Theo đó, VKSND tối cao nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Trà Vinh, do Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến, theo Công văn số 386/BDN ngày 29/10/2020.

Nội dung kiến nghị, gồm: Ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể quy định thế nào là người có nhược điểm về thể chất, người có nhược điểm về tâm thần được nêu tại điểm b khoản 2 Điều 66 và tại điểm b khoản 1 Điều 76 của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS).

Ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 229 và quy định tại Điều 173 của BLTTHS.

Đề nghị bổ sung thêm khoản 5 vào Điều 83, 84, cụ thể như sau: Khoản 5 Điều 83 quy định: Thủ tục đăng ký Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố được thực hiện theo quy định tại Điều 78 BLTTHS năm 2015.

Khoản 5 Điều 84 quy định: Thủ tục đăng ký Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự được thực hiện theo quy định tại Điều 78 BLTTHS năm 2015.

Về các nội dung kiến nghị trên, VKSND tối cao cho biết: Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, chỉ Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao mới có thẩm quyền ban hành nghị quyết để hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử thông qua tổng kết việc áp dụng pháp luật, giám đốc việc xét xử.

leftcenterrightdel
 Các Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi). (Ảnh: Quochoi.vn)

Thông tư liên tịch của Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao với các bộ, ngành chỉ quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan này trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tố tụng. Do vậy, đối với nội dung kiến nghị nêu trên, VKSND tối cao cho rằng cử tri cần đề xuất với cơ quan có thẩm quyền giải quyết là TAND tối cao.

Bên cạnh đó, ngày 1/6/2020, VKSND tối cao phối hợp với TAND tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp ban hành Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC-BTP quy định phối hợp thực hiện một số điều của BLTTHS về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ.

Tại khoản 1 Điều 12 Thông tư liên tịch này đã hướng dẫn cụ thể: “Sau khi có quyết định tạm đình chỉ vụ án, vụ việc, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, quyết định hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn đã áp dụng” và theo khoản 1 Điều 15 Thông tư liên tịch này, các cơ quan cần phải phối hợp, thống nhất với nhau để quyết định vấn đề này, trường hợp không thống nhất thì cơ quan đang thụ lý vụ án, vụ việc chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cùng cấp báo cáo với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cấp trên trực tiếp chỉ đạo giải quyết. 

Theo đó, trường hợp có quyết định tạm đình chỉ vụ án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 229 BLTTHS năm 2015, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam. Việc giám định, định giá tài sản, tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục được thực hiện đến khi có kết quả.

Cũng theo VKSND tối cao, mặc dù, BLTTHS năm 2015 không quy định về thủ tục đăng ký hoặc cấp giấy chứng nhận cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại, đương sự nhưng tại Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của BLTTHS năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố đã quy định rất cụ thể về thủ tục đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố (Điều 9).

Tuy nhiên, đây chỉ là văn bản quy phạm pháp luật đơn ngành, chỉ áp dụng trong hệ thống CQĐT. VKSND tối cao ghi nhận kiến nghị nêu trên của cử tri để phản ánh với cơ quan, người có thẩm quyền trong quá trình tổng kết BLTTHS năm 2015.

P.V