Thông qua việc quản lý, theo dõi, tổng hợp xây dựng Báo cáo chuyên đề nghiệp vụ “Án trả hồ sơ để điều tra bổ sung”, VKSND tối cao (Vụ 4) thấy công tác quản lý và thực hiện chuyên đề “Án trả hồ sơ để điều tra bổ sung” ở Viện kiểm sát các cấp đã được thực hiện có nề nếp; chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố ngày càng nâng cao; tỉ lệ án trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung duy trì ở mức thấp và tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, số liệu thống kê thể hiện vẫn còn một số vụ án bị trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung để khởi tố thêm tội phạm, người phạm tội mới, trong đó có nhiều vụ án liên quan đến tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” quy định tại Điều 255 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). 

Từ việc chọn một số vụ án điển hình liên quan đến tội phạm về ma tuý, VKSND tối cao (Vụ 4) cũng nêu lên một số vấn đề để các đơn vị, VKS địa phương nghiên cứu rút kinh nghiệm chung.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh một Hội nghị do VKSND tối cao tổ chức. (Ảnh minh hoạ)

Theo đó, những thiếu sót trong quá trình điều tra, truy tố để Toà án phải ra quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung trong một số vụ án được nêu trách nhiệm thuộc về Điều tra viên, Kiểm sát viên, lãnh đạo CQĐT và lãnh đạo Viện kiểm sát được phân công trực tiếp thụ lý giải quyết vụ án. 

Nguyên nhân trước hết do lỗi chủ quan của Điều tra viên, Kiểm sát viên đã không đánh giá đầy đủ tài liệu, chứng cứ trong vụ án; những yếu tố cấu thành tội phạm dẫn đến đã để lọt tội phạm, người phạm tội trong vụ án. Ngoài ra, còn có nguyên nhân khách quan hiện nay cơ quan có thẩm quyền đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự thảo nên chưa ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng một số quy định các tội phạm về ma tuý của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Để hạn chế thấp nhất các vụ án hình sự phải trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nói chung, các vụ án về ma túy nói riêng, nhất là trường hợp Toà án trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì lý do có hành vi phạm tội, người phạm tội chưa được khởi tố, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, VKSND tối cao (Vụ 4) đã đề nghị một số nội dung.

Cụ thể, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh tiếp tục quán triệt, chỉ đạo tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra và kiểm sát chặt chẽ các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực liên quan đến tội phạm ma túy, thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố và kiểm sát xét xử tội phạm về ma túy phải được tiến hành kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật. Yêu cầu các Kiểm sát viên nâng cao tinh thần trách nhiệm, bám sát hoạt động điều tra, kịp thời nghiên cứu tài liệu, chứng cứ do CQĐT thu thập để đề ra yêu cầu điều tra và đôn đốc Điều tra viên thực hiện.

Thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự giữa CQĐT, Viện kiểm sát và Toà án chưa có sự thống nhất về đường lối xử lý do còn có những cách hiểu khác nhau, trong khi cơ quan có thẩm quyền chưa có văn bản giải thích hoặc hướng dẫn thì Viện kiểm sát các cấp cần phối hợp chặt chẽ với CQĐT cùng cấp trước khi kết thúc điều tra, truy tố cần có biện pháp trên cơ sở các quy định của pháp luật, trao đổi tham khảo quan điểm của Toà án cùng cấp để thống nhất về nhận thức áp dụng pháp luật, đánh giá chứng cứ xử lý vụ án khách quan, toàn diện, triệt để.

P.V