Theo VKSND tối cao, sơ đồ tư duy và sử dụng sơ đồ tư duy trong công tác giải quyết án hình sự được coi là một phương pháp làm việc mới, khoa học, hiệu quả, giúp lãnh đạo, Kiểm sát viên nắm bắt nhanh chóng, chính xác bản chất hành vi phạm tội và những vấn đề cần chứng minh của vụ án; làm chủ hệ thống chứng cứ, tài liệu để định hướng điều tra, quyết định truy tố và tranh tụng tại phiên toà. Kỹ năng thiết lập và sử dụng thuần thục sơ đồ tư duy sẽ là một trong những giải pháp quan trọng, thiết thực để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết án hình sự của ngành Kiểm sát nhân dân hiện nay.

Về phạm vi, Hướng dẫn số 10/HD-VKSTC hướng dẫn một số nội dung cơ bản về nghiên cứu xây dựng sơ đồ tư duy và kỹ năng của Kiểm sát viên, Kiểm tra viên trong xây dựng sơ đồ tư duy trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự (sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm/ tái thẩm). Các vụ án hình sự được áp dụng có một trong các đặc điểm như quy mô lớn, phạm vi rộng, tính chất, mức độ hành vi phạm tội phức tạp, hậu quả thiệt hại lớn, nhiều bị can, nhiều bị hại; các vụ án thuộc diện cấp uỷ Trung ương và địa phương chỉ đạo; các vụ án có bị can, bị cáo kêu oan; các vụ án dư luận xã hội quan tâm hoặc các vụ án hình sự khác theo yêu cầu của lãnh đạo Viện, lãnh đạo đơn vị.

Đối tượng áp dụng là Kiểm sát viên, Kiểm tra viên của Viện kiểm sát các cấp khi được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.

leftcenterrightdel
 VKSND thực hiện báo cáo án bằng sơ đồ tư duy. (Ảnh minh hoạ)

Cũng theo VKSND tối cao, việc xây dựng sơ đồ tư duy nhằm mục đích góp phần nắm chắc tiến độ, kết quả chứng minh vụ án để đưa ra yêu cầu điều tra, quyết định truy tố, tranh tụng tại phiên toà, bảo đảm xử lý đúng người, đúng tội, không oan sai, không bỏ lọt tội phạm, người phạm tội. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để thiết lập, sử dụng sơ đồ tư duy trong giải quyết các vụ án hình sự.

Hướng dẫn cũng nêu rõ một số sơ đồ tư duy điển hình như: Sơ đồ hình tròn; sơ đồ hình luồng hoặc đa luồng; sơ đồ hình cây; sơ đồ tư duy ngang/dọc/quy trình; bảng biểu.

Đồng thời, đề cập đến một số lưu ý khi xây dựng sơ đồ tư duy như: Lưu ý về lựa chọn vụ án hình sự cần xây dựng sơ đồ; lưu ý lựa chọn hình thức sơ đồ tư duy; lưu ý lựa chọn thông tin, trình bày nội dung; việc hoàn thiện sơ đồ; công cụ xây dựng sơ đồ tư duy và bảo mật thông tin.

Ngoài ra, để bảo đảm chất lượng và hiệu quả trong nghiên cứu, xây dựng, ứng dụng sơ đồ tư duy trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, sau khi lựa chọn được vụ án cần xây dựng sơ đồ tư duy hoặc theo yêu cầu của lãnh đạo Viện, lãnh đạo đơn vị, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên tiến hành xây dựng sơ đồ tư duy theo 4 bước sau:

Bước 1: Nghiên cứu kỹ chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án và tổng hợp, xác định từ khoá thể hiện nội dung, mục đích của việc xây dựng sơ đồ tư duy để lựa chọn loại sơ đồ tư duy phù hợp, như sơ đồ tư duy tổng thể vụ án, sơ đồ tư duy về diễn biến hành vi phạm tội, sơ đồ tư duy về đánh giá chứng cứ... Đây chính là tên và là từ khóa trung tâm của sơ đồ tư duy. Sau khi xác định từ khóa trung tâm thì căn cứ vào mục đích, các nội dung cần thể hiện trên sơ đồ để lựa chọn hình thức sơ đồ phù hợp, đảm bảo trực quan.

Bước 2: Tổng hợp, phân tích, xác định và ghi chú từ khóa/thông tin chính, quan trọng, cần thiết để đưa vào sơ đồ tư duy.

Bước 3: Lựa chọn giải pháp: Công cụ xây dựng sơ đồ tư duy và hình thức sơ đồ (hình dáng). Kiểm sát viên, Kiểm tra viên lựa chọn giải pháp xây dựng sơ đồ tư duy bằng tay hay phần mềm, nếu là phần mềm thì sẽ lựa chọn phần mềm nào đảm bảo mục đích, yêu cầu đặt ra cả về mặt hình thức, nội dung và bảo mật thông tin. Việc hoàn thiện, chỉnh sửa, hệ thống các thông tin trong sơ đồ đảm bảo về hình thức phải cân đối, rõ ràng, màu sắc phù hợp để dễ theo dõi, dễ hiểu; về nội dung, các thông tin có trong sơ đồ phải phản ánh chính xác sự thật khách quan của vụ án, có sự liên kết logic và chặt chẽ với nhau. 

Bước 4: Dự liệu những tình huống phát sinh bằng cách đặt ra các câu hỏi. Trên cơ sở dữ liệu từ khoá đã được thể hiện trên sơ đồ, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên được phân công có thể đặt ra các câu hỏi dự kiến tình huống có thể phát sinh khi báo cáo án hoặc tranh tụng tại phiên toà để chuẩn bị, phục vụ việc khai thác, sử dụng hiệu quả. 

Trường hợp sau khi đặt ra câu hỏi và có thể trả lời được vì đã có trong chứng cứ, tài liệu CQĐT đã cung cấp, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên ghi chú và bổ sung trực tiếp vào sơ đồ tư duy (nếu thấy cần thiết) hoặc đưa vào mục ghi chú/ chèn hình ảnh, file tài liệu vào sơ đồ tư duy; trường hợp không thể trả lời câu hỏi do chưa có đủ thông tin, chứng cứ, tài liệu thì phải yêu cầu CQĐT cung cấp, bổ sung hoặc đề ra yêu cầu điều tra để tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ.

Thực hiện Quyết định số 400/QĐ-VKSTC ngày 30/12/2022 của Viện trưởng VKSND tối cao về việc giao nghiên cứu, xây dựng đề tài khoa học, đề án năm 2023, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3), VKSND tối cao đã hoàn thành việc nghiên cứu, xây dựng Đề án “Nghiên cứu xây dựng sơ đồ tư duy trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố vụ án hình sự”. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Vụ 3 đã ban hành Hướng dẫn nêu trên.
P.V