Có VKS nêu vướng mắc: Phối hợp liên ngành tư pháp Trung ương ban hành các văn bản hướng dẫn với những quy định còn bất cập và chưa cụ thể, bảo đảm áp dụng thống nhất, như: Trong việc áp dụng các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ; áp dụng pháp luật giữa tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” với “Sử dụng trái phép chất ma túy”, tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” với “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”; tội “Giết người” với “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”; tội “Giết người” và “Đe dọa giết người”; tội “Trộm cắp tài sản” với “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”; tội “Cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người” với “Giết người”;... và trong áp dụng các án lệ của Tòa án như Án lệ 17 về tình tiết “Có tính chất côn đồ”, Án lệ 57 về áp dụng tình tiết “Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” và “Phạm tội 2 lần trở lên”; hướng dẫn về quy trình, thủ tục quản lý, xử lý vật chứng, đồ vật, tài sản tạm giữ; về xử lý đối với các hành vi tham nhũng xảy ra trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước; về xử lý đối với các vụ án đánh bạc trên không gian mạng, xác định số tiền và truy thu số tiền đánh bạc qua mạng... 

Nội dung trên, theo trả lời của VKSND tối cao (Vụ 14), việc đề nghị liên ngành có văn bản hướng dẫn áp dụng các án lệ và các vướng mắc về pháp luật nội dung trong lĩnh vực hình sự là không hợp lý, vì thẩm quyền hướng dẫn này thuộc Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.

Hiện TAND tối cao đang xây dựng dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) về các tội phạm ma túy, trong đó sẽ giải quyết các vướng mắc nêu trên.

Về việc áp dụng pháp luật giữa tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi với Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, đề nghị VKS địa phương tham khảo thêm hướng dẫn tại Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 1/10/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của BLHS và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.

Đối với nội dung đề nghị hướng dẫn về hành vi tham ô, đưa hoặc nhận hối lộ xảy ra trong các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân: VKSND tối cao đã có công văn số 4115/VKSTC-V14 ngày 28/9/2023 gửi TAND tối cao đề nghị hướng dẫn xử lý đối với các tội phạm tham nhũng trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước. Ngày 3/10/2023, TAND tối cao cũng đã có công văn số 196/TANDTC-PC thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong công tác xét xử, trong đó, có giải đáp về nội dung này, đề nghị nghiên cứu, tham khảo.

Đối với hướng dẫn về quy trình, thủ tục quản lý, xử lý vật chứng, đồ vật, tài sản tạm giữ, hiện nay Bộ Công an đã thực hiện tổng kết về quản lý, xử lý vật chứng, đồ vật, tài sản tạm giữ để đề xuất hướng giải quyết.

Đối với những khó khăn trong quá trình giải quyết các vụ án đánh bạc, tổ chức đánh bạc, TAND tối cao cũng đã tiến hành tổng kết để xây dựng dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn (ngành KSND đã có văn bản tổng kết gửi TAND tối cao).

Có VKS địa phương nêu câu hỏi: Quá trình giải quyết vụ án, vụ việc liên quan đến tội phạm “Rửa tiền”, còn gặp khó khăn trong hướng dẫn pháp luật. Cụ thể, tại điểm d khoản 2 Điều 4 của Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP ngày 24/5/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 324 của BLHS về tội Rửa tiền, khi hướng dẫn xử lý hành vi “Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều 324 của BLHS", nhưng tại điểm d khoản 2 Điều 4 của Nghị quyết này lại quy định “Các hành vi khác không liên quan đến tài chính, ngân hàng” nên các cơ quan tiến hành tố tụng tại địa phương còn có nhận thức chưa thống nhất trong áp dụng pháp luật.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh một Hội nghị rút kinh nghiệm do VKSND tối cao tổ chức. (Ảnh minh hoạ)

Vướng mắc trên, VKSND tối cao (Vụ 14) trả lời cho rằng, điểm a khoản 1 Điều 324 BLHS quy định “Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác...”. Khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn về hành vi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các giao dịch tài chính, ngân hàng và các giao dịch khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều 324 BLHS; trong đó, điểm n khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP quy định về các hành vi khác trong giao dịch tài chính, ngân hàng theo quy định của pháp luật; còn điểm d khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP quy định về các hành vi khác không liên quan đến tài chính, ngân hàng. Đây là 2 quy định khác nhau để hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng các trường hợp và không có sự mâu thuẫn.

Cũng có VKS nêu vướng mắc trong việc thực hiện khoản 6 Điều 134 BLHS quy định xử lý đối với trường hợp “Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác...” vì trên thực tế những hành vi này thường được các cơ quan tố tụng xem xét, xử lý về tội Gây rối trật tự công cộng. 

Tại khoản 1 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định khởi tố khi có yêu cầu của bị hại đối với khoản 1 Điều 134 mà không quy định đối với khoản 6 Điều 134 BLHS. Trong khi đó tính chất mức độ nguy hiểm của khoản 6 Điều 134 BLHS không bằng khoản 1 Điều 134 BLHS vì chưa có đối tượng bị tác động, ảnh hưởng. Bị hại không yêu cầu khởi tố liệu cơ quan tố tụng có đủ căn cứ khởi tố theo khoản 6 Điều 134 BLHS hay không? Nếu cơ quan tố tụng khởi tố theo khoản 6 Điều 134 BLHS mà không có yêu cầu của bị hại sẽ dễ dẫn đến việc áp dụng tùy nghi hoặc nhầm lẫn với tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Vướng mắc trên, VKSND tối cao (Vụ 14) trả lời: Khoản 6 Điều 134 BLHS là để xử lý ngăn chặn sớm đối với các hành vi chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tức là chưa có bị hại và chưa có hậu quả xảy ra nhưng không thể lường trước được mức độ nguy hiểm sẽ xảy ra như thế nào nếu không được ngăn chặn, phòng ngừa sớm, do vậy, không thể áp dụng theo trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại theo quy định tại Điều 155 BLTTHS.

Để xử lý tội phạm theo quy định tại khoản 6 Điều 134 và Điều 318 BLHS, thì tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan tiến hành tố tụng phải thu thập, đánh giá, chứng minh đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, bảo đảm xác định đúng bản chất sự việc và xử lý nghiêm hành vi và người phạm tội để bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm.

Ngoài ra, một số VKS địa phương nêu một số khó khăn trong việc áp một số quy định pháp luật và án lệ về hình sự: (1) Về thời hạn điều tra sau khi tách vụ án hình sự, như chưa thống nhất quan điểm: Thứ nhất, thời hạn điều tra của vụ án sau khi được tách ra sẽ được tính theo thời hạn điều tra của vụ án đã khởi tố trước đó theo quy định tại Điều 172 BLTTHS; Thứ hai, thời hạn điều tra của vụ án sau khi được tách ra sẽ được tính như một vụ án mới được khởi tố theo thời hạn điều tra được quy định tại Điều 172 BLTTHS); (2) Về thời hạn bổ sung chứng cứ, như: thời hạn bổ sung chứng cứ để xem xét phê chuẩn khởi tố bị can: Tại đoạn 2 khoản 3 Điều 179 BLTTHS chỉ quy định “trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được tài liệu, chứng cứ bổ sung” mà không có quy định thời hạn bổ sung chứng cứ theo yêu cầu của VKS khi xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can; (3) Trong việc số hóa hồ sơ, như: Thời điểm số hóa hồ sơ chưa có sự thống nhất như số hóa hồ sơ án hình sự bắt đầu từ thời điểm nào là thích hợp để hồ sơ số hóa được đánh bút lục một cách đầy đủ theo trình tự của hồ sơ vụ án,..

VKSND tối cao (Vụ 14) trả lời nội dung trên như sau: (1) Thời hạn điều tra của vụ án sau khi được tách ra sẽ được tính theo thời hạn điều tra quy định tại Điều 172 BLTTHS kể từ khi khởi tố vụ án cũ. Trường hợp tách vụ án hình sự để điều tra theo quy định tại Điều 170 BLTTHS, thì thời hạn điều tra của vụ án sẽ là thời hạn điều tra theo tội danh bị tách ra tính từ khi khởi tố vụ án hình sự cũ.

(2) Quy định tại đoạn 2 khoản 3 Điều 179 BLTTHS nhằm tạo thuận lợi cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình bổ sung tài liệu, chứng cứ. Khi trả lại để bổ sung là trả cả hồ sơ vụ án nên không cần quy định thời hạn (miễn là trong thời hạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự).

(3) Pháp luật tố tụng hình sự không quy định về thời điểm số hóa hồ sơ. Đối với các hướng dẫn về trình tự, thủ tục số hóa hồ sơ trong ngành KSND, đề nghị VKS địa phương trao đổi thêm với Cục 2, VKSND tối cao. VKS địa phương có thể tham khảo quy định về lập, quản lý, sử dụng hồ sơ kiểm sát bản điện tử tại Quy định về lập, quản lý, sử dụng hồ sơ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong ngành KSND (Ban hành kèm theo Quyết định số 264/QĐ-VKSTC ngày 5/10/2022 của Viện trưởng VKSND tối cao).

P.V