Theo Thông báo, trong thời gian qua, các đơn vị trong ngành KSND tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng; tổ chức các phong trào thi đua thiết thực gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Công tác khen thưởng được quan tâm góp phần khích lệ, tạo động lực để công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành phát huy sáng kiến cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Đa số các đơn vị thực hiện đúng quy định của pháp luật và bám sát quy định, hướng dẫn của VKSND tối cao, xây dựng hồ sơ đề nghị khen thưởng bảo đảm đúng đối tượng, tiêu chuẩn, tỉ lệ và thời gian quy định phục vụ tốt công tác xét, đề nghị khen thưởng của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành KSND. Tuy nhiên còn có đơn vị chưa thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật, hướng dẫn của Ngành về công tác thi đua, khen thưởng gây khó khăn trong công tác thẩm định hồ sơ và xét duyệt của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp.
Cũng theo Thông báo, để nâng cao hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng, thông qua công tác thẩm định hồ sơ đề nghị khen thưởng của các đơn vị, VKSND tối cao thông báo rút kinh nghiệm trong toàn ngành KSND một số nội dung liên quan đến công tác này.
Cụ thể, đối với hồ sơ đề nghị Chủ tịch Nước tặng thưởng “Huân chương Lao động” có đơn vị triển khai không bảo đảm tiêu chuẩn, thiếu sáng kiến. Theo quy định, cá nhân đề nghị Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhì phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, trong đó phải có 3 sáng kiến được ứng dụng mang lại hiệu quả, có phạm vi ảnh hưởng và nêu gương trong bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương được bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương công nhận.
Đối với hồ sơ đề nghị tặng Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao tổng kết 10 năm thực hiện phong trào thi đua thực hiện cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”, theo VKSND tối cao, Điểm 3 Mục II Hướng dẫn số 35/HD-VKSTC ngày 10/11/2021 của VKSND tối cao hướng dẫn tổng kết 10 năm triển khai phong trào thi đua trên quy định “Các đơn vị ... lựa chọn trong số các tập thể, cá nhân đã được khen thưởng trong 10 năm (2012-2021) có thành tích xuất sắc, tiêu biểu nhất để đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao tặng Bằng khen...”.
Ngoài các quy định của Luật Thi đua, khen thưởng, Nghị định số 91/2017/NĐ-CP, Thông tư số 01/2020/TT-VKSTC và quy định nêu trên, cá nhân đề nghị tặng Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao tổng kết 10 năm thực hiện phong trào nêu trên phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định, đồng thời phải là cá nhân trong đơn vị đã được Viện trưởng VKSND tối cao tặng Bằng khen nhiều lần nhất trong số các cá nhân đã được tặng Bằng khen.
Bên cạnh đó, đối với việc đề nghị tặng Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao trong phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, hồ sơ đề nghị khen thưởng của một số đơn vị có nhiều tập thể và cá nhân không đạt do không có thành tích cụ thể, xuất sắc, trong phong trào thi đua không có đóng góp thiết thực sức người, sức của, địa chỉ cụ thể trong các phong trào nêu trên.
Theo quy định, tập thể, cá nhân đề nghị khen thưởng, ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phải có thành tích cụ thể, xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua góp phần đáng kể trong việc xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Những đóng góp của tập thể, cá nhân phải được người có thẩm quyền xác nhận.
Mặt khác, đối với việc đề nghị tặng Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao trong phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”, hồ sơ đề nghị khen thưởng của một số đơn vị có nhiều tập thể, cá nhân không có thành tích xuất sắc, nổi bật, báo cáo thành tích chỉ đơn thuần là công việc chuyên môn.
Ngoài các nội dung trên, Thông báo của VKSND tối cao còn đề cập đến nội dung cần rút kinh nghiệm đối với việc lập hồ sơ đề nghị xét thi đua, khen thưởng cuối năm 2021 như: Đề nghị xét, tặng Cờ thi đua của ngành KSND đối với tập thể vượt quá quy định; đề nghị Chiến sĩ thi đua cơ sở không đúng tỉ lệ, vượt quy định; đề nghị khen thưởng trùng thành tích; đề nghị khen không đúng danh hiệu thi đua…
Thêm vào đó, Thông báo của VKSND tối cao còn đề cập đến nội dung rút kinh nghiệm đối với thủ tục hồ sơ đề nghị khen thưởng; hồ sơ đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao công nhận sáng kiến ngành KSND. Theo đó, sáng kiến phải đúng về hình thức, có tính mới, không trùng với sáng kiến của người khác đã được công nhận hoặc đã được áp dụng và sáng kiến đã được áp dụng trong thực tiễn mang lại hiệu quả thiết thực.