Công văn nêu rõ, trong quá trình tổng hợp báo cáo của VKSND các cấp 6 tháng đầu năm 2024, VKSND tối cao (Vụ 12) đã tổng hợp những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất của VKSND các cấp; nghiên cứu, xin ý kiến lãnh đạo VKSND tối cao và giải đáp để các đơn vị trong toàn Ngành nắm và vận dụng.
1. Chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ tục; quy định về thời hạn giải quyết chưa bảo đảm để giải quyết các đơn kiến nghị, đề nghị, phản ánh liên quan đến hoạt động tư pháp.
Trả lời:
Loại đơn kiến nghị, đề nghị, phản ánh được gọi chung là Đơn kiến nghị, phản ánh. Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Tiếp công dân: “Kiến nghị, phản ánh là việc công dân cung cấp thông tin, trình bày ý kiến, nguyện vọng, đề xuất giải pháp với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật, công tác quản lý trong các lĩnh vực đời sống xã hội thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đó”.
Đối với loại đơn này, đề nghị VKS các cấp nghiên cứu, áp dụng hướng dẫn tại Hướng dẫn số 13/HD-VKSTC ngày 11/6/2024 của VKSND tối cao (Vụ 12) về phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong ngành kiểm sát nhân dân; theo đó tại điểm 5 Mục II đã hướng dẫn: Hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể về quy trình xử lý đối với loại đơn này. Tuy nhiên, quá trình xử lý cần vận dụng tinh thần quy định tại Điều 20 Thông tư số 05/TT-TTCP ngày 1/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định về quy trình xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; theo đó hướng xử lý cụ thể như sau:
- Trường hợp nội dung thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Kiểm sát: Đề xuất chuyển tới đơn vị kiểm sát có thẩm quyền giải quyết;
- Trường hợp nội dung thuộc trách nhiệm quản lý của các cơ quan khác: Đề xuất chuyển tới cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người gửi đơn. Tuy nhiên cần lưu ý, nếu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết là cơ quan tư pháp thì cần thông báo cho VKS cùng cấp để biết, phối hợp.
|
|
Lãnh đạo VKSND tối cao chủ trì cùng các đơn vị nghiệp vụ thuộc VKSND tối cao tiếp công dân. (Ảnh minh hoạ) |
Thực tiễn xử lý loại đơn này, nếu liên quan đến đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp được phân loại, xử lý chuyển đến VKS có thẩm quyền giải quyết hoặc thẩm quyền kiểm sát để xem xét cùng với đơn khiếu nại, tố cáo. Việc xem xét đơn đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong hoạt động tư pháp (không kèm theo đơn khiếu nại, tố cáo) được cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền xem xét theo trình tự, thủ tục tố tụng khi có căn cứ.
2. Chưa có văn bản hướng dẫn các trường hợp cụ thể về khiếu nại, tố cáo “hành vi” của người có thẩm quyền trong thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; biểu mẫu áp dụng biện pháp kiểm sát yêu cầu cơ quan tư pháp cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Trả lời:
Về khiếu nại, tố cáo “hành vi” của người có thẩm quyền trong thực hành quyền công tố, kiểm soát hoạt động tư pháp: Pháp luật chưa có quy phạm định nghĩa về vấn đề này. Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn có thể nhận thức là hành vi tố tụng của những người có chức danh tư pháp thuộc VKS khi tiến hành các hoạt động tư pháp (thực hành quyền công tố; kiểm sát hoạt động tư pháp).
Biểu mẫu áp dụng biện pháp kiểm sát yêu cầu cơ quan tư pháp cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo (Biểu mẫu số 44/KT trong danh mục biểu mẫu công tác tiếp công dân, kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp – ban hành theo Quyết định số 28/QĐ-VKSTC ngày 15/2/2023 của Viện trưởng VKSND tối cao) đã được VKSND tối cao hướng dẫn áp dụng tại công văn số 2646/VKSTC-V12 ngày 5/7/2023 (Đính kèm Biểu mẫu số 44/KT sau khi được sửa đổi bổ sung); đề nghị VKS các cấp nghiên cứu thực hiện.
Ngoài ra, VKSND tối cao còn trả lời về một số kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, VKS địa phương về các nội dung như: Đề nghị VKSND tối cao phối hợp liên ngành ban hành Hướng dẫn mới thay thế Hướng dẫn liên ngành số 24/HD-VKSTC-TATC-BCA-BTP-BQP ngày 8/5/2014; các hướng dẫn, giải đáp và thông báo rút kinh nghiệm quán triệt toàn Ngành để thực hiện thống nhất.
Đề nghị VKSND tối cao kiến nghị bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính; quy định thời hạn gửi Thông báo thụ lý hoặc không thụ lý đơn, quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận giải quyết tố cáo, quyết định đình chỉ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cho VKS; điều chỉnh thời hạn giải quyết khiếu nại, các trường hợp được gia hạn.
Đề nghị VKSND tối cao nghiên cứu, sửa đổi cơ chế xử lý đơn thư phản ánh không thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan điều tra VKSND tối cao; giữa cơ quan điều tra và Vụ 12, VKSND tối cao; sửa đổi, bổ sung Hệ thống biểu mẫu để áp dụng thống nhất trong toàn Ngành.