Kiểm sát điều tra vụ án hình sự là một trong những công tác để thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát. Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, Luật tổ chức VKSND năm 2014 đã quy định cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong công tác này, trong đó kiến nghị là nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản và quan trọng của Viện kiểm sát. Kiến nghị của Viện kiểm sát được thực hiện trong các trường hợp: Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng không thuộc trường hợp phải kháng nghị và trường hợp phát hiện sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý của cơ quan, tổ chức hữu quan (khoản 2 Điều 5 Luật tổ chức VKSND năm 2014).

Theo quy định tại khoản 5, 7 Điều 15 Luật tổ chức VKSND năm 2014; Điều 6 (khoản 2), Điều 166 (khoản 6, 8) và Điều 181 BLTTHS năm 2015 thì kiến nghị của Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra gồm: (1) Kiến nghị Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khắc phục vi phạm trong việc khởi tố, điều tra; (2) Kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật; (3) Kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý bị can tạm đình chỉ chức vụ của bị can khi xét thấy việc bị can tiếp tục giữ chức vụ gây khó khăn cho việc điều tra; (4) kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và phòng ngừa nguyên nhân và điều kiện phạm tội. 

leftcenterrightdel
 Kiểm sát điều tra vụ án hình sự là một trong những công tác để thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát. Ảnh minh họa

Các quy định này đảm bảo cho Viện kiểm sát thực hiện tốt công tác kiểm sát điều tra vụ án hình sự. Mặc dù vậy, qua nghiên cứu và thực tiễn áp dụng, chúng tôi thấy rằng quy định về kiến nghị của Viện kiểm sát khi kiểm sát điều tra vụ án hình sự vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, cụ thể như sau:

Thứ nhất, Luật tổ chức VKSND năm 2014 (Điều 15), BLTTHS năm 2015 (Điều 166) chưa ghi nhận các kiến nghị sau của Viện kiểm sát: (1) Kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý bị can tạm đình chỉ chức vụ của bị can khi xét thấy việc bị can tiếp tục giữ chức vụ gây khó khăn cho việc điều tra; (2) kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và phòng ngừa nguyên nhân và điều kiện phạm tội, như vậy là chưa thống nhất, chưa phù hợp với quy định tại các điều 6, 181 BLTTHS năm 2015, cần phải được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ. Chúng tôi đề xuất bổ sung các kiến nghị nêu trên của Viện kiểm sát vào Điều 166 BLTTHS năm 2015 và Điều 15 Luật tổ chức VKSND năm 2014.

Thứ hai, Cả BLTTHS năm 2015 và Luật Tổ chức VKSND năm 2014 đều chưa có quy định về thời hạn ban hành kiến nghị của Viện kiểm sát, làm cho việc áp dụng pháp luật không được thống nhất. cùng một vi phạm, có đơn vị, có lúc ban hành kiến nghị ngay sau khi phát hiện vi phạm, lại có đơn vị, có khi tổng hợp với các dạng vi phạm khác để định kỳ kiến nghị chung, dẫn đến vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân chậm được khắc phục, sữa chữa, có thể làm vi phạm pháp luật ngày càng nghiêm trọng hơn.

Ví dụ: Cơ quan điều tra giao quyết định đình chỉ vụ án và bản kết luận điều tra cho Viện kiểm sát chậm 5 ngày. Với vi phạm này, có nơi Viện kiểm sát ban hành kiến nghị yêu cầu Cơ quan điều tra khắc phục và không còn để xảy ra vi phạm; có nơi Viện kiểm sát không kiến nghị ngay mà vào sổ tổng hợp vi phạm để sau này kiến nghị chung, dẫn đến Cơ quan điều tra vẫn tiếp tục vi phạm, có vụ khi chuyển quyết định đình chỉ cho Viện kiểm sát thì thời hạn kiểm sát của Viện kiểm sát đã hết, vi phạm thời hạn điều tra.

Để các vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra đã phát hiện đều được kịp thời khắc phục, không để vi phạm tiếp tục xảy ra; các thiếu sót, sơ hở trong hoạt động quản lý nhanh chóng được khắc phục; bảo đảm thống nhất về thời điểm ban hành kiến nghị trong thực tiễn, theo chúng tôi, BLTTHS năm 2015 và Luật Tổ chức VKSND năm 2014 cần quy định rõ thời hạn Viện kiểm sát phải ban hành kiến nghị khi kiểm sát điều tra, theo hướng: Viện kiểm sát phải ban hành kiến nghị trong thời hạn 30 ngày kể từ khi phát hiện vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Thứ ba,  BLTTHS năm 2015 quy định chưa đầy đủ, đồng bộ về trách nhiệm và thời hạn trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát. Đối với kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý bị can tạm đình chỉ chức vụ của bị can khi xét thấy việc bị can tiếp tục giữ chức vụ gây khó khăn cho việc điều tra thì BLTTHS năm 2015 có quy định về trách nhiệm và thời hạn cơ quan, tổ chức phải trả lời. Tuy nhiên, với kiến nghị sau thì Bộ luật này lại thiếu vắng quy định về trách nhiệm và thời hạn cơ quan, tổ chức, cá nhân phải trả lời: Kiến nghị Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khắc phục vi phạm trong việc điều tra; kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân về áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.

leftcenterrightdel
VKS họp giao ban, trao đổi công tác với Bộ đội biên phòng.

Chính vì vậy, BLTTHS năm 2015 cần bổ sung quy định về trách nhiệm và thời hạn cơ quan, tổ chức, cá nhân xem xét, giải quyết, trả lời kiến nghị sau của Viện kiểm sát: Kiến nghị Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khắc phục vi phạm trong việc điều tra, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân về áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật; theo hướng:

- bổ sung vào khoản 1 Điều 167 Bộ luật này quy định về trách nhiệm của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra xem xét, giải quyết, trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát về khắc phục vi phạm trong việc điều tra như sau:

“Điều 167. Trách nhiệm của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong việc thực hiện yêu cầu, kiến nghị, quyết định của Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra

1. Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải thực hiện yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra.

Đối với kiến nghị quy định tại khoản 6 Điều 166 của Bộ luật này của Viện kiểm sát thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải xem xét, giải quyết và trả lời trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị.

2…”

- bổ sung vào Điều 168 Bộ luật này quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân phải trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát về áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật như sau:

“Điều 168. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quyết định, yêu cầu, kiến nghị của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát

Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh thực hiện quyết định, yêu cầu của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự; trường hợp không chấp hành mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với kiến nghị quy định tại khoản 8 Điều 166 của Bộ luật này của Viện kiểm sát thì cơ quan, tổ chức, cá nhân phải trả lời trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị.

Luật Tổ chức VKSND năm 2014 mới chỉ quy định về trách nhiệm xem xét, giải quyết, trả lời của cơ quan, tổ chức, cá nhân về việc thực hiện kiến nghị của Viện kiểm sát mà chưa quy định rõ thời hạn trả lời. Thực tiễn cho thấy, số lượng kiến nghị cơ quan, tổ chức có văn bản trả lời khá thấp, công tác kiểm sát việc thực hiện kiến nghị gặp khó khăn do thiếu quy định thời hạn trả lời kiến nghị. Để khắc phục hạn chế này, cần bổ sung vào Luật này thời hạn cụ thể cơ quan, tổ chức, cá nhân phải trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát.

Thứ tư, BLTTHS năm 2015, Luật Tổ chức VKSND năm 2014 cũng chưa quy định chế tài xử lý khi cơ quan, tổ chức, cá nhân không trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát. Trên thực tế, các cơ quan, tổ chức, cá nhân ít khi trả lời kiến nghị vì không trả lời cũng không phải chịu trách nhiệm gì, do đó, Viện kiểm sát không thể biết được kiến nghị có được thực hiện không, nếu thực hiện thì đã đầy đủ hay chưa để có biện pháp giải quyết? Vì vậy, theo chúng tôi, cần bổ sung vào 02 luật này chế tài xử lý đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát nhằm bảo đảm kiến nghị của Viện kiểm sát được thực hiện nghiêm túc.

Thứ năm, thực tế cho thấy có không ít trường hợp cơ quan, tổ chức mặc dù đã có văn bản trả lời chấp nhận kiến nghị của Viện kiểm sát nhưng thực hiện kiến nghị rất chậm, dẫn đến vi phạm pháp luật không được khắc phục kịp thời, đến khi Viện kiểm sát phát hiện thì cũng chỉ có biện pháp tiếp tục kiến nghị. Khó khăn này xuất phát từ việc pháp luật không có quy định về thời hạn thực hiện kiến nghị của Viện kiểm sát. Cũng có trường hợp cơ quan, tổ chức không thực hiện kiến nghị của Viện kiểm sát làm cho việc điều tra gặp khó khăn, chẳng hạn: có nhiều trường hợp dù Viện kiểm sát đã kiến nghị nhưng cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý bị can không thực hiện việc tạm đình chỉ chức vụ bị can đang đảm nhiệm gây khó khăn cho việc điều tra. Để khắc phục khó khăn, vướng mắc trên, cần quy định cụ thể, rõ ràng thời hạn cơ quan, tổ chức phải thực hiện kiến nghị của Viện kiểm sát và chế tài xử lý trong trường hợp cơ quan, tổ chức không thực hiện.

Thứ sáu, BLTTHS năm 2015 chưa có quy định để giải quyết đối với trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không đồng ý với kiến nghị của Viện kiểm sát, dẫn đến vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật. Trong thực tiễn, có nơi khi cơ quan, tổ chức, cá nhân không chấp nhận kiến nghị thì Viện kiểm sát cấp dưới có báo cáo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Nếu thấy kiến nghị của Viện kiểm sát cấp dưới có căn cứ thì Viện kiểm sát cấp trên có văn bản đề nghị cơ quan quản lý chỉ đạo cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện kiến nghị. Nếu kiến nghị không có căn cứ thì Viện kiểm sát cấp trên yêu cầu Viện kiểm sát cấp dưới rút kiến nghị. Lại có nơi cơ quan, tổ chức có văn bản kiến nghị đến Viện kiểm sát cấp trên xem xét, giải quyết. Các cách giải quyết như trên tuy tồn tại trong thực tiễn nhưng lại chưa được Bộ luật này quy định.

Để tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm sự thống nhất trong áp dụng pháp luật, chúng tôi đề xuất bổ sung vào Điều 167, Điều 168 BLTTHS năm 2015 quy định về cách thức giải quyết trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân không đồng ý với kiến nghị của Viện kiểm sát; theo hướng: nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân không đồng ý với kiến nghị của Viện kiểm sát thì các cơ quan, cá nhân này có quyền kiến nghị lên Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp; Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp phải giải quyết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị. Quyết định của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp phải được thi hành.

Nguyễn Cao Cường - VKSND huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế)