VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phối hợp với TAND cùng cấp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến có trình chiếu tài liệu, chứng cứ được số hóa. Phiên tòa được theo dõi qua các điểm cầu tại VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế và 9 VKSND các huyện, thị xã, thành phố.

Vụ án được đưa ra xét xử tại phiên tòa rút kinh nghiệm là vụ Hồ Văn Phương bị truy tố về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” được quy định tại điểm h, khoản 4, Điều 249 BLHS. Tại phiên tòa, KSV đã thực hiện tốt nhiệm vụ THQCT và KSXX, nhất là thái độ ứng xử và tích cực xét hỏi, tranh luận đối đáp với Luật sư và bị cáo. Quá trình xét hỏi của HĐXX và KSV, bị cáo quanh co chối tội.

leftcenterrightdel
KSV đại diện VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế THQCT, kiểm sát xét xử tại phiên tòa. 

Cả bị cáo và Luật sư bào chữa cho bị cáo đều cho rằng bị cáo không có hành phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy đối với số lượng ma túy thu giữ trong túi ni lông có trọng lượng 4,929 gam ma túy, loại Methaphetamine. Luật sư còn đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung do có một số chứng cứ liên quan đến bị cáo chưa được làm rõ. Luật sư cho rằng đại diện VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị không cho bị cáo áp dụng các tình tiết giảm nhẹ do thành khẩn khai báo là chưa chính xác, đồng thời đề nghị HĐXX cho bị cáo áp dụng tình tiết giảm nhẹ do bị cáo là người có trình độ học vấn thấp, sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn được quy định tại khoản 2, Điều 51 BLHS 2015.

KSV đã có sự nghiên cứu chặt chẽ, chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ để phục vụ cho việc xét hỏi và tranh luận đối đáp với Luật sư và bị cáo nên khi bị cáo chối tội và Luật sư có tranh luận với bản luận tội thì KSV đã phân tích, lập luận, đưa ra các chứng cứ, tài liệu đã thu thập (bản cung, bản tự khai của bị can, hiện trường, dữ liệu thu giữ từ điện thoại, lời khai người liên quan…). Bên cạnh đó KSV cũng cho trình chiếu những tài liệu, chứng cứ này cho HĐXX, bị cáo và Luật sư xem để khẳng định việc truy tố bị cáo là đúng tội, đúng người, đúng pháp luật.

Kết quả, HĐXX chấp nhận những quan điểm đề nghị của KSV, các đề nghị của Luật sư bào chữa cho bị cáo không được chấp nhận. Điều đó cho thấy, việc công bố và xem xét chứng cứ thông qua phương thức trình chiếu các tài liệu, chứng cứ đã được số hóa là cách thức sinh động, thuyết phục và hiệu quả cao.

Với hành vi phạm tội của mình, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Hồ Văn Phương với mức án tù chung thân như đề nghị của KSV.

Phiên tòa diễn ra bảo đảm trình tự, thủ tục theo tinh thần cải cách tư pháp, nhất là chất lượng xét hỏi, tranh tụng đối đáp của KSV với những người tham gia tố tụng có chất lượng. Đối với ngành KSND, ứng dụng công nghệ thông tin để công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa đang là vấn đề được quan tâm, chú trọng để qua đó nâng cao chất lượng tranh tụng của KSV tại phiên tòa.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên tòa.

Kể từ khi có Chỉ thị số 06/CT - VKSTC ngày 5/11/2012 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường công tác thống kê và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành KSND. Công văn số 636/VKSTC - C2 ngày 22/2/2019 của VKSND tối cao và Hướng dẫn của VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc số hóa hồ sơ vụ án thì công tác số hóa hồ sơ và thực hiện các phiên tòa hình sự công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh ngày càng được đẩy mạnh thực hiện, đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ thực hành quyền công tố của KSV tại các phiên tòa hình sự.

Việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến có trình chiếu tài liệu, chứng cứ được số hóa có ý nghĩa thiết thực nhằm nâng cao chất lượng công tác THQCT và KSXX. Qua phiên tòa, giúp cho các KSV, kiểm tra viên nâng cao tinh thần trách nhiệm, tự đào tạo, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng, trình độ nghiệp vụ trong công tác giải quyết các vụ án hình sự. Đây được coi là giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng THQCT và KSXX các vụ án hình sự, nhất là các vụ án phức tạp, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần của Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị đề ra.

Nguyễn Ngọc Hiếu