Nội dung vụ án
Ngày 15/4, VKSND tối cao ban hành Thông báo rút kinh nghiệm số 264/TB-VKSTC về kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính yêu cầu “Bồi thường về đất trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất” giữa người khởi kiện là ông Nguyễn Hồng Lam và bà Cao Thị Hơn (Địa chỉ: Thôn 7, xã Ea Rốk, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) và người bị kiện là UBND huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.
Nội dung vụ án thể hiện, thửa đất có diện tích 1.855m2, tọa lạc tại tại thôn 7, xã Ea Rốk, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, số Thửa 193, Tờ bản đồ số 9 thuộc quyền sử dụng của hộ ông Nguyễn Hồng Lam, đã được UBND huyện Ea Súp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số 0373739 ngày 12/11/1998, mục đích sử dụng: Đất 1 lúa.
Thực hiện chương trình xây dựng Trung tâm Cụm xã miền núi, vùng cao, UBND huyện Ea Súp ban hành Quyết định số 05/QĐ-UB ngày 6/1/2000 về việc thu hồi đất và lập biên bản thống nhất kết luận số 01/BB-UB ngày 7/9/1999 về việc thông qua phương án bố trí đất ở, đất sản xuất và định mức đền bù với nội dung: Gia đình ông Lam, bà Hơn được giữ nguyên 250m2 tại thửa đất trên làm đất ở, thu hồi 1.605m2 còn lại và sẽ được cấp đất sản xuất tại Tháp Chàm.
Đối với việc giữ lại 250m2 đất, ông Lam có đơn yêu cầu được cấp GCNQSDĐ và đã được Chủ tịch UBND huyện Ea Súp giải quyết tại Quyết định số 491/QĐ-UBND ngày 13/5/2009, với nội dung: Chấp nhận cấp GCNQSDĐ thổ cư cho gia đình ông Lam; giao UBND xã Ea Rốk lập thủ tục giao đất ở tái định cư cho gia đình ông Lam.
Thực hiện quyết định này, ngày 9/2/2010, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ea Súp tiến hành đo đạc khu đất tại Thửa 193, Tờ bản đồ số 9, tại buổi làm việc có lập biên bản, trong đó ghi ý kiến của ông Lam, bà Hơn: “Đề nghị UBND huyện tạo điều kiện sớm giao đất cho gia đình để ổn định cuộc sống. Nếu gia đình phải di chuyển nhà thì đề nghị Nhà nước hỗ trợ tiền di dời để gia đình đỡ thiệt thòi”. Ngày 26/4/2010, UBND huyện Ea Súp ban hành Quyết định số 418/QĐ-UBND với nội dung: Giao cho hộ gia đình ông Nguyễn Hồng Lam 250m2 đất tại bờ rào khuôn viên Trường Mầm non Ea Rốk để sử dụng vào mục đích làm nhà ở (thuộc Thửa 193, Tờ bản đồ số 9).
Tuy nhiên, ngày 30/6/2014, UBND huyện Ea Súp ban hành Quyết định 1849/QĐ-UBND về việc cấp GCNQSDĐ và cùng ngày đã cấp GCNQSDĐ số BQ 910365 cho hộ gia đình ông Lam, diện tích 250m2, Thửa đất số 295, Tờ bản đồ Quy hoạch Trung tâm Cụm xã Ea Rốk, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, mục đích đất ở tại nông thôn, nguồn gốc sử dụng Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất. Ông Lam, bà Hơn đã nhận đất và xây dựng nhà ở kiên cố trên thửa đất này.
Ngày 8/11/2016, ông Lam khởi kiện tại TAND tỉnh Đắk Lắk, một trong những nội dung khởi kiện của ông là buộc UBND huyện Ea Súp thực hiện hành vi hành chính bàn giao mốc giới ranh giới đối với 250m2 đất theo Quyết định số 418/QĐ-UBND ngày 26/4/2010 của UBND huyện Ea Súp.
Người bị kiện trình bày: UBND huyện Ea Súp đã giao cho gia đình ông Lam, bà Hơn 250m2 đất thuộc Thửa số 295, Tờ bản đồ Quy hoạch Trung tâm Cụm xã Ea Rốk, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk và đã ban hành Quyết định số 1849/QĐ-UBND ngày 30/6/2014 về việc cấp GCNQSDĐ, đồng thời đã cấp GCNQSDĐ số 0103619 cho hộ ông Lam, bà Hơn thửa đất trên.
Trong hồ sơ vụ án có thể hiện Trường Mầm non xã Ea Rốk có nguyện vọng được cấp phần đất sát với bờ rào của Trường (Thửa số 193, Tờ bản đồ số 9) để mở rộng khuôn viên của Trường.
Quá trình giải quyết
Quá trình giải quyết của Toà án thể hiện, Bản án hành chính sơ thẩm số 19/2017/HC-ST ngày 5/6/2017 của TAND tỉnh Đắk Lắk quyết định: Buộc UBND huyện Ea Súp bàn giao mốc giới, ranh giới đối với 250m2 đất ở của Thửa đất 193, Tờ bản đồ số 9, tại vị trí sát bờ rào khuôn viên Trường Mầm non xã Ea Rốk, cấp GCNQSDĐ cho ông Lam và bà Hơn theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 12/6/2017, Chủ tịch UBND huyện Ea Súp kháng cáo nội dung trên của Bản án hành chính sơ thẩm. Bản án hành chính phúc thẩm số 135/2017/HC-PT ngày 24/8/2017 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã quyết định: Bác kháng cáo của UBND huyện Ea Súp, giữ nguyên Bản án hành chính sơ thẩm.
Sau đó, UBND huyện Ea Súp có văn bản đề nghị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án hành chính phúc thẩm nêu trên.
|
|
Viện kiểm sát tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Toà án tổ chức phiên toà rút kinh nghiệm vụ án hành chính. (Ảnh minh hoạ) |
Ngày 6/11/2019, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao ban hành Quyết định giám đốc thẩm số 28/2019/HC-GĐT: Hủy toàn bộ Bản án hành chính phúc thẩm số 135/2017/HC-PT ngày 24/8/2017 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng và hủy một phần Bản án sơ thẩm 19/2017/HC-ST ngày 5/6/2017 của TAND tỉnh Đắk Lắk về nội dung quyết định: Buộc UBND huyện Ea Súp bàn giao mốc, ranh giới đối với diện tích đất để lại không thu hồi là 250m2 đất ở của Thửa đất số 193, Tờ bản đồ số 9, tại vị trí sát bờ rào khuôn viên Trường Mầm non xã Ea Rốk, cấp GCNQSDĐ cho ông Nguyễn Hồng Lam, bà Cao Thị Hơn theo đúng quy định của pháp luật và hủy Bản án sơ thẩm về án phí hành chính sơ thẩm. Giao hồ sơ cho TAND tỉnh Đắk Lắk giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm
Trong vụ án trên, theo VKSND tối cao, vấn đề cần rút kinh nghiệm đó là: Có sự nhầm lẫn trong việc xác định diện tích 250m2 cấp cho gia đình ông Lam, bà Hơn. Thực tế, gia đình ông Lam, bà Hơn đã được cấp 250m2 tại Thửa số số 295, Tờ bản đồ Quy hoạch Trung tâm Cụm xã Ea Rốk, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk thay cho 250m2 tại thửa số 193, Tờ bản đồ số 9, xã Ea Rốk, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk
Theo Quyết định số 418/QĐ-UBND ngày 26/4/2010, thì UBND huyện Ea Súp phải giao cho hộ gia đình ông Nguyễn Hồng Lam 250m2 đất tại Thửa đất số 193, Tờ bản đồ số 9 sát bờ rào khuôn viên Trường Mầm non xã Ea Rốk.
Tuy nhiên, ngày 30/6/2014, UBND huyện Ea Súp ban hành Quyết định 1849/QĐ-UBND về việc cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình ông Lam, diện tích 250m2, Thửa đất số 295, Tờ bản đồ Quy hoạch Trung tâm Cụm xã Ea Rốk, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. UBND huyện Ea Súp cho rằng diện tích đất này là do UBND huyện đã hoán đổi diện tích 250m2 tại Thửa đất số 193, Tờ bản đồ số 9, xã Ea Rốk, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk theo thỏa thuận với gia đình ông Lam. Tại Biên bản làm việc với Phòng Tài nguyên và Môi trường ngày 9/2/2010, ông Lam, bà Hơn đã có ý kiến “nếu phải di chuyển nhà thì ông bà cũng đồng ý di chuyển nhà, đề nghị được hỗ trợ và được di dời sớm”. Khi được cấp Thửa số 295, ông Lam, bà Hơn đã nhận đất, xây dựng nhà kiên cố trên thửa đất này và đã được cấp GCNQSDĐ.
Gia đình ông Lam cho rằng Thửa đất số 295 do gia đình ông mua đấu giá của UBND huyện Ea Súp, nhưng trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm hồ sơ vụ án không có tài liệu, chứng cứ nào chứng minh việc ông Lam, bà Hơn mua đấu giá thửa đất trên.
Tòa án cấp sơ thẩm không thu thập tài liệu, chứng cứ làm rõ có đúng việc ông Lam, bà Hơn có được thửa đất số 295 là do ông bà mua đấu giá quyền sử dụng đất hay không mà đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lam, bà Hơn về việc yêu cầu được cấp GCNQSDĐ đối với thửa đất số 193, Tờ bản đồ số 9, xã Ea Rốk là chưa có cơ sở vững chắc.
Tòa án cấp phúc thẩm không phát hiện ra sai lầm của Tòa án cấp sơ thẩm nên đã bác kháng cáo của UBND huyện Ea Súp, giữ nguyên Bản án hành chính sơ thẩm là không đúng.
Trong quá trình giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, TAND tối cao đã thu thập bổ sung thêm tài liệu, chứng cứ xác định được: Ông Lam, bà Hơn thừa nhận gia đình ông bà không làm thủ tục xin mua đất đối với Thửa đất số 295, mà do UBND huyện Ea Súp quyết định giao đất tái định cư. Gia đình ông bà chỉ nộp tiền, nhận đất và đã xây dựng nhà ở kiên cố trên diện tích đất này. Do đó, có cơ sở xác định UBND huyện Ea Súp và ông Lam, bà Hơn đã thỏa thuận hoán đổi 250m2 tại Thửa đất số 193, Tờ bản đồ số 9, xã Ea Rốk sang 250m2, Thửa đất số 295, Tờ bản đồ Quy hoạch Trung tâm Cụm xã Ea Rốk.
Quyết định giám đốc thẩm số 28/2019/HC-GĐT ngày 6/11/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao huỷ toàn bộ Bản án hành chính phúc thẩm số 135/2017/HC-PT ngày 24/8/2017 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng và hủy một phần Bản án sơ thẩm số 19/2017/HC-ST ngày 5/6/2017 của TAND tỉnh Đắk Lắk về nội dung nêu trên.
Theo VKSND tối cao, trong quá trình kiểm sát việc giải quyết vụ án này, VKSND hai cấp không thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị, báo cáo kháng nghị giám đốc thẩm về việc Tòa án thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, quyết định của bản án không chính xác, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự, do đó các VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần nghiên cứu để tham khảo, rút kinh nghiệm.