Theo
Hướng dẫn của VKSND tối cao, thông qua kiểm sát biên bản phiên tòa xét xử các vụ án hình sự, phát hiện kịp thời những vi phạm, thiếu sót trong hoạt động xét xử của Tòa án để làm tốt nhiệm vụ kiến nghị, kháng nghị theo thẩm quyền; không để xảy ra trường hợp biên bản phiên tòa phản ánh không đúng, không đầy đủ trình tự, thủ tục, diễn biến phiên tòa, hoạt động xét xử có vi phạm về thủ tục tố tụng nhưng không được phát hiện hoặc chậm phát hiện để kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu khắc phục vi phạm.
Thông báo rút kinh nghiệm trong Ngành về những vi phạm, thiếu sót đã được phát hiện qua kiểm sát biên bản phiên tòa xét xử các vụ án hình sự, nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự của Viện kiểm sát các cấp, góp phần thực hiện đầy đủ, hiệu quả chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Ngành.
Đề cao trách nhiệm của lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp, Thủ trưởng các đơn vị giải quyết án hình sự trong chỉ đạo Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự thực hiện nhiệm vụ, ghi chép đầy đủ diễn biến phiên tòa làm cơ sở để đối chiếu khi kiểm sát biên bản phiên tòa; kiểm sát 100% biên bản phiên tòa khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát cấp mình.
|
|
VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Toà án cùng cấp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm vụ án hình sự. (Ảnh minh hoạ) |
Về yêu cầu kiểm tra biên bản phiên tòa hình sự, Hướng dẫn nêu rõ: Biên bản phiên tòa phải được lập tại phiên tòa theo quy định tại khoản 3 Điều 258 Bộ luật hình sự. Chủ tọa phiên tòa và Thư ký phải ký ngay sau khi kết thúc phiên tòa xét xử, Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự phải kiểm sát biên bản phiên tòa theo quy định tại Điều 42, Điều 258 Bộ luật tố tụng hình sự và Điều 29 Quy chế Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-VKSTC ngày 18/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao.
Trong trường hợp vì lý do khách quan, biên bản phiên tòa chưa hoàn thành và chưa được Chủ tọa, Thư ký phiên tòa ký, thì sau 15 ngày kể từ ngày kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phải kiểm sát biên bản phiên tòa theo quy định trên.
Khi phát hiện biên bản phiên tòa ghi không đúng, không đầy đủ trình tự, thủ tục, diễn biến quá trình xét xử vụ án theo quy định tại Điều 258 Bộ luật tố tụng hình sự, thì tùy từng mức độ ảnh hưởng đến tính đúng đắn của việc xét xử vụ án, Kiểm sát viên yêu cầu Thư ký Tòa án sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa hoặc báo cáo lãnh đạo Viện để thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật.
Trường hợp Chủ tọa và Thư ký không cho kiểm tra hoặc không bổ sung, sửa chữa biên bản phiên tòa cho đúng với thực tế diễn biến phiên tòa, thì Kiểm sát viên lập biên bản, yêu cầu Chủ tọa, Thư ký ký vào biên bản, đồng thời nêu rõ lý do của việc không cho kiểm tra hoặc không bổ sung, sửa chữa biên bản phiên tòa theo yêu cầu của Kiểm sát viên.
Nếu sau khi lập biên bản về việc Chủ tọa, Thư ký không cho kiểm tra hoặc không bổ sung, sửa chữa biên bản phiên tòa nhưng Chủ tọa, Thư ký không ký vào biên bản đó và không nêu rõ lý do, thì Kiểm sát viên phải báo cáo ngay với lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình để xem xét thực hiện quyền kiến nghị theo quy định của pháp luật.
Ngoài nội dung trên, Hướng dẫn còn đề cập đến các nội dung như: Nội dung kiểm sát biên bản phiên tòa hình sự; việc lập phiếu kiểm sát biên bản phiên toà; việc đánh giá tính chất, mức độ vi phạm và đề xuất xử lý.
VKSND tối cao đề nghị Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Viện trưởng VKSND cấp huyện chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Hướng dẫn này. |