Một số Viện kiểm sát (VKS) nêu câu hỏi: Điều 22 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC- TANDTC ngày 31/8/2016 quy định trách nhiệm của Tòa án khi thực hiện quyền yêu cầu của VKS như sau: “Trường hợp việc xác minh, thu thập chứng cứ theo yêu cầu của Kiểm sát viên là không thể thực hiện được hoặc Tòa án xét thấy không cần thiết thì chậm nhất là đến ngày hết thời hạn mở phiên tòa, phiên họp theo quyết định của Tòa án, Tòa án thông báo cho Kiểm sát viên bằng văn bản và nêu rõ lý do”. Tuy nhiên, thực tiễn có trường hợp Tòa án không thực hiện yêu cầu của VKS hoặc thực hiện không triệt để nhưng không có văn bản thông báo lý do dẫn đến Kiểm sát viên bị động trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, đề xuất hướng giải quyết, báo cáo lãnh đạo duyệt trước khi tham gia phiên tòa.

Nội dung trên, VKSND tối cao trả lời như sau: Trong trường hợp trên, nếu VKS nhận thấy do không xác minh, thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ nên không đủ cơ sở để giải quyết vụ án thì thực hiện theo khoản 5 Điều 23 Quy chế số 364/QĐ-VKSTC ngày 2/10/2017 về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự như sau: “Kiểm sát viên tiếp tục tham gia phiên tòa, phát biểu quan điểm của VKS nêu rõ việc chưa có đủ cơ sở để giải quyết vụ án vì thiếu những chứng cứ mà Kiểm sát viên đã yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập bổ sung”.

Đối với việc Tòa án không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ của VKS nhưng không có văn bản thông báo lý do theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Thông tư liên tịch số 02/2016 thì Kiểm sát viên kiến nghị ngay tại phiên toà hoặc Viện kiểm sát tổng hợp để ban hành kiến nghị chung.

Vụ việc thuộc trường hợp này cần lưu ý xem xét kháng nghị ngay sau phiên toà, VKS chủ động thực hiện quyền xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để quyết định kháng nghị nếu thấy cần thiết.

Một câu hỏi khác được VKS nêu đó là: Theo Điều 262 BLTTDS, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến sau khi người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, trước khi Hội đồng xét xử nghị án. Như vậy các đương sự không được có ý kiến đối đáp với phát biểu này của Kiểm sát viên là không bảo đảm quyền tranh tụng của các đương sự.

Theo trả lời của VKSND tối cao: Khoản 1 Điều 21 BLTTDS năm 2015 quy định “VKS kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật”. Nhiệm vụ, quyền hạn và trình tự, thủ tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên tại phiên toà do BLTTDS quy định và phải được thực hiện đúng.

Trong tố tụng dân sự, Kiểm sát viên kiểm sát việc tuân theo pháp luật của của Tòa án, người tiến hành tố tụng của Tòa án, người tham gia tố tụng và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự. Kiểm sát viên không đại diện bảo vệ quyền, lợi ích của bên nào trong các bên tranh chấp nên không thực hiện tranh tụng với các bên, việc đối đáp của đương sự đối với phát biểu của Kiểm sát viên là không cần thiết.

Cần nhận thức đúng khoản 1 Điều 247 BLTTDS về nội dung và phương thức tranh tụng tại phiên toà, không phải Kiểm sát viên có thực hiện hoạt động nêu tại Điều 247 BLTTDS thì tức là Kiểm sát viên tranh tụng mà phải kết hợp với nội dung các quy định khác tại các điều 248, 249, 260 và 261 BLTTDS để xác định đúng chủ thể tranh tụng.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh một Hội nghị tập huấn và rút kinh nghiệm trong công tác nghiệp vụ do VKSND tối cao tổ chức. (Ảnh minh hoạ)

Một câu hỏi khác được VKS địa phương nêu đó là: Điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền”, tuy nhiên pháp luật không quy định cụ thể công việc nào được ủy quyền.

Nội dung câu hỏi trên, theo trả lời của VKSND tối cao: Pháp luật hiện hành không quy định về công việc được ủy quyền, nhưng có quy định về các trường hợp không được ủy quyền, trong đó có một số trường hợp cụ thể sau đây: Đăng ký kết hôn (Điều 8 Luật Hộ tịch); ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng giải quyết việc ly hôn (Điều 85 BLTTDS); Đăng ký nhận cha, mẹ, con (Điều 25 Luật Hộ tịch); Công chứng di chúc (Điều 56 Luật Công chứng); Có quyền, lợi ích hợp pháp đối lập với người được ủy quyền, cán bộ, công chức trong cơ quan Toà án, VKS, Công an (Điều 87 BLTTDS); Gửi tiền tiết kiệm tại tổ chức tín dụng (Điều 12 Thông tư số 48/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định về tiền gửi tiết kiệm); ủy quyền cho người thứ ba trong việc mang thai hộ (Điều 96 Luật Hôn nhân và gia đình); Hạn chế việc ủy quyền của chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản (Điều 13 Luật Kinh doanh bất động sản); Hạn chế việc ủy quyền của Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị tổ chức tín dụng (Luật Các tổ chức tín dụng)...

Như vậy, ngoại trừ những trường hợp pháp luật quy định không được ủy quyền, người có quyền, nghĩa vụ có thể ủy quyền cho người khác thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, công việc được ủy quyền phải bảo đảm các yêu cầu sau đây: Là các việc xuất phát từ quyền, nghĩa vụ của người ủy quyền theo quy định của pháp luật; Là các việc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; Là việc phải thực hiện được...

Ngoài ra, cũng có VKS nêu câu hỏi: Trường hợp hợp đồng ủy quyền được lập ở nước ngoài, do đương sự ở nước ngoài ủy quyền cho người ở Việt Nam tham gia tố tụng giải quyết vụ án tại Toà án Việt Nam không ghi thời hạn ủy quyền. Điều 563 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thời hạn ủy quyền là 1 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền. Vậy ngày nào là ngày xác lập việc ủy quyền (ngày người ủy quyền ký hợp đồng, ngày người nhận ủy quyền ký hợp đồng, ngày cơ quan chức năng của nước ngoài xác nhận hay ngày hợp pháp hóa lãnh sự)?

Nội dung này, VKSND tối cao trả lời như sau: Trong trường hợp hợp đồng ủy quyền không ghi thời hạn ủy quyền thì vẫn có thể xác định thời hạn ủy quyền trên cơ sở các công việc được ủy quyền mà các bên đã thoả thuận, thống nhất trong hợp đồng (thời hạn ủy quyền bắt đầu từ thời điểm thực hiện công việc đầu tiên và kết thúc khi hoàn thành công việc cuối cùng được ủy quyền trong hợp đồng). Trường hợp này có thể xác định là các bên đã có thoả thuận về thời hạn ủy quyền.

Điều 563 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “nếu không có thoả thuận và pháp luật không quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 1 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền”.

Khoản 4 Điều 400 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản”. Xác lập việc ủy quyền là do ý chí của các bên quyết định nên thời điểm xác lập việc ủy quyền là thời điểm giao kết hợp đồng ủy quyền, là thời điểm bên sau cùng ký vào hợp đồng ủy quyền.

Theo khoản 2 Điều 2, Điều 3 Nghị định số 111/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hoá lãnh sự thì “hợp pháp hoá lãnh sự” là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ, tài liệu của nước ngoài để giấy tờ, tài liệu đó được công nhận và sử dụng tại Việt Nam, không bao hàm chứng nhận về nội dung và hình thức của giấy tờ, tài liệu. Như vậy, hợp pháp hoá lãnh sự là điều kiện để Toà án Việt Nam chấp nhận việc ủy quyền, cho phép người được ủy quyền được tham gia tố tụng chứ không phải là ngày xác lập, giao kết hợp đồng ủy quyền.

Thực hiện Kế hoạch số 59/KH-VKSTC ngày 26/3/2024 của VKSND tối cao về tổ chức hội nghị giao ban công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự; công tác kháng nghị và công tác giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm, Vụ Kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình (Vụ 9) VKSND tối cao nhận được các câu hỏi của VKSND cấp dưới về công tác kiểm sát này. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo VKSND tối cao, Vụ 9 đã tổng hợp, phối hợp với Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Vụ 14) VKSND tối cao ban hành công văn số 3854/VKSTC-V9 ngày 9/9/2024 trả lời các nội dung liên quan đến việc thực hiện Bộ luật TTHS năm 2015 và các văn bản pháp luật khác liên quan đến việc giải quyết vụ án dân sự tại Toà án; về việc thực hiện Bộ luật Dân sự năm 2015; về việc thực hiện Luật Đất đai; về việc thực hiện chỉ tiêu nghiệp vụ của ngành KSND.
P.V