Trong kiểm sát việc thi hành quyết định hoãn, quyết định tạm đình chỉ chấp hành án, theo Hướng dẫn, VKSND cấp tỉnh có trách nhiệm sao gửi quyết định hoãn, quyết định tạm đình chỉ CHAPT do TAND cùng cấp ban hành và thông báo bằng văn bản cho VKSND cấp huyện nơi người được tạm đình chỉ chấp hành án cư trú để kiểm sát việc thi hành. 

Ngay sau khi nhận được quyết định, Viện kiểm sát cấp huyện nơi người được hoãn, tạm đình chỉ CHAPT cư trú phải phân công Kiểm sát viên, Kiểm tra viên kiểm sát cơ quan thi hành án hình sự (THAHS) Công an cùng cấp trong việc tiếp nhận, sao gửi quyết định hoãn, tạm đình chỉ CHAPT; bàn giao hồ sơ, giao người được tạm đình chỉ CHAPT cho UBND cấp xã nơi người được tạm đình chỉ CHAPT cư trú.

Đồng thời, triệu tập người được hoãn CHAPT để thông báo quyết định hoãn và yêu cầu cam kết chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, nhất là trường hợp người được hoãn chấp hành án vì lý do bị bệnh nặng đang điều trị bệnh không thể có mặt theo yêu cầu triệu tập. Khi thực hiện kiểm sát, phải kịp thời phát hiện những trường hợp cố tình vắng mặt, không cam kết, bỏ trốn hoặc có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án để yêu cầu lập hồ sơ, đề nghị Tòa án đã ra quyết định hoãn, tạm đình chỉ xét hủy quyết định hoãn, tạm đình chỉ CHAPT. 

Chủ động tiến hành rà soát, xác minh hoặc ủy thác xác minh điều kiện hoãn, tạm đình chỉ CHAPT, nhất là các đối tượng được hoãn CHAPT với lý do bị bệnh nặng, là lao động duy nhất, có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi..., kịp thời phát hiện những trường hợp điều kiện hoãn, tạm đình chỉ CHAPT không còn để tự mình yêu cầu hoặc yêu cầu cơ quan THAHS đề nghị Tòa án đã ra quyết định hoãn, tạm đình chỉ CHAPT xem xét hủy quyết định hoãn, tạm đình chỉ CHAPT. 

Cụ thể, đối với trường hợp người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án vì lý do bệnh nặng, VKSND cấp huyện phải kiểm sát chặt chẽ việc điều trị bệnh của người đó, kịp thời phát hiện trường hợp người được hoãn, tạm đình chỉ vì lý do bệnh nặng nhưng cố tình không chữa bệnh, hoặc đã phục hồi song vẫn lấy lý do về sức khỏe để trốn tránh việc chấp hành án; lợi dụng việc chữa bệnh để đi khỏi nơi cư trú hoặc lợi dụng việc chữa bệnh để vi phạm pháp luật thì có văn bản yêu cầu cơ quan THAHS trưng cầu giám định y khoa để xác định tình trạng bệnh của người đó làm cơ sở đưa đi chấp hành án hoặc đề nghị Tòa án có thẩm quyền hủy quyết định hoãn, tạm đình chỉ CHAPT để đưa người đó đi chấp hành án. 

leftcenterrightdel
 Mở lối về cho người lầm lỗi. (Ảnh minh hoạ: Nguồn BVPL).

Đối với trường hợp là lao động duy nhất, phải xác định rõ quan hệ gia đình của người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án; tình trạng sức khoẻ, khả năng lao động, nguồn thu nhập của những người mà họ là người duy nhất có trách nhiệm trực tiếp phải nuôi dưỡng; công việc thực tế, thu nhập hợp pháp sau khi được hoãn, tạm đình chỉ CHAPT... Kịp thời phát hiện trường hợp không phải là lao động duy nhất hoặc sau khi được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án nhưng những người được hoãn, tạm đình chỉ không chịu làm việc để có thu nhập hợp pháp nuôi sống bản thân và gia đình hoặc không thực hiện trách nhiệm nuôi dưỡng... yêu cầu cơ quan THAHS đưa đi chấp hành án hoặc đề nghị Tòa án có thẩm quyền hủy quyết định hoãn, tạm đình chỉ CHAPT để đưa người đó đi chấp hành án. 

Đối với trường hợp người được hoãn, tạm đình chỉ CHAPT có dấu hiệu bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi, VKSND cấp huyện phải kiểm sát chặt chẽ cơ quan THAHS Công an cùng cấp về trình tự, thủ tục trưng cầu giám định pháp y tâm thần, nguồn gốc và tính hợp pháp của các tài liệu có trong hồ sơ trưng cầu giám định pháp y tâm thần; kiểm sát căn cứ Tòa án hủy quyết định hoãn, tạm đình chỉ CHAPT và việc ra quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh; đồng thời báo cáo về VKSND tối cao (Vụ 8) để quản lý, chỉ đạo. 

VKSND cấp huyện kiểm sát chặt chẽ việc đưa người không còn điều kiện hoãn, tạm đình chỉ, người không được chấp nhận hoãn, tạm đình chỉ, người bị Tòa án hủy quyết định hoãn, tạm đình chỉ CHAPT đi chấp hành án; trường hợp bỏ trốn thì yêu cầu cơ quan THAHS củng cấp báo cáo cơ quan THAHS Công an cấp tỉnh ra quyết định truy nã và tổ chức truy bắt

Bên cạnh đó, Hướng dẫn cũng đề cập đến nội dung kiểm sát việc quản lý, giám sát người được hoãn, tạm đình chỉ CHAPT. Theo đó, Viện kiểm sát có thẩm quyền phải phân công Kiểm sát viên, Kiểm tra viên tiến hành kiểm sát trình tự, thủ tục xem xét, quyết định, hủy quyết định hoãn, tạm đình chỉ CHAPT của Tòa án và kiểm sát cơ quan THAHS trong việc thi hành quyết định hoãn, tạm đình chỉ CHAPT. Kiểm sát viên, Kiểm tra viên được phân công tiến hành kiểm sát có trách nhiệm lập hồ sơ kiểm sát, lập phiếu kiểm sát nêu rõ quan điểm đề xuất có phê duyệt của lãnh đạo Viện; báo cáo ngay lãnh đạo Viện những vấn đề phát sinh, những vi phạm phát hiện được trong quá trình kiểm sát để kịp thời chỉ đạo. 

VKSND cấp tỉnh chủ động chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra VKSND cấp huyện kiểm sát việc quản lý, giám sát người được hoãn, tạm đình chỉ CHAPT trên địa bàn; tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin với UBND cấp xã trong quản lý, giám sát người được hoãn, người được tạm đình chỉ CHAPT. 

VKSND cấp huyện chủ động phân công Kiểm sát viên, Kiểm tra viên làm tốt công tác quản lý tình hình chấp hành pháp luật của người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án trên địa bàn từng xã, phường, thị trấn. Kiểm sát chặt chẽ UBND cấp xã trong việc cho người được hoãn, tạm đình chỉ CHAPT đi khỏi nơi cư trú và xử lý người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án khi họ có hành vi phạm tội mới, bỏ trốn hoặc vi phạm pháp luật ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội. 

Đối với việc kháng nghị quyết định hoãn, tạm đình chỉ CHAPT, căn cứ quy định tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 167 Luật Thi hành án hình sự, quy định tại Thông tư liên tịch 01/2021 và Thông tư liên tịch 02/2021, quyết định hoãn, tạm đình chỉ, quyết định hủy quyết định hoãn, tạm đình chỉ CHAPT có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kết án phải được kháng nghị theo quy định của Bộ luật TTHS đề nghị Tòa án cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết theo thẩm quyền; không kháng nghị yêu cầu Tòa án đã ra quyết định hủy quyết định có vi phạm. 

Trong quản lý, xử lý tình hình và báo cáo, VKSND tối cao yêu cầu, quản lý chặt chẽ tình hình chấp hành pháp luật về việc hoãn, tạm đình chỉ CHAPT trên địa bàn; chủ động phối hợp với TAND, cơ quan THAHS Công an cùng cấp, UBND cấp xã và cơ quan liên quan trọng công tác kiểm sát việc THAHS tại cộng đồng và kiểm sát quản lý người được hoãn, tạm đình chỉ trên địa bàn. Chủ động phân công Kiểm sát viên, Kiểm tra viên tiến hành kiểm sát, lập hồ sơ kiểm sát; chủ động nắm thông tin, tình hình, đề xuất biện pháp tiến hành kiểm sát đối với từng trường hợp hoãn, tạm đình chỉ CHAPT. Kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị trong công tác này. Trường hợp không thực hiện nhiệm vụ hoặc thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được phân công, không kịp thời phát hiện vi phạm để báo cáo, đề xuất xử lý theo quy định thì phải xem xét trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

P.V