểm.
Chủ tịch UBND các cấp cần thực hiện nghiêm, thực hiện quyết liệt hai vai trò: Vai trò là người phải thi hành án trong các phán quyết của Tòa án và vai trò là thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án trong việc đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra và xử lý nghiêm trách nhiệm người có thẩm quyền cấp dưới không chấp hành án hành chính theo đúng quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/ NĐ-CP. Trường hợp cần thiết thì lập tổ công tác để tổng hợp, rà soát, đánh giá, lập kế hoạch, lên phương để tham mưu giải quyết dứt điểm đối với từng vụ việc cụ thể.
Cùng với đó, Bộ Tư pháp cũng đề nghị TAND tối cao chỉ đạo TAND các cấp khi tuyên án cần tuyên rõ nghĩa vụ, bảo đảm tính khả thi, đồng thời chuyển giao kịp thời, đầy đủ bản án, quyết định đã có hiệu lực thi hành đến đương sự, VKSND, cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp và cơ quan cấp trên trực tiếp của người bị kiện theo đúng quy định để kịp thời đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra việc thi hành án.
Đồng thời, Bộ này cũng đề nghị VKSND tối cao tiếp tục kiểm sát chặt chẽ việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính của các đương sự, nhất là các cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước.