Thời gian qua số lượng tranh chấp án dân sự nói chung trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có chiều hướng gia tăng về số lượng cũng như tính chất phức tạp, trong điều kiện các yêu cầu về chỉ tiêu nghiệp vụ ngày càng cao. Từ đó đặt ra tính cần thiết trong việc thành lập “Tổ khoa học” để hỗ trợ hoạt động kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự, hành chính mang tính chất điển hình như tranh chấp về thừa kế, tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất hoặc có yếu tố nước ngoài; hay các vụ, việc chưa thống nhất trong cách thức áp dụng pháp luật…
Tiên phong xây dựng mô hình “Tổ khoa học”
Mô hình “Tổ khoa học” được VKSND tỉnh Tiền Giang triển khai ban đầu tại Phòng kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự (Phòng 9) với tên gọi “Tổ giải quyết án”. Tại VKSND cấp huyện, điển hình là VKSND huyện Cái Bè, còn có tên gọi khác là “Tổ nghiên cứu, phản biện”.
Thành viên của Tổ gồm Lãnh đạo, Kiểm sát viên, Chuyên viên có năng lực nghiên cứu lẫn kinh nghiệm thực tiễn. Tổ có nhiệm vụ tham mưu đề xuất hướng giải quyết đối với các vụ án phức tạp, án dự kiến sẽ kháng nghị phúc thẩm hoặc đề nghị Giám đốc thẩm; thực hiện các kiến nghị, thông báo rút kinh nghiệm, báo cáo chuyên đề, trả lời thỉnh thị… để tham mưu cho Lãnh đạo đơn vị.
|
|
Lãnh đạo VKSND tỉnh Tiền Giang tham dự một hội nghị trực tuyến trong lĩnh vực dân sự |
“Tổ khoa học” không hoạt động định kỳ mà chỉ tham gia khi có các vụ, việc phức tạp phát sinh hoặc theo yêu cầu của lãnh đạo. Tổ trưởng sẽ lựa chọn vụ việc để xây dựng kế hoạch và chỉ định người đề xuất phương án giải quyết; từ đó từng thành viên cùng đưa ra các tình huống giả định phản biện, người đề xuất phải trình bày luận cứ để bảo vệ quan điểm của mình; tổ trưởng sẽ kết luận trên ý kiến đa số và trình bày quan điểm để Lãnh đạo xem xét, quyết định cuối cùng.
Theo mô hình đã nêu, nhân sự được lựa chọn luôn có sự kết hợp giữa yếu tố kinh nghiệm của những đồng chí công tác lâu năm trong lĩnh vực dân sự cùng sự nhạy bén, năng động của các Kiểm sát viên, Chuyên viên trẻ để bổ trợ cho nhau, trong đó vai trò hạt nhân của Tổ là Lãnh đạo Phòng 9 (đối với cấp tỉnh) và Lãnh đạo Viện (đối với cấp huyện).
Các thành viên được lựa chọn yêu cầu phải có năng lực nghiên cứu, phân tích, trình bày và phản biện. Ngoài ra trong từng lĩnh vực cụ thể Tổ sẽ bố trí thêm đại diện các bộ phận nghiệp vụ liên quan để có cách tiếp cận, giải quyết một cách khách quan và hiệu quả hơn.
Giúp nâng cao chất lượng giải quyết án cùng hoạt động tự đào tạo
Từ khi “Tổ khoa học” đi vào hoạt động đã hỗ trợ cho việc giải quyết các vụ, việc dân sự khó khăn, phức tạp rất kịp thời và hiệu quả. Thông qua cuộc họp, các thành viên của Tổ thảo luận đối với những nội dung chưa thống nhất về quan điểm, từ đó thành viên đóng góp ý kiến cũng như đề xuất hướng giải quyết. Với tinh thần trách nhiệm cao của các thành viên, cho đến nay hầu hết các vụ, việc đưa ra lấy ý kiến đều thống nhất được đường hướng xử lý sau các cuộc họp, từ đó giúp giải quyết các vụ án dân sự phức tạp nhanh chóng và đúng quy định.
|
|
Một phiên họp của “Tổ nghiên cứu, phản biện” VKSND huyện Cai Lậy. |
Đồng thời Tổ cũng kịp thời phát hiện ra các vi phạm trong giải quyết án dân sự của Tòa án cùng cấp để ban hành kháng nghị phúc thẩm, không để phát sinh án dân sự bị cấp phúc thẩm hủy, sửa liên quan đến trách nhiệm của Viện kiểm sát.
Điển hình như trong lĩnh vực dân sự nói chung, 5 năm vừa qua tỷ lệ ban hành kháng nghị trên và ngang cấp của VKSND tỉnh Tiền Giang đạt 187 vụ, trong đó được Tòa án chấp nhận 142/176 vụ, đạt 80,68%, vượt 10,68% so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Riêng tại VKSND huyện Cái Bè là đơn vị triển khai khá hiệu quả mô hình “Tổ nghiên cứu, phản biện” ban hành được 56 kháng nghị phúc thẩm, được Viện kiểm sát tỉnh bảo vệ thành công 52/52 vụ đã xét xử, không để phát sinh án dân sự phúc thẩm bị hủy, sửa liên quan đến trách nhiệm của Viện kiểm sát…
Tuy mô hình “Tổ khoa học” được triển khai không mới nhưng đem lại hiệu quả khá thiết thực đối với ngành Kiểm sát tỉnh Tiền Giang. Nhờ đó mà trong nhiều năm liền đơn vị luôn hoàn thành thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, liên tiếp đạt và vượt nhiều chỉ tiêu công tác trong lĩnh vực kiểm sát các vụ việc dân sự, các vụ án hành chính.
Với những kết quả đạt được ấy, thời gian qua Truyền hình Kiểm sát phối hợp xây dựng được 5 clip giới thiệu các điểm sáng trong hoạt động của VKSND tỉnh Tiền Giang để phát sóng trên toàn quốc, trong đó khắc họa được hình ảnh đẹp của cán bộ ngành Kiểm sát Tiền Giang gắn với mô hình “Tổ khoa học”.
|
|
Kiểm sát viên VKSND tỉnh Tiền Giang tham gia phiên tòa dân sự |
Bên cạnh đó mô hình được triển khai còn giúp nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ tại chỗ của các đơn vị trực thuộc. Thông qua hoạt động của Tổ, các thành viên thường xuyên có cơ hội rèn luyện kỹ năng trình bày, tranh luận và xây dựng được thói quen làm việc logic thông qua hoạt động nghiên cứu tổng hợp để phát triển tư duy phản biện. Từ đó bản lĩnh làm việc của các thành viên, nhất là cán bộ trẻ, ngày càng được rèn luyện và trưởng thành. Nhờ tham gia “Tổ khoa học”, các đồng chí cán bộ, Kiểm sát viên xây dựng được niềm tin nội tâm vững vàng nhưng không chủ quan, thận trọng nhưng không bảo thủ trong thực thi nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Cũng thông qua việc đào tạo đánh giá năng lực cán bộ, công chức tham gia “Tổ khoa học”, Lãnh đạo đơn vị dễ dàng phân công công tác phù hợp với năng lực sở trường của từng cá nhân và giúp tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trong tương lai. Thực tế thì tại VKSND tỉnh Tiền Giang, phần lớn những thành viên “Tổ khoa học” qua thời gian phấn đấu trưởng thành đều được quy hoạch các vị trí lãnh đạo, quản lý tại các đơn vị.
Với việc vận hành đã đem lại nhiều hiệu quả, trong thời gian tới VKSND tỉnh Tiền Giang tiếp tục phát huy và hoàn thiện mô hình “Tổ khoa học” theo hướng luân chuyển, bổ sung cán bộ tham gia hoạt động của Tổ để nâng cao năng lực chuyên môn. Trong đó tập trung chuẩn hóa hoạt động của “Tổ khoa học” và “Tổ nghiên cứu, phản biện” thành một mô hình chung, hoạt động thường xuyên và áp dụng thống nhất cho cả 2 cấp kiểm sát; đồng thời chú trọng xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên, chuyên viên trẻ tham gia nhiều hơn hoạt động của “Tổ khoa học” nhằm tạo nguồn phát triển cán bộ trong tương lai./.