|
|
Bị cáo tại phiên tòa xét xử. |
Ngày 22/4/2022, VKSND tỉnh Vĩnh Long cho biết vừa phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Huỳnh Hữu Lắm về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”
Đây là phiên tòa hình sự được chọn rút kinh nghiệm và để Kiểm sát viên tham gia cuộc thi “Nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự” theo Kế hoạch của VKSND tỉnh Vĩnh Long.
Theo Quyết định kháng nghị của Viện trưởng VKSND huyện Mang Thít: Bị cáo Huỳnh Hữu Lắm tham gia giao thông nhưng không tuân thủ các quy định của luật giao thông đường bộ dẫn đến hậu quả làm cho bị hại tử vong. Nguyên nhân xảy ra tai nạn là do bị cáo điều khiển xe mô tô khi trong người đã có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép, điều khiển xe không đúng phần đường vi phạm Luật giao thông đường bộ năm 2008. Lỗi trong vụ án này hoàn toàn thuộc về bị cáo. Tại bản án số 50/2021/HS-ST ngày 2/11/2021, xử phạt bị cáo 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 4 năm là không đảm bảo việc răn đe, cũng như giáo dục riêng đối với bị cáo và phòng ngừa chung cho toàn xã hội. Vì vậy, Viện trưởng VKSND huyện Mang Thít kháng nghị phúc thẩm theo hướng không cho bị cáo hưởng án treo.
|
|
VKSND tỉnh Vĩnh Long tổ chức họp rút kinh nghiệm sau phiên tòa. |
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND huyện Mang Thít, xử phạt bị cáo Huỳnh Hữu Lắm 1 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Căn cứ kết quả xét hỏi, tranh luận công khai tại phiên tòa, Hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND huyện Mang Thít tuyên phạt Huỳnh Hữu Lắm 1 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo Điều 260 Bộ luật hình sự.
Đây là phiên tòa đầu tiên của Kiểm sát viên tham gia cuộc thi “Nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự”.
Qua phiên tòa, Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án, đã giải quyết tốt nội dung vụ án, xử lý các tình huống cũng như tranh luận đầy đủ, rõ ràng, có căn cứ pháp luật, có tính thuyết phục các ý kiến của Luật sư bào chữa cho bị cáo đưa ra.
Thông qua phiên tòa rút kinh nghiệm, giúp cho Kiểm sát viên có thêm kiến thức trong việc nghiên cứu hồ sơ, nắm chắc nội dung vụ án, các chứng cứ buộc tội, gỡ tội, dự kiến các vấn đề cần xét hỏi cũng như xây dựng kế hoạch tranh luận và đối đáp tại phiên tòa.
Bên cạnh đó, giúp cho Kiểm sát viên nâng cao kiến thức pháp luật, trình độ thẩm vấn, kỹ năng tranh luận, xử lý tình huống phát sinh, nhận thức rõ hơn vai trò, vị trí của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Đồng thời, Phiên tòa rút kinh nghiệm cũng là giải pháp đào tạo, tự đào tạo, rèn luyện cho các Kiểm sát viên tự học hỏi rút kinh nghiệm lẫn nhau./.