VKSND tối cao cho biết, thời gian qua, VKSND các cấp đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh, phòng chống tội phạm trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, góp phần phòng chống dịch COVID-19 có hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình áp dụng pháp luật để xử lý các tội phạm trong lĩnh vực này gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Trên cơ sở báo cáo của VKSND địa phương, ý kiến tham gia của các đơn vị có liên quan thuộc VKSND tối cao (Vụ 1, Vụ 14), Bộ Công an (A09) và TAND tối cao (Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học), VKSND tối cao hướng dẫn nghiệp vụ áp dụng các điều 347, 348 và 349 của BLHS.
Cụ thể, đối với một số vấn đề chung, tổng kết thực tiễn thấy, quá trình áp dụng xử lý tội phạm quy định tại các điều 347, 348 và 349 BLHS gặp một số khó khăn, vướng mắc, như: Cùng một hành vi đưa người từ Việt Nam ra nước ngoài trái phép, có địa phương khởi tố, xử lý về tội “Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép” theo Điều 348 BLHS, nhưng có địa phương lại khởi tố, xử lý về “Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài” theo Điều 349 BLHS.
Cùng với đó, việc việc áp dụng tình tiết “đã bị xử phạt hành chính” trong “Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép” (Điều 347 BLHS), việc xác định yếu tố “vụ lợi” (khoản 1 Điều 348 BLHS), “thu lợi bất chính” (điểm đ khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 348 và điểm đ khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 349 BLHS) hoặc việc áp dụng, xử lý trong trường hợp thực hiện nhiều hành vi phạm tội... trong các điều luật trên chưa được nhận thức, áp dụng thống nhất.
|
|
Lực lượng biên phòng phát hiện và bắt giữ các đối tượng nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam. (Ảnh minh hoạ) |
Để áp dụng pháp luật thống nhất, căn cứ Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, VKSND tối cao có văn bản kiến nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng theo thẩm quyền.
Trong khi chờ hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, VKSND tối cao yêu cầu VKSND địa phương tăng cường công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm và các vụ án hình sự trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh; kiên quyết xử lý hình sự những vụ việc có dấu hiệu tội phạm để răn đe và phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực này, góp phần phòng chống dịch COVID-19.
Đối với các vụ việc phức tạp, có quan điểm khác nhau về đường lối xử lý, cần tổ chức họp liên ngành tố tụng để thống nhất hoặc thỉnh thị cấp trên, bảo đảm không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm.
Cùng với các nội dung trên, VKSND tối cao cũng hướng dẫn về các vấn đề cụ thể như: Phân biệt hành vi “tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép” (Điều 348 BLHS) với hành vi “tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài” (Điều 349 BLHS); việc áp dụng tình tiết “đã bị xử phạt hành chính” trong “Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép” (Điều 347 BLHS); việc xử lý trong trường hợp thực hiện nhiều hành vi phạm tội quy định tại Điều 348 BLHS.
Việc xử lý hành vi tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép (Điều 348 BLHS) đối với người đã nhập cảnh hợp pháp hoặc nhập cảnh trái phép
Việc xử lý hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép (Điều 348 BLHS) hoặc tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài (Điều 349 BLHS) nhưng chưa đưa được qua biên giới thì bị phát hiện, bắt giữ.
Việc xử lý đối với trường hợp đưa người đã nhập cảnh trái phép vào sâu trong nội địa Việt Nam; việc xác định yếu tố “vụ lợi” quy định tại Điều 348 BLHS; việc xác định số tiền thu lợi bất chính quy định tại các điều 348 và 349 BLHS…